Xây dựng chính sách đảm bảo bình đẳng cho nạn nhân bị mua bán
Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, từ năm 2016 đến tháng 6/2019, toàn quốc phát hiện gần 1.100 vụ, với hơn 1.400 đối tượng, lừa bán gần 2.700 nạn nhân. Tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, để lừa bán ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ bất hợp pháp…
Khó xét xử
Đáng chú ý, theo Cục Cảnh sát hình sự tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường thông qua các trang mạng xã hội tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao, lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi…
Bên cạnh đó, thông qua mạng xã hội, các đối tượng giả danh là cán bộ công an, bộ đội biên phòng gọi điện tán tỉnh, làm quen nạn nhân (chủ yếu là phụ nữ người dân tộc Mông, trong đó độ tuổi từ 16-23), giả vờ yêu đương, hứa hẹn tổ chức đám cưới; hẹn hò, rủ đi chơi hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó, bán họ ra nước ngoài. Ngoài ra, tình trạng mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng đã phát hiện một số đường dây môi giới, đưa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc đẻ thuê với giá từ 120.000-140.000 NDT/trường hợp (khoảng 400-500 triệu VNĐ)…
Mặc dù mua bán người diễn ra ngày càng phức tạp, tuy nhiên tại Hội thảo “Công tác thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” do Bộ LĐTBXH tổ chức mới đây, đại diện TAND Tối cao thẳng thắn cho biết, công tác xét xử các vụ án mua bán người gặp không ít khó khăn khi không ít các vụ mua bán có sự tham gia của người nước ngoài, người không quốc tịch. Trong khi đó việc chứng minh mục đích phạm tội của bị can, bị cáo rất khó khăn; đa số người bị hại trong các vụ mua bán người khi được Tòa án triệu tập thường tìm cách không đến tham dự phiên tòa do tâm lý e ngại, sợ ảnh hưởng đến danh dự.
Đại diện Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng cũng cho biết, công tác phát hiện, theo dõi, điều tra xác minh, bắt giữ đối tượng, mở rộng vụ án gặp không ít khó khăn do địa bàn trung chuyển là vùng biên giới; các đối tượng lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội; nhiều trường hợp nạn nhân bị lừa bán được giải cứu hoặc tự trở về không hợp tác, không tố giác tội phạm…
Cần nhiều mô hình hỗ trợ nạn nhân
Để trợ giúp nạn nhân của nạn mua bán người tái hòa nhập, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều nội dung thiết thực hỗ trợ nạn nhân được thực hiện như: Gắn với công tác tiếp nhận, hỗ trợ tại Trung tâm Nhà tạm lánh, tạm trú; lồng ghép với các chương trình hoạt động của địa phương (dạy nghề, cho vay vốn xóa đói giảm nghèo; truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng sống...
Ở một số địa phương, các tổ chức quốc tế đã có gói hỗ trợ trị giá từ khoảng từ 300 đến 500 USD cho các trường hợp nạn nhân trở về có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt để nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, ngày 12/8/2016, Bộ LĐTBXH đã ban hành Quyết định 1057/QĐ-LĐTBXH.
Qua đó, đã tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội cơ bản, hòa nhập cộng đồng; đồng thời khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia vào công tác hỗ trợ nạn nhân, thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Tuy nhiên theo đánh giá của Bộ LĐTBXH, các chương trình, dự án được triển khai tại nhiều địa phương không mang tính bền vững khi mà thời gian triển khai dự án ngắn, đối tượng hưởng lợi bị hạn chế. Khi dự án kết thúc thì các đối tượng không thể tự lập cho cuộc sống của mình. Hoặc có những chương trình như đào tạo nghề lại chưa xem xét tới yếu tố phù hợp của nghề đào tạo với điều kiện thực tế của địa phương, nên học viên sau khi được đào tạo cũng không thể vận dụng để sinh sống.
Hơn nữa, nạn nhân bị buôn bán chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thái độ, kiến thức và hành vi của cộng đồng đối với họ. Chính vì thế, hiệu quả trợ giúp vẫn chưa thực sự đem lại kết quả như mong đợi.
Theo ông Nguyễn Xuân Lập- Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTBXH, trong thời gian tới, trong công tác phòng chống mua bán người nói chung, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng, các cơ quan liên quan cần rà soát, đánh giá thực trạng chính sách, pháp luật, đề xuất chính sách hỗ trợ nạn nhân đảm bảo sự bình đẳng giới trong tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề và vay vốn hòa nhập cộng đồng; thí điểm, nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng …
Còn theo ông Brett Dickson- Trưởng Bộ phận chương trình IOM Việt Nam, Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 sẽ khép lại vào năm 2020, do đó giai đoạn 2019-2020 sẽ là khoảng thời gian quan trọng để Chính phủ Việt Nam tăng tốc nhằm đạt được các cam kết đưa ra trong Chương trình. Theo đó để ngăn chặn nạn mua bán người, đưa ra các chiến dịch nâng cao nhận thức ở các cộng đồng dễ bị buôn bán và tổ chức tập huấn về phòng chống mua bán người.