Xây dựng chiến lược cụ thể để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trên tất cả các thị trường
Các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần quan sát, đánh giá nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn, có kế hoạch phù hợp để đáp ứng trường hợp nhu cầu tiêu dùng gia tăng trở lại.
Theo dự báo từ đại diện các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp, trong các tháng tiếp theo năm 2024, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục sôi động và đạt được một số kết quả tích cực như các nước nhập khẩu gạo tiếp tục tăng, giá bán cao...
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp vẫn cần quan sát, đánh giá nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) do vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng, kinh tế vĩ mô chưa ổn định hoàn toàn.
Đồng thời, quan sát và tận dụng tốt cơ hội ở một số quốc gia, khu vực khác ở châu Á, châu Phi; có kế hoạch phù hợp để đáp ứng trường hợp nhu cầu tiêu dùng gia tăng trở lại, dự kiến phục hồi rõ rệt hơn trong nửa sau của năm 2024.
Đẩy mạnh khai thác thị trường châu Á-châu Phi
Khu vực châu Á-châu Phi được xem là thị trường xuất khẩu quan trọng của gạo Việt Nam; trong đó có những thị trường lớn như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Bờ Biển Ngà...
Đề cập về tình hình, động thái của các thị trường xuất nhập khẩu gạo quan trọng của Việt Nam, ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), thông tin khu vực châu Á-châu Phi là thị trường rộng lớn với tổng cộng 117 quốc gia và vùng lãnh thổ, có dân số hơn 6,5 tỷ người, chiếm khoảng 80% dân số toàn thế giới.
Trong tổng số 8,3 triệu tấn gạo mà Việt Nam đã xuất khẩu trong năm 2023, xuất khẩu gạo sang châu Á-châu Phi đã chiếm 90%, tương đương khoảng 7,34 triệu tấn, giá trị hơn 4,1 tỷ USD.
Trong quý 1/2024, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang các thị trường châu Á-châu Phi tiếp tục có tín hiệu tốt và ghi nhận tăng trưởng.
Theo ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trong niên vụ 2023-2024, sản lượng gạo toàn cầu sẽ ở mức 515,5 triệu tấn.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ là 521,3 triệu tấn, lượng gạo thiếu hụt là 5,8 triệu tấn. Vì thế, các chuyên gia nhận định thời gian tới sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường châu Á-châu Phi, giá gạo xuất khẩu tiếp tục ở mức cao, thuận lợi cho Việt Nam.
Bởi lẽ, các nước sản xuất, xuất khẩu gạo lớn đều có kế hoạch cắt giảm sản lượng trước ảnh hưởng của El Nino.
Cụ thể, Ấn Độ sẽ giảm sản lượng xuống còn 134 triệu tấn (giảm 1,8 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023); Trung Quốc giảm sản lượng 1,3 triệu tấn, xuống còn 144,6 triệu tấn; Thái Lan và Indonesia cùng giảm 900.000 tấn, tương đương sản lượng còn lại lần lượt là 20 triệu tấn và 33 triệu tấn.
Đặc biệt, tại Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - hiện vẫn đang áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng kể từ tháng 7/2023. Mới đây, quốc gia này tiếp tục thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm đến hết tháng 7/2024.
Việt Nam tiếp tục giữ vị trí cao trong danh sách các nước xuất khẩu gạo của thế giới với sản lượng dự kiến năm 2024 đạt 43 triệu tấn.
Với bối cảnh thị trường được phân tích, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi Nguyễn Ngọc Nam khuyến nghị các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược đẩy mạnh khai thác tiềm năng các thị trường khu vực châu Á-châu Phi.
Đối với thị trường Philippines, trong năm 2024 được dự báo có xu hướng tăng trưởng chậm và giảm thị phần.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp gạo Việt Nam đã tạo dựng được uy tín, lòng tin và có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu nước này. Đây là lợi thế mà doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục duy trì và phát huy.
Đối với thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Ngọc Nam thông tin, hiện nước bạn đã cho phép khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu gạo vào thị trường này.
Các dòng gạo thơm, cao cấp, gạo ST của Việt Nam đang là những dòng được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Nam cũng lưu ý hiện nay xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đang có sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Các sản phẩm gạo có mặt tại thị trường này đều có chất lượng tương đối cao.
Đồng thời, các nước xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc ngày càng chú trọng vào khâu đóng gói bao bì.
