Xây dựng Chính phủ điện tử: Bước đi hợp lý với tính khả thi cao
Tình trạng xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), chính quyền điện tử ở các bộ ngành, địa phương thời gian qua theo kiểu 'trăm hoa đua nở', thiếu sự lãnh đạo tập trung. Trong đó, do dùng nhiều phần mềm, cơ sở dữ liệu khác nhau, dẫn đến nguy cơ đầu tư trùng lặp, lãng phí, không tương thích, thiếu liên thông, đồng bộ. Điều này cũng đặt ra thách thức trong vấn đề an ninh, an toàn mạng.
Đâu là biện pháp để khắc phục? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, chuyên gia tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CPĐT.
- PHÓNG VIÊN: Ông đánh đánh giá như thế nào về cách thức đầu tư, phát triển CPĐT ở Việt Nam hiện nay?
>> Ông VŨ HOÀNG LIÊN: Chủ trương về xây dựng và phát triển CPĐT luôn được ủng hộ từ trước đến nay. Gần đây, chúng ta đều thấy rõ Chính phủ rất tiên phong và gương mẫu trong vấn đề này. Đó là việc đưa vào hoạt động trục liên thông văn bản quốc gia và hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet). Khung pháp lý đồng bộ về xây dựng CPĐT đang từng bước được hoàn thiện. Chính phủ cũng tập trung tháo gỡ những bất cập khó khăn trong cơ chế đầu tư, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT)... Cùng với quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ thì các phương pháp triển khai CPĐT hiện nay đang có những bước đi khá hợp lý với tính khả thi cao. Những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong phát triển CPĐT trước đây thì nay mọi người đều nhìn thấy rõ. Vấn đề bây giờ là phải làm như thế nào.
- Xin ông nói rõ về tính khả thi trong phương pháp xây dựng CPĐT hiện nay?
Theo tôi, việc xây dựng CPĐT được “chia cắt” thành nhiều dự án, chấp nhận những mức độ hoàn thiện khác nhau, với quy mô và những mục tiêu phù hợp thực tế là điều đúng đắn.
Gần 20 năm trước, khi thực hiện Đề án Tin học hóa hành chính nhà nước nhằm mục đích xây dựng CPĐT (Đề án 112), chúng ta đã triển khai tập trung với những nền tảng, phần mềm dùng chung quy mô. Cách làm đó có thể không đủ trải nghiệm các tình huống khác nhau nên có nơi phù hợp, nơi không, mất rất nhiều thời gian và kinh phí điều chỉnh, xử lý. Vì triển khai tập trung nên các địa phương, bộ ngành có thể trông chờ. Hiện nay, Chính phủ chia các vấn đề, nội dung cần phát triển của CPĐT trên một quy hoạch tổng thể chung và có giới hạn, lộ trình cho những mục tiêu cụ thể tùy theo yêu cầu, khả năng của từng địa phương hay đơn vị. Điều đó cho phép từng dự án, đề án mang tính khả thi hơn, được thúc đẩy nhanh hơn. Chính phủ đã xây dựng, phát triển những ứng dụng thiết thực để dùng ngay vào công việc cụ thể hàng ngày của mình; qua đó CPĐT vận hành tốt hơn, tạo cơ hội cho các bộ ngành, doanh nghiệp và người dân tham gia vào quá trình đó. Vấn đề tham gia của người dùng vào CPĐT rất quan trọng.
Trước đây, chúng ta cũng có những giải pháp công nghệ rất tốt, nhưng sự tham gia của người dùng không tốt khiến kết quả cuối cùng hạn chế. Nhiều khi chúng ta đòi hỏi mục tiêu quá lớn, công nghệ quá phức tạp có thể bất cập với khả năng tiếp cận của người dùng. Vì vậy, phải theo nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp, bộ máy để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ cụ thể và kéo người dùng tham gia, thực hiện được những mục tiêu đề ra.
- Như vậy, TPHCM, Hà Nội, hay các địa phương, bộ ngành sẽ có phương án riêng, giải pháp và công nghệ khác nhau trong vấn đề phát triển CPĐT, chính quyền điện tử của mình. Làm sao để giải quyết bài toán kết nối, chia sẻ dữ liệu, thưa ông?
Đây là vấn đề rất quan trọng. Hiện nay tất cả được thực hiện trên một khung kiến trúc, bộ tiêu chuẩn chung về CPĐT Việt Nam mà Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng. Khung kiến trúc cơ bản đã được ban hành và đang được tiếp tục cập nhật, bổ sung với các yêu cầu đi kèm. Các địa phương, bộ ngành căn cứ trên khung kiến trúc đó, tùy theo năng lực của mình để triển khai thực hiện với lộ trình phù hợp. Khi thực hiện các cấu phần, module của CPĐT hiện nay, dù ở cấp độ nào thì đều có thể mở rộng, kết nối vào hạ tầng chung quốc gia khi cần. Dù là công nghệ, kỹ thuật, doanh nghiệp khác nhau nhưng khi thực hiện đều phải tuân thủ những điều kiện chung. Đồng thời vẫn kế thừa hệ thống hiện có mà vẫn tiến tới đồng bộ, thống nhất. Đây là điểm khác biệt trước đây, khiến cách thức xây dựng CPĐT hiện này rất khả thi, phù hợp với tình hình đất nước.
Việc Chính phủ lắng nghe và huy động được nguồn lực của các doanh nghiệp trong nước tham gia xây dựng, phát triển CPĐT như VNPT, Viettel, FPT, CMC… vừa qua là điều đáng ghi nhận. Các công ty công nghệ Việt Nam hiện nay xét ở mức độ nào đó, cũng không hề thua kém các công ty nước ngoài trong rất nhiều lĩnh vực. Việc các công ty này chủ động, thậm chí là bỏ kinh phí, công nghệ ra để xây dựng, phát triển, vận hành CPĐT, chính quyền điện tử ở các cấp là điều tốt, bởi không chỉ giúp giảm bớt chi phí, sự lệ thuộc vào nước ngoài, mà còn giúp chính các công ty đó trưởng thành hơn, dễ dàng hợp tác với nước ngoài bởi “thị trường CPĐT” hiện đang phát triển không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở các nước đang phát triển. Sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam cũng đảm bảo tính bền vững của CPĐT.
- Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, chúng ta cần phải làm những gì để bảo đảm an toàn thông tin cho các hoạt động của CPĐT cũng như lộ trình tiến lên Chính phủ số?
Trong xây dựng, phát triển CPĐT thì vấn đề an toàn thông tin là một cấu phần bắt buộc, có ngay từ đầu. Tuy nhiên, cũng như nhận thức trước đây, vấn đề an toàn thông tin, nhất là khâu đảm bảo an ninh dữ liệu lớn, nhiều lúc chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, chúng ta đều đã thấy rõ, dữ liệu là tài nguyên cực kỳ quan trọng của bất kỳ Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp, bộ, ngành nào. Vì vậy, yêu cầu hàng đầu hiện nay khi bắt tay vào làm CPĐT, chính quyền điện tử là phải đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu. An toàn thông tin có tính quyết định sống còn của một nền tảng CPĐT khi vận hành. Với khung kiến trúc về kỹ thuật và pháp lý CPĐT đã ban hành và đang được tiếp tục hoàn thiện, vấn đề an toàn thông tin sẽ giảm thiểu được rủi ro rất nhiều. CPĐT cũng như bất cứ phát triển cái gì, luôn tồn tại những hạn chế, rủi ro. Quan trọng là chúng ta lường trước và có phương án dự phòng, xử lý tình huống tốt.
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh là phải xem xét, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp bởi đó là đối tượng trung tâm của xây dựng CPĐT. Theo tôi, mặc dù hiện nay số lượng dịch vụ công trực tuyến có tăng lên nhưng tỷ lệ sử dụng vẫn còn thấp, hiệu quả chưa cao. Khu vực doanh nghiệp có cập nhật, sử dụng các dịch vụ công của chính quyền nhưng cá nhân, nhất là người dân ở vùng nông thôn thì tiếp cận CPĐT còn rất hạn chế. Tiến tới một Chính phủ số thì đối tượng doanh nghiệp được ưu tiên trước là đúng nhưng với loại hình dịch vụ công thì số người dân được phục vụ bởi CPĐT mới là hiệu quả thực tế. Do đó, lộ trình phát triển phải hài hòa giữa công nghệ số, môi trường pháp lý số với năng lực tiếp cận của các đối tượng của quản lý nhà nước để có được công dân số.
- Xin cảm ơn ông!