XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ HỢP LÝ HƠN ĐỐI VỚI CÁN BỘ DÔI DƯ SAU SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

Cần có chính sách hỗ trợ hợp lý hơn đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư là quan điểm của nhiều đại biểu tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Dôi dư cán bộ xã, huyện sau sắp xếp đơn vị hành chính

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, mặc dù Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 quy định chậm nhất là 05 năm kể từ ngày Nghị quyết về việc sắp xếp đối với từng ĐVHC có hiệu lực thi hành thì số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở ĐVHC hình thành sau sắp xếp phải bảo đảm đúng theo quy định nhưng Chính phủ và các địa phương đều quyết tâm hoàn thành việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách trong năm 2021 để bảo đảm đồng bộ với việc tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở các ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp.

Vì vậy, đến hết năm 2021, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư còn phải tiếp tục sắp xếp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với số lượng dôi dư khi thực hiện sắp xếp ĐVHC. Việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với người lao động đã được thực hiện theo đúng quy định. Nhiều địa phương đã ban hành quy định riêng để hỗ trợ thêm cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp ĐVHC.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát

Một số địa phương cho rằng, do số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp khá lớn, nhất là các địa phương có nhiều ĐVHC được sắp xếp nên không thể hoàn thành việc bố trí, sắp xếp vị trí mới hay cho nghỉ việc trong thời gian ngắn. Việc thực hiện chế độ, chính sách ở một số địa phương còn lúng túng do các văn bản quy định chưa thật đầy đủ; chưa có cơ chế tài chính để khuyến khích các trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi hoặc có nhu cầu thôi việc để chờ nghỉ hưu. "Chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách khi thôi việc chưa đủ để hỗ trợ cho các đối tượng này ổn định cuộc sống hay bắt đầu công việc khác", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Cần chính sách hỗ trợ tốt hơn đối với cán bộ dôi dư

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, một trong những vấn đề Đoàn giám sát cần phải quan tâm, đó là việc sắp xếp số lượng cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện, không chuyên trách dôi dư. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, trong thời gian vừa qua, các địa phương, đơn vị cũng đã rất tập trung để xử lý vấn đề này, dùng rất nhiều biện pháp, kể cả đã nghỉ hưu, rồi nghỉ hưu trước tuổi, luân chuyển, điều động, bố trí công việc khác, …..nhưng thống kê cho thấy vẫn còn số lượng dôi dư khá lớn. “Trước nếu khó thì có chuyển từ xã này sang xã kia được, nhưng Nghị định 34/2019 của Chính phủ thì các xã không còn dư địa nữa, điều này lại thêm khó cho các các địa phương….”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu vấn đề.

Nhấn mạnh đây là vấn đề được cử tri quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị phải nghiên cứu, đề xuất để có chính sách đặc thù đối với cán bộ công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã dôi dư, chế độ quy định phải hợp lý để động viên đối tượng này có thể nghỉ hưu trước tuổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Đồng tình với quan điểm nêu trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, giải quyết chính sách cho cán bộ là rất quan trọng, tạo ổn định lâu dài. “Ngay từ ban đầu khi làm đề án chúng tôi đã đề xuất với Bộ Nội vụ là rất quan tâm đến nội dung này. Nhưng bây giờ giữa các tỉnh chưa thống nhất, có tỉnh có, có tỉnh không, …. vẫn chưa tạo ra sự đồng bộ chung. Do đó, rất cần phải có một chính sách chung để thực hiện, nội dung này cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và giải quyết triệt để”, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, vừa qua, chúng ta thực hiện đồng thời việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14; Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã của Bộ Chính trị; Triển khai cả Nghị quyết 18/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết 19/NQ-TW của Trung ương khóa XII về sắp xếp lại các đơn vị trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, còn triển khai Nghị định 34/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Triển khai chủ trương công an chính quy về cấp xã;... Do đó, việc triển khai đồng loạt các chính sách này đã tạo sức ép giải quyết dôi dư, tinh giản biên chế là rất lớn.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi quyết định việc sắp xếp thì cho thời hạn 5 năm. Nhưng để phục vụ Đại hội, bầu cử, nhiều địa phương và Bộ Nội vụ đã báo cáo Chính phủ, cố gắng đẩy nhanh tiến độ thực hiện. “Thời gian chúng ta còn hơn 2 năm nữa, Bộ Nội vụ cũng đã có kế hoạch, chương trình để báo cáo Chính phủ sửa Nghị định 46 về thôi việc, Nghị định 108 chính sách tinh giản biên chế, Nghị định 143, Nghị định 113, …. Việc sửa đổi trên tinh thần đảm bảo thuận nhất, đảm bảo quyền lợi của cán bộ dôi dư”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Thừa nhận việc sửa đổi Nghị định 113 mặc dù đã sửa rất cơ bản Nghị định 108 nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hiện nay, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ sẽ tiếp thu và ghi nhận các ý kiến để báo cáo Chính phủ sớm giải quyết chính sách dôi dư một cách thỏa đáng.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý hơn đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp ĐVHC; đồng thời có hình thức hỗ trợ, phân bổ nguồn lực cho các địa phương để thực hiện công tác này.

Cũng tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Đoàn giám sát trong triển khai các công việc của chuyên đề giám sát. Đồng tình với nhiều nội dung cũng như nhận định tại báo cáo, các ý kiến cho rằng, báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, phản ánh được những kết quả đạt được, đánh giá khách quan về hiệu quả công tác sắp xếp, nêu rõ những vấn đề còn khó khăn/tồn tại và kiến nghị trong thời gian tới;… Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị Báo cáo cần phải đánh giá đầy đủ, thực chất trên tất cả các mặt của nội dung giám sát cả về kết quả, hạn chế, giải pháp khắc phục, nguyên nhân, xác định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan; Báo cáo cũng cần làm rõ những kiến nghị trong thời gian tới từ thực tiễn công tác giám sát kể cả việc phải sửa đổi, bổ sung ban hành mới các văn bản của Thường vụ Quốc hội; các nghị định của Chính phủ và các văn bản khác có liên quan;.../..

Lan Anh - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=63153