Xây dựng chiến lược tiếp thị địa phương, Cần Thơ có điểm yếu gì?
Kết quả nghiên cứu của đề tài xây dựng chiến lược tiếp thị địa phương chỉ ra 21 điểm mạnh, 20 điểm yếu, 19 cơ hội và 18 thách thức thuộc 6 nhóm lĩnh vực của TP Cần Thơ.
Thông tin được Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ cho hay tại hội thảo “Chiến lược marketing địa phương của TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn và giải pháp” diễn ra ngày 29/5.
Theo ThS Võ Minh Cảnh – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, Chủ nhiệm đề tài “Xây dựng chiến lược tiếp thị địa phương của TP Cần Thơ định hướng đến năm 2030”,đề tài là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp TP, do viện chủ trì thực hiện từ tháng 4/2019, đến nay đã cơ bản hoàn thành phân tích tổng quan thực trạng các yếu tố cấu thành nên thương hiệu địa phương của TP Cần Thơ.
Để xây dựng chiến lược marketing địa phương, nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích SWOT để phân tích điểm mạnh (S), điểm yếu (W), cơ hội (O) và thách thức (T) của các yếu tố cấu thành thương hiệu địa phương của TP, gồm 6 lĩnh vực: nguồn nhân lực; đầu tư; du lịch; di sản văn hóa; thương mại - xuất khẩu và năng lực quản lý công. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 21 điểm mạnh, 20 điểm yếu, 19 cơ hội và 18 thử thách thuộc 6 nhóm yếu tố trên.
Cụ thể như, về nguồn nhân lực, TP Cần Thơ có điểm mạnh là trung tâm giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ của vùng, chất lượng đời sống ngày càng được cải thiện rõ rệt và toàn diện… Tuy nhiên, điểm yếu là năng suất lao động còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.
Còn về đầu tư, TP có các cơ chế, chính sách thu hút; hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được hình thành, tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi, nền kinh tế đa dạng… Tuy nhiên, chi phí cho hoạt động đầu tư chưa hấp dẫn, môi trường đầu tư chưa đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư, công tác hỗ trợ DN còn nhiều hạn chế.
Về du lịch, Cần Thơ có cảnh quan tự nhiên đẹp và hấp dẫn, khí hậu dễ chịu, ít thiên tai; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch khá tốt, thương hiệu du lịch bước đầu hình thành và phát triển… Đây cũng là ngành nhận được nhiều quan tâm và được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn. Thế nhưng, TP chưa có những khu du lịch quy mô và tầm cỡ; các hoạt động du lịch và dịch vụ phụ trợ còn trùng lắp, đơn điệu; tư duy phát triển du lịch còn dựa nhiều vào khai thác điều kiện tự nhiên sẵn có, tự phát, thiếu bài bản…
Ở lĩnh vực di sản văn hóa, TP có nền văn hóa địa phương phong phú, đa dạng, trong đó văn hóa sông nước là đặc trưng chủ đạo, hệ thống di tích độc đáo, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch… Nhưng, nơi đây lại thiếu những công trình văn hóa tầm cỡ quốc gia làm điểm nhấn, công nghiệp văn hóa phát triển chưa tương xứng với vị thế…
Về thương mại – xuất khẩu, Cần Thơ có lợi thế về vị trí, có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo, thủy sản, trái cây… Song, ở đây các ngành như logistics phát triển chưa tương xứng, năng lực xuất khẩu còn thấp do thiếu những tập đoàn lớn, nhất là trong chế biến xuất khẩu, giá trị hàng xuất khẩu không cao.
Còn về năng lực quản lý công, các thể chế quản trị và hành chính công, các thể chế và chính sách kinh tế chỉ trên mức trung bình; tính linh hoạt và năng động của TP chỉ ở mức độ vừa phải; nguồn lực nhà nước để thực hiện các mục tiêu còn hạn chế; năng lực của một bộ phận đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, thiếu những nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành…
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra những thách thức lớn của TP Cần Thơ. Cụ thể như, đây là một trong những TP chịu tổn thương nhiều nhất trong sự biến đổi khí hậu toàn cầu, trực tiếp là nước biển dâng, nhiệt độ tăng…, còn sụt lún đất là mối đe dọa tiềm tàng tới khả năng thích ứng về lâu dài của TP.
Hay về nguồn lực ngân sách, với tình trạng phát triển hiện tại, kinh tế TP không đủ nguồn thu ngân sách để đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư. Đây lại là một nguy cơ và thách thức phải được quản lý trong tương lai. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực của TP còn nhiều hạn chế, công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ…