Xây dựng chính quyền cơ sở ở Điện Biên Đông còn nhiều khó khăn (bài 2)

Bài 2: Hiệu quả chưa như kỳ vọngĐBP - Mặc dù đã đạt một số kết quả tích cực, nhất là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, song chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở trên địa bàn huyện Điện Biên Đông vẫn còn nhiều hạn chế.

Nhiều xã xếp loại trung bình

Ngày 7/11/2011, UBND tỉnh ra Quyết định 34/2011/QĐ-UBND về việc ban hành tiêu chí đánh giá, xếp loại chính quyền cơ sở. Mục đích việc đánh giá, xếp loại chính quyền nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tăng cường công tác quản lý Nhà nước của chính quyền cơ sở; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ; đánh giá đúng thực chất hoạt động của chính quyền cơ sở trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Qua đó giúp các cơ quan hữu quan hoạch định cơ chế, chính sách góp phần xây dựng, củng cố chính quyền cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh. Theo quyết định này, chính quyền cấp xã có 18 tiêu chí để đánh giá, xếp loại, như: Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nông nghiệp và phát triển nông thôn; quản lý đất đai, tài nguyên; chăm lo cải thiện đời sống nhân dân; phát triển sự nghiệp giáo dục… Để xếp loại tốt thì phải có trên 12 tiêu chí đạt từ 20 điểm trở lên và không có tiêu chí nào đạt dưới 15 điểm; xếp loại khá phải có trên 12 tiêu chí đạt từ 15 điểm trở lên và không có điểm 5; những xã xếp loại trung bình khi có 12 tiêu chí từ 6 điểm trở lên, trong đó đối với những xã thuộc khu vực II, III có từ 4 tiêu chí trở lên đạt 6 – 10 điểm hoặc có 1 tiêu chí trở lên đạt từ 1 – 5 điểm…

Cán bộ xã Phình Giàng tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân bản Xa Vua A, xã Phình Giàng.

Năm 2016 huyện Điện Biên Đông có 5 xã bị nhắc nhở và yêu cầu chấn chỉnh gồm: Phì Nhừ, Noong U, Tìa Dình, Xa Dung và Luân Giói vì 2 năm liên tiếp xếp loại trung bình. Đặc biệt, đến năm 2017, toàn huyện Điện Biên Đông có 10/14 xã, thị trấn bị xếp loại trung bình (trừ 3 xã: Pú Nhi, Mường Luân, Na Son và thị trấn Điện Biên Đông). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các xã bị xếp loại trung bình là do chưa thực hiện tốt tiêu chí chăm lo đời sống cho người dân, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao; tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn; công tác quản lý và bảo vệ môi trường yếu. Ban Chỉ đạo xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở tỉnh đã yêu cầu huyện xem xét, tăng cường cán bộ cấp huyện về giữ các chức vụ chủ chốt ở các xã; tăng cường đào tạo bồi dưỡng, trong đó có giải pháp đưa công chức xã lên các phòng chuyên môn của huyện để bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp làm việc; cử công chức cấp huyện về xã ít nhất 15 ngày để hướng dẫn công chức cấp xã làm việc theo hình thức “cầm tay chỉ việc”; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân…

Sau nhiều nỗ lực, năm 2018 huyện Điện Biên Đông vẫn còn 4 xã: Phình Giàng, Pú Hồng, Keo Lôm và Chiềng Sơ bị xếp loại trung bình. Trong đó, có 3 xã bị phê bình và yêu cầu chấn chỉnh do 3 năm liên tiếp (2016 – 2018) xếp loại trung bình. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu huyện Điện Biên Đông có biện pháp khắc phục ngay trong quý II/2019. Đồng thời, có biện pháp quyết liệt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các xã này; trong đó có xem xét trách nhiệm của chủ tịch và phó chủ tịch UBND xã; điều chuyển, bố trí công việc khác đối với những người năng lực kém. Những đơn vị 2 năm liên tiếp bị trung bình thì xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND xã… Tại thông báo 07/TB-BCĐ ngày 5/3/2018 của Ban Chỉ đạo xây dựng củng cố chính quyền cơ sở về kết quả đánh giá, xếp loại chính quyền cơ sở năm 2017 có nêu rõ: “Yêu cầu UBND các huyện (thị xã/thành phố) xem xét việc tăng cường cán bộ cấp huyện về giữ chức vụ chủ chốt ở các xã yếu kém”, nhưng đến nay Điện Biên Đông chưa thực hiện được.

“Hành” chưa xứng với “học”

Chính quyền yếu sẽ ảnh hưởng đến việc chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của địa phương.

Theo danh sách phòng Nội vụ huyện Điện Biên Đông cung cấp về đánh giá năng lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đội ngũ cán bộ chủ chốt trên địa bàn các xã từ đầu năm 2015 đến nay, cho thấy: Số lượng cán bộ chủ chốt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngày càng giảm; số người hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực lại có xu hướng tăng lên. Cụ thể, năm 2015 toàn huyện có 72/298 cán bộ, công chức xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 210 người hoàn thành tốt nhiệm vụ và 16 người hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực. Năm 2016, có 43/290 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 230 người hoàn thành tốt nhiệm vụ và 17 người hạn chế về năng lực. Năm 2017, có 32/289 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 243 người người hoàn thành tốt nhiệm vụ và 14 người năng lực còn hạn chế. Năm 2018, tổng số cán bộ, công chức cấp xã có 274 người; trong đó chỉ có 2 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; còn lại là hoàn thành tốt nhiệm vụ và năng lực còn hạn chế. 6 tháng đầu năm 2019, toàn huyện có 2/300 cán bộ, công chức xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 287 người hoàn thành tốt nhiệm vụ và 11 người hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực.

