Xây dựng chiến lược chống dịch COVID-19 linh hoạt ở Đắk Lắk

Số ca mắc COVID-19 vẫn tăng cao ở Đắk Lắk, hàng loạt điểm dịch được phát hiện trong cộng đồng. Đặc biệt, các chùm ca bệnh trong 14 ngày qua chưa rõ nguồn lây, liên quan đến các chợ, tiểu thương.

Ca mắc COVID-19 cộng đồng tăng cao

Để giúp tỉnh Đắk Lắk có chiến lược phòng, chống dịch và điều trị một cách hiệu quả nhất, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế đến làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan liên quan ở địa phương này.

Tính từ 27/4 đến chiều 13/11, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 5.986 ca; đã điều trị khỏi 2.985 ca; đang điều trị 2.966; tử vong 35 ca.

Theo đánh giá của Trung tâm chỉ huy phòng, chống COVID-19 Đắk Lắk, ca mắc COVID-19 cộng đồng liên tục tăng cao. Nhiều ca mắc liên quan đến các tiểu thương, chợ dọc Quốc lộ 14, việc truy vết khó khăn. Các chùm ca bệnh ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số vẫn xuất hiện rải rác.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (người đứng) cùng đoàn công tác đưa ra nhiều chiến lược chống dịch cho địa phương.

Các điểm nóng có nhiều ca nhiễm ở Đắk Lắk trong 2 tuần qua là: Buôn Ma Thuột; Krông Ana; Krông Búk; Buôn Hồ… Theo dự báo của Đắk Lắk thì đỉnh dịch ở địa phương sẽ rơi vào cuối tháng 11 nửa đầu tháng 12 với số ca mắc COVID-19 cộng đồng cộng dồn khoảng 8.000 đến 10.000 ca.

Để phát hiện ca nhiễm, Đắk Lắk áp dụng cả test nhanh và PCR. Hiện địa phương có 6 máy xét nghiệm PCR: 4 máy ở cơ sở y tế công lập, 2 máy ở cơ sở y tế ngoài công lập. Năng lực xét nghiệm của 6 máy khoảng 5.000 mẫu/ngày.

Cùng với xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch, Đắk Lắk cũng đẩy mạnh bao phủ vaccine phòng COVID-19. Tổng số vaccine đã nhận của Bộ Y tế là 1.262.048 liều. Đến 11/11 đã tiêm 1.227.909 liều. Mức độ bao phủ mũi 1 cho người 18 tuổi trở lên đạt hơn 82%; mũi 2 đạt gần 10%.

Đối với các cơ sở điều trị COVID-19, Đắk Lắk đã tiến hành phân luồng, sàng lọc, chống nhiễm khuẩn…

Đến nay, Đắk Lắk cũng đã thiết lập được 6 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 3.222 giường theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Đắk Lắk dự kiến kế hoạch tăng lên 5.580 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 trên tất cả các tuyến cơ sở y tế. Hiện địa phương đã có 2 máy ECMO; 10 máy thở chức năng cao; 80 máy thở khác; 15 máy thở HFNC; 3 máy lọc máu…

Xây dựng chiến lược chống dịch COVID-19 linh hoạt

Theo đánh giá của lãnh đạo Đắk Lắk, để đón đầu, đáp ứng cấp độ dịch ở địa phương thì cùng với tăng số giường, tỉnh đã chỉ đạo nâng công suất xét nghiệm; nghiên cứu phương án Trạm y tế lưu động; dự thảo phương án điều trị F0 tại nhà; huy động y tế tư nhân tham gia chống dịch, điều trị…

Tỉnh Đắk Lắk cũng đưa ra đề xuất với đoàn công tác của Bộ Y tế:

Hỗ trợ thiết bị, nhân lực điều trị bệnh nhân COVID-19.
Phân bổ thêm vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên, tiêm cho người từ vùng dịch về địa phương và tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.
Hỗ trợ đào tạo tại chỗ nhân lực chuyên ngành hồi sức cấp cứu.
Hỗ trợ đầu tư xây dựng, vận hành 1 Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân tầng 3 với quy mô khoảng 1.000 giường.

