Xây dựng chính sách thu hút trí thức khoa học - công nghệ
Trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ có đóng góp quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế, chính sách về đội ngũ này thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, cần xây dựng một chính sách mới có hiệu quả để thu hút, phát huy tốt nhất vai trò đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Nhiều trí thức khoa học công nghệ rời khu vực công
Mặc dù được đề cập trong nhiều năm qua, nhưng tình trạng khan hiếm nhân lực của ngành hạt nhân vẫn ngày càng gia