Xây dựng chiến lược quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số tại Việt Nam
Ngày 21/12, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã tổ chức hội thảo 'Xây dựng chiến lược quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số tại Việt Nam'. Đây là hoạt động nhằm mục đích xây dựng chính sách thích ứng với già hóa dân số, giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn đến 2035.
Ông Lê Bạch Dương - Trợ lý Trưởng đại diện UNFPA nhấn mạnh: “Xây dựng chính sách cần phát huy những tiềm lực cả người cao tuổi chứ không phải coi người cao tuổi như những người thụ hưởng các dịch vụ xã hội thụ động”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Bạch Dương - Trợ lý Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: Ở Việt Nam tỷ lệ người cao tuổi trên tổng dân số đã tăng lên 11,9% năm 2017 và sẽ tăng lên đến 20% vào năm 2038.
Khi thế giới xây dựng một chương trình phát triển mới truyền cảm hứng và cam kết đạt được mục tiêu phát triển bền vững mới thì Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới phù hợp với vấn đề già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế - xã hội, đồng thời bảo vệ quyền của người cao tuổi.
Già hóa là một tất yếu của sự phát triển. Chúng ta phải chuyển hướng trọng tâm từ việc đơn thuần giúp tiếp cận với tuổi già sang giúp tiếp cận với một tuổi già vui vẻ, hạnh phúc.
Đồng thời già hóa dân số không chỉ là giải quyết các vấn đề của người cao tuổi. Tiến trình già hóa dân số có tác động tới tất cả các khía cạnh của xã hội, các thành phần kinh tế và tới các nhóm dân số trẻ tuổi hơn.
Là một quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, Việt Nam cần nhanh chóng có một hướng tiếp cận toàn diện hơn để thích ứng và đáp ứng nhu cầu của toàn bộ dân số, chuẩn bị cho một xã hội già trong tương lai.
Việc xây dựng các chính sách này cần nhìn nhận người cao tuổi là một nguồn lực cho phát triển, do đó chính sách cần phát huy những tiềm lực cả người cao tuổi chứ không phải coi người cao tuổi như những người thụ hưởng các dịch vụ xã hội thụ động.
Bà Lê Minh Giang - Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam mong muốn, thông qua các nội dung được chia sẻ về vấn đề già hóa dân số tại buổi hội thảo, các vấn đề đặt ra về già hóa tích cực, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 – 2025 và định hướng các chính sách nhằm đáp ứng với già hóa dân số ở Việt Nam trong thời gian tới.
Các đại biểu đưa ra các giải pháp để thích ứng với già hóa dân số
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về một số bài học và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam như: Thích ứng với già hóa dân số cần được coi là một vấn đề ưu tiên và đòi hỏi phải có các biện pháp kịp thời để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa.
Chính phủ cần ban hành, định hướng chiến lược tổng thể để thích ứng với già hóa dân số, xây dựng chương trình hành động về già hóa dân số cho giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 – 2025; Đề xuất sửa đổi Luật Người cao tuổi.
Các đại biểu cũng cho rằng, chúng ta cần tăng cường truyền thông, thay đổi nhận thức, tạo môi trường phù hợp với xã hội có nhiều người cao tuổi, thường xuyên tuyên truyền giáo dục giới trẻ, để xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực với người cao tuổi… Việc hoàn thiện các chính sách phù hợp sẽ góp phần đảm bảo quyền và tăng sự tham gia của người cao tuổi để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn cho mọi lứa tuổi.