Hiện bao bì gạo của Thái Lan, Lào đã có mặt tại hệ thống siêu thị của Trung Quốc, kể cả hệ thống siêu thị khu vực phía Bắc Trung Quốc- một khu vực tương đối khắt khe về chất lượng hàng hóa và yêu cầu về bao bì. Vì thế, các doanh nghiệp cần chú ý nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì, mở rộng bạn hàng nhập khẩu để giữ thị phần.
Chiến lược phù hợp cho thị trường Âu-Mỹ
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang khu vực châu ÂU-châu Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch nhưng các chuyên gia đánh giá đây là khu vực thị trường tiềm năng.
Tuy nhiên, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, nhận định thị trường châu Mỹ-châu Âu là khu vực có những thị trường được đánh giá là rất khắt khe và khó tính nhất là đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm dùng cho người.
Đặc biệt là các thị trường như Hoa Kỳ hay Liên minh châu Âu có rất nhiều quy định và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón, tiêu chuẩn xã hội...
Những tiêu chuẩn này thường xuyên được cập nhật theo hướng ngày càng nâng cao và khắt khe hơn. Đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải theo dõi chặt chẽ và nắm bắt các thông tin, chính sách, quy định của thị trường.
Đây được xem là rào cản lớn với xuất khẩu gạo của Việt Nam do phải tốn thêm nhiều chi phí cho việc tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn dẫn đến giảm sức cạnh tranh.
"Nhìn chung, gạo Việt Nam khó cạnh tranh về giá và mẫu mã với các đối thủ chính ở phân khúc phổ thông, trước những quốc gia đã có mặt tại thị trường này từ rất lâu và chiếm phần lớn thị phần như: Thái Lan và Ấn Độ. Vì vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam phải có chiến lược phù hợp," ông Tạ Hoàng Linh đưa ra khuyến nghị.
Để tiếp tục khai thác có hiệu quả và mở rộng thị trường cho xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2024 vào thị trường có yêu cầu cao, ông Tạ Hoàng Linh cho rằng việc xuất khẩu gạo sang khu vực Âu-châu Mỹ cần tiếp tục phát triển theo hướng trở thành nhà cung cấp phân khúc gạo cao cấp.
Chiến lược phát triển ngành lúa gạo phải hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Các doanh nghiệp cần tập trung xuất khẩu sang khu vực Âu-châu Mỹ các loại gạo thơm, giá trị cao, đặc sản, đặc trưng và có thương hiệu của Việt Nam (như ST24, ST25) và phát triển các sản phẩm chế biến làm từ gạo như phở, bún, bánh đa... sẽ có thể mang lại hiệu quả và tiềm năng tốt hơn.
Ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang các thị trường châu Âu, ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn lúa gạo Việt Nam (Đồng Tháp) lưu ý 5 điểm mấu chốt để phát triển ngành hàng gạo Việt Nam: tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam khác biệt so với nước khác; các doanh nghiệp nên chia sẻ giá đấu thầu gạo ở các nước; nhà nước phối hợp cùng doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao tại chỗ để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong đầu tư công nghệ chế biến gạo; cần có sự vào cuộc quyết liệt của doanh nghiệp, chính quyền để xây dựng vùng nguyên liệu có tính liên kết bền vững.
Khu vực châu Âu-châu Mỹ mặc dù không phải là thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm, nhưng theo ông Tạ Hoàng Linh, đây là thị trường hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai đối với xuất khẩu gạo Việt.
Đặc biệt, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam bởi hàng năm tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU đạt khoảng 3-4 triệu tấn (theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu - Durostap) trong khi lượng xuất khẩu gạo Việt sang EU chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ, khoảng 3,1%.
Ông Tạ Hoàng Linh đánh giá châu Âu-châu Mỹ là khu vực thị trường mà Việt Nam có thể tận dụng nhiều ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết như Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKFTA), hay Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong khi một số đối thủ chính của Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan không được hưởng các ưu đãi về thuế.
Theo báo cáo của Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ, 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường châu Mỹ-châu Âu có sự tăng đột biến với trên 181.000 tấn, trị giá 135,9 triệu USD, tăng 218,3% so với cùng kỳ.
Con số tăng đột biến là vì quý 1/2024 xuất khẩu gạo sang Cuba đạt 82,9 triệu USD (tăng 492,1% so với cùng kỳ quý 1/2023), chiếm tỷ trọng 61% tổng xuất khẩu gạo sang châu Âu-châu Mỹ./.