Xét nghiệm tầm soát COVID-19 ở Đắk Lắk. (Ảnh H.Giang).

Từ thực tiễn của địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh Đắk Lắk cần xây dựng kế hoạch, chiến lược phù hợp:

- Đối với việc cách ly, địa phương đã bắt đầu triển khai cách ly F1 tại nhà nhưng chưa thực hiện rộng rãi. Nên ưu tiên cách ly F1 tại nhà cho các trường hợp đủ điều kiện. Đối với F0 trong lúc chờ bao phủ vaccine (vào cuối tháng 11) thì Tổ công tác của Bộ Y tế ở Đắk Lắk sẽ giúp tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai theo các cấp độ ở thành phố, ở buôn/làng/xã…

- Với vấn đề xét nghiệm, máy móc xét nghiệm chủ yếu tập trung ở TP. Buôn Ma Thuột. Vậy nên tập trung test nhanh ở vùng sâu, vùng xa để đảm bảo khống chế dịch, phát hiện ca mắc COVID-19 nhanh nhất. Nên lấy test nhanh làm chủ đạo.

- Với 20 xã vùng đỏ ở Đắk Lắk thì khoanh vùng hẹp nhất để tiến hành bóc tách thật nhanh F0. Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên nhanh chóng rà soát cho thẩm định các đơn vị đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định PCR để tăng năng lực xét nghiệm cho địa phương.

- Đối với vaccine phòng COVID-19, sẽ phân bổ đủ để tiêm mũi 2 trong tháng 11 (khoảng 1.533.000 liều). Sẽ cấp tiếp trong tháng 12 để tiêm đủ mũi 2 cho trẻ em. Ưu tiên tiêm cho đối tượng trên 50 tuổi, có bệnh nền tiêm trước.

- Về vấn đề điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng, Bộ Y tế giao cho ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch trước mắt và lâu dài trong điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Đắk Lắk. Đối với các khó khăn về trang thiết bị như máy thở, bảo hộ… sẽ xem xét, cân đối để hỗ trợ giúp cho địa phương.

- Trước mắt đề nghị tỉnh Đắk Lắk quan tâm đến đào tạo nhân lực y tế tại chỗ (tại Đại học Tây Nguyên). Đối với Bệnh viện dã chiến điều trị tầng 3 cần phù hợp với quy mô của địa phương và số ca mắc, cần căn cứ thực tế nhu cầu đầu tư cho phù hợp hiệu quả. Nên xem xét đầu tư cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để sử dụng lâu dài. Nên nghiên cứu xây dựng mô hình bệnh viện đa tầng (tầng 1, 2, 3) để thuận tiện trong việc thu dung điều trị, chuyển tuyến. Đẩy mạnh kết nối TeleHealth để hội chẩn, tư vấn từ xa giúp chẩn đoán sớm, giảm tăng nặng, tử vong...

Tiêm vaccine phòng COVID-19 an toàn ở Đắk Lắk. (Ảnh: H.Giang).

Tiếp thu các ý kiến từ Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và các thành viên đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Nguyễn Đình Trung đã gửi lời cảm ơn đến Bộ Y tế, ngay khi tỉnh có đề nghị, Bộ Y tế đã cử Tổ công tác vào hỗ trợ ngay, kịp thời.

Sự có mặt của Tổ công tác Bộ Y tế đã tạo ra tâm lý yên tâm cho nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Trong thời gian qua, Đắk Lắk cũng đã chủ động đánh giá nguy cơ, nhận định tình hình dịch để ứng phó và sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 trong thời gian tới....

Xem thêm video được quan tâm:

Hà Văn Đạo - T.Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//xay-dung-chien-luoc-chong-dich-covid-19-linh-hoat-o-dak-lak-169211113191548606.htm