Xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp gắn với phát triển kinh tế
Để giúp hội viên nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh thành lập các chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp (chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp). Đến nay, trong tỉnh đã có nhiều mô hình chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp gắn với đặc thù từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất hàng hóa tại địa phương.
Sau khi được Hội Nông dân xã tuyên truyền về lợi ích của việc phát triển mô hình kinh tế tập thể, năm 2020, chi hội làm may thôn Mễ Đậu, xã Việt Hưng (Văn Lâm) được thành lập với 15 thành viên là hội viên nông dân. Ông Bùi Đức Thắng, Chi hội trưởng chi hội làm may thôn Mễ Đậu cho biết: Chúng tôi được Hội Nông dân xã hướng dẫn tập hợp những gia đình có cùng sở thích, cùng sản xuất trong lĩnh vực may mặc trong thôn để thành lập chi hội nhằm giúp nhau cùng mở rộng và phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, hội đã tổ chức cho thành viên trong chi hội đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại mô hình đang sản xuất, gia công các mặt hàng trong lĩnh vực may mặc, hỗ trợ thành viên vay vốn, giới thiệu khách hàng cung cấp nguyên liệu, khách hàng tiêu thụ sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, hằng năm, tổng doanh thu của các thành viên trong chi hội đạt hơn 10 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 6,4 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 60 lao động địa phương.
Nhằm tuyên truyền về lợi ích, tầm quan trọng của việc xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, từ năm 2019 đến nay, các cấp hội đã tổ chức được 1.550 buổi tuyên truyền cho 153.500 lượt cán bộ, hội viên nông dân. Ông Vũ Văn Ảnh, thành viên Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động) cho biết: Khi tham gia chi hội, các thành viên được Hội Nông dân xã tổ chức cho tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi; được hỗ trợ cho vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, hỗ trợ kết nối tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các thành viên thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, khoa học, kỹ thuật, cách chọn con giống tốt, thông tin thị trường tiêu thụ… Thông qua hoạt động của chi hội đã giúp thành viên có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, bước đầu hình thành tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập.
Cùng với công tác tuyên truyền, Hội Nông dân tỉnh giao chỉ tiêu thi đua cho Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố về xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng địa phương. Từ năm 2019 đến nay, các cấp hội đã hướng dẫn thành lập mới 27 chi hội nông dân nghề nghiệp với 892 thành viên và 83 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 1.121 thành viên, nâng tổng số toàn tỉnh hiện nay có 52 chi hội, 152 tổ hội nông dân nghề nghiệp, hoạt động trong các lĩnh vực: Chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh... Các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động và bảo đảm đạt được tiêu chí “5 cùng”: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Sau khi được thành lập, đến nay, 100% thành viên được tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, về áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh… Một số cơ sở hội đã tổ chức được đoàn đưa thành viên chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp của địa phương đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả ở trong và ngoài tỉnh.
Để hỗ trợ các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động, các cấp hội ưu tiên cho vay từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân; phối hợp với các đơn vị có liên quan hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, vật tư nông nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.300 thành viên chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp đang được vay vốn với số tiền hơn 53 tỷ đồng. Nhiều chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay mang lại lợi nhuận cao như: Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động) đang được vay 1 tỷ đồng để nuôi hươu lấy nhung, mỗi năm chi hội có tổng doanh thu gần 7 tỷ đồng; chi hội sản xuất hương thơm xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên) đang được vay 1 tỷ đồng, mỗi thành viên chi hội thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm…
Với ưu thế mô hình tổ chức nhỏ gọn, các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp trong tỉnh đã xây dựng được quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ.
Phát huy các kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục đa dạng hóa mô hình, hoạt động của chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tiến tới thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất hàng hóa tại các địa phương.