Điều đáng nói là, những năm gần đây số lượng cán bộ, công chức xã được cử đi học, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, lý luận chính trị ngày càng nhiều, nhưng mức độ hoàn thành công việc lại không có chuyển biến hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đơn cử, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ xã Phình Giàng đề ra 15 chỉ tiêu phát triển trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, chỉ còn hơn 1 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ, nhưng còn nhiều chỉ tiêu đạt thấp, như: Bình quân lương thực 351kg/người/năm (mục tiêu đến năm 2020 đạt 500kg/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo còn 72% (mục tiêu đến năm 2020 giảm còn 34,76%)... Đặc biệt, mục tiêu tại đại hội đề ra xây dựng hệ thống chính trị cơ sở đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh, thế nhưng rất khó thực hiện. Ông Vàng Giống Lầu, Bí thư Ðảng ủy xã Phình Giàng cho biết: Thực tế năng lực đội ngũ cán bộ, lãnh đạo xã vẫn còn hạn chế. Thậm chí, có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, công việc, dẫn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chung toàn xã chưa cao.

Một trong những hạn chế về năng lực của bộ máy chính quyền xã thời gian qua là việc thực hiện quyền làm chủ đầu tư các dự án thuộc Chương trình 135/CP, Nghị quyết 30a và xây dựng nông thôn mới. Nhiều xã vẫn phó thác toàn bộ dự án cho đơn vị tư vấn quản lý dự án, giám sát và nhà thầu, dẫn đến một số dự án, công trình chậm tiến độ, kém chất lượng... Được biết, năm 2016, triển khai Chương trình 135, huyện Điện Biên Đông giao quyền chủ đầu tư cho 2 xã Keo Lôm và Mường Luân thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường giao thông nông thôn, thủy lợi (bản Huổi Hoa, xã Keo Lôm) và công trình cầu bê tông (bản Na Sản, xã Mường Luân) với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo 2 xã gặp nhiều khó khăn, lúng túng, thậm chí còn không biết bắt đầu thực hiện từ đâu, như thế nào. Tuy UBND xã là chủ đầu tư dự án, nhưng đều do các phòng chuyên môn của huyện đứng ra chỉ đạo, thậm chí trực tiếp thực hiện.

Năm 2018, UBND xã Mường Luân được giao làm chủ đầu tư 6 dự án, từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, với tổng mức đầu tư hơn 14,3 tỷ đồng; gồm: Đường giao thông nội bản Pá Pao 1; sân vận động Mường Luân; khu thu gom rác thải Mường Luân… Đến nay các dự án đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện và giám sát, chính quyền xã và ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã không có chuyên môn về xây dựng nên đã để xảy ra nhiều sai phạm, ảnh hưởng dự án, công trình, như: Lập hồ sơ xây dựng công trình, đề cương nhiệm vụ khảo sát không tuân thủ theo chủ trương đầu tư do UBND tỉnh phê duyệt; một số khối lượng nghiệm thu không đúng thực tế; phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình chưa phù hợp về trình tự thời gian thực hiện… dẫn đến dự án đường giao thông nội bản Pá Pao 1 chậm 3 tháng so với kế hoạch; chiều dày bê tông một số vị trí chưa đúng thiết kế. Để xảy ra những tồn tại, hạn chế này, lãnh đạo UBND xã Mường Luân thừa nhận do đội ngũ cán bộ xã còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực quản lý đầu tư xây dựng.

Tương tự, việc phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng trên địa bàn huyện cũng có một phần nguyên nhân do hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của chính quyền cấp xã. Trong 2 năm gần đây, người dân ồ ạt chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng sắn không theo quy hoạch. Theo thống kê, năm 2017 chỉ có một số xã trồng sắn với tổng diện tích khoảng 300ha thì đến nay hầu hết các xã trong huyện đều trồng sắn, nâng tổng diện tích sắn lên gần 1.500ha. Trung bình một xã, diện tích sắn tăng gần 30% so với kế hoạch; thậm chí có xã người dân tự chuyển đổi gần 100% diện tích trồng ngô sang trồng sắn, như: Na Son, Pú Nhi, Keo Lôm...

Mặc dù đã được huyện đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ cơ sở nhưng trình độ năng lực, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở còn yếu là do một số nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về lý thuyết, chưa sát với thực tiễn địa phương, thiếu cụ thể; còn dập khuôn, máy móc mà thiếu sự linh hoạt, sáng tạo. Nội dung và phương pháp đào tạo cho cán bộ dân tộc còn nhiều điểm chưa phù hợp, vừa thừa, vừa thiếu và áp dụng một cách đại trà cho tất cả các vùng; việc đào tạo, bồi dưỡng đôi khi chỉ chú trọng tới số lượng chưa chú trọng chất lượng. Đồng thời, một bộ phận cán bộ, công chức đi học chỉ để đảm bảo đủ tiêu chí hoặc để “trả nợ” bằng cấp theo quy định, chứ chưa quan tâm đến việc học nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt hơn. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ cán bộ dân tộc ở cơ sở chưa đủ mạnh để khuyến khích họ vượt qua những khó khăn, rào cản để tích cực học tập, nâng cao trình độ để có thể đảm đương những vị trí quản lý. Cán bộ cơ sở vùng cao thường gặp nhiều khó khăn về điều kiện ăn, ở, đi lại, trong khi chế độ hỗ trợ thấp. Từ đó đặt ra huyện cần có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục bằng được những bất cập trên.

Bài, ảnh: Quốc Huy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/172234/xay-dung-chinh-quyen-co-so-o-dien-bien-dong-con-nhieu-kho-khan-bai-2