Xây dựng chính quyền gần dân và câu chuyện không nhận hoa đại hội ở Tu Mơ Rông
Xây dựng chính quyền gần dân, vì dân không phải làm điều 'đao to búa lớn' mà từ những hành động nhỏ nhưng thực chất, ví như đổi hoa thành cây giống ở xã Tu Mơ Rông.
Từ câu chuyện đổi tặng hoa thành cây giống của xã Tu Mơ Rông
Trong 2 ngày 23 và 24/7, tại xã Tu Mơ Rông (tỉnh Quảng Ngãi) diễn ra Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Trước Đại hội 4 ngày, ngày 20/7, Đảng ủy xã phát đi thông báo về việc không nhận hoa chúc mừng Đại hội.
Thông báo khẳng định: Đại hội Đảng bộ xã Tu Mơ Rông là sự kiện chính trị trọng đại, đánh dấu bước khởi đầu mới với nhiều mục tiêu và khát vọng lớn lao cho sự phát triển toàn diện và bền vững của xã Tu Mơ Rông.

Ông Trần Quốc Huy, Chủ tịch UBND xã Tu Mơ Rông nhận cây cà phê catimo từ các đơn vị, doanh nghiệp và trao tặng cho người dân. Ảnh: Bình An
“Để phát huy tối đa mọi nguồn lực vì lợi ích chung của cộng đồng, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra, Tiểu ban Tổ chức, phục vụ Đại hội xã thông báo: Đại hội sẽ không nhận hoa chúc mừng từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân, trong và ngoài xã.
Thay vì tặng hoa chúc mừng Đại hội, các cơ quan, đơn vị có thể hỗ trợ Chương trình “Ươm mầm tương lai – Phát triển cây trồng bền vững cho Tu Mơ Rông”” (trích thông báo của Đảng ủy xã Tu Mơ Rông).
Thông báo được phát đi và thu về sự đồng tình, tán dương và ủng hộ của rất nhiều người dân, đơn vị, và cả các cơ quan báo đài.
Bí thư Đảng ủy xã Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho biết, xã Tu Mơ Rông được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Đắk Hà và Tu Mơ Rông (thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cũ) với khoảng 1.300 hộ dân, và 95% trong số đó là người dân tộc Xơ Đăng. Tỷ lệ hộ nghèo tại xã còn cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ I (thông qua sáng 24/7) xác định mục tiêu trọng tâm của nhiệm kỳ 2025 – 2030 là tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình tăng hơn 10%/năm; thu nhập người dân tăng 8 – 9%/năm, đến năm 2030 không còn hộ nghèo. Đáng chú ý, Nghị quyết đặt mục tiêu dến năm 2030, 100% hộ dân tộc thiểu số có đất ở và đất sản xuất.
Xã đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện mục tiêu này. Nhưng nổi bật là nâng cao chất lượng cán bộ công chức, gắn với chuyển đổi số toàn diện; và thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm của cả người dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên. “Đặc biệt, cán bộ phải luôn gần dân, sát dân, hiểu dân, chia sẻ cùng dân, đồng thời hướng dẫn và cùng người dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển” (Trích Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Tu Mơ Rông lần thứ Nhất).
"Phải thay đổi nếp nghĩ cách làm của nhân dân và của cán bộ thì kinh tế địa phương mới thay đổi và phát triển được. Mặc dù hiện đã có nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, nhưng nếu người dân, cán bộ không thay đổi nhận thức thì sẽ nghèo mãi thôi", Bí thư Đảng ủy xã Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh chia sẻ với báo Công Thương và nói thêm: “Hoa tặng cho Đại hội thì cũng đẹp, cũng ý nghĩa. Nhưng chỉ đẹp trong Đại hội. Đại hội không nhận hoa nhưng nhận cây trồng nông nghiệp, cây cà phê, hoặc kinh phí để phát triển sinh kế cho người dân. Mục tiêu trong 2 năm đầu nhiệm kỳ, xã Tu Mơ Rông sẽ phấn đấu phát triển 200 hecta cà phê để đạt mục tiêu giảm nghèo.”.

Xây dựng chính quyền gần dân xuất phát từ những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa, sát với thực tế người dân cần. Ảnh: Quảng Phú
Xây dựng chính quyền gần dân từ những hành động nhỏ ý nghĩa
Trong bài viết “Sao cho được lòng dân?” đăng trên báo Cứu Quốc (12/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: "Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh".
Trong thông báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nội dung đợt chỉnh huấn cho toàn Đảng, toàn dân do Trung ương phát động, khi Người về thăm, nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Bắc Giang (cũ) ngày 6/4/1961có nội dung huấn thị: "Về lãnh đạo, cán bộ phải thật sự đoàn kết, nhất trí, phải đi sâu đi sát, phải lãnh đạo thiết thực và toàn diện”. Theo Bác, sau khi Nghị quyết đã được ban hành thì phải tổ chức tốt việc thực hiện Nghị quyết, để Nghị quyết đi vào cuộc sống. Muốn vậy, người cán bộ phải sâu sát, phải sát dân, đi tận nơi, xem tận chỗ.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nguyên vẹn giá trị đến ngày nay. Đặc biệt, trong những ngày này, cả nước đang hân hoan chào mừng Đại hội Đảng các cấp.
Trong bài viết: “Tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030” Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là đợt sinh hoạt chính trị to lớn, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân mà còn là tiền đề để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Cao hơn, chuỗi sự kiện này là một trong những yếu tố then chốt tạo nền tảng chính trị vững chắc đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, phồn vinh, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu và ước vọng của toàn dân tộc.”.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc xây dựng Văn kiện đại hội bảo đảm chất lượng “nhất là đề xuất những giải pháp bắt nguồn từ nhịp sống cơ sở, từ hơi thở của đời sống xã hội của từng địa phương, thậm chí từng làng xã, cộng đồng và cá nhân tạo động lực, khí thế, sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước là mục tiêu mà các cấp ủy cần đạt được” (Trích bài viết của TBT Tô Lâm).
Rõ ràng, để có được những giải pháp bắt nhịp sống cơ sở, người cán bộ phải gần dân, sát dân, hiểu dân.
Từ câu chuyện không nhận hoa chúc mừng Đại hội mà thay bằng cây giống hỗ trợ người dân của xã Tu Mơ Rông sẽ thấy xây dựng chính quyền gần dân, vì dân không phải là làm những điều “đao to búa lớn” mà từ những hành động nhỏ nhưng thực chất, có ý nghĩa với người dân.
Và từ chính những hành động tưởng như nhỏ đó, gộp lại sẽ mang lại giá trị lớn, không chỉ là đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra, mà lớn hơn cả chính là được lòng dân.
Từ câu chuyện không nhận hoa chúc mừng Đại hội mà thay bằng cây giống hỗ trợ người dân của xã Tu Mơ Rông sẽ thấy xây dựng chính quyền gần dân, vì dân không phải là làm những điều “đao to búa lớn” mà từ những hành động nhỏ nhưng thực chất, có ý nghĩa với người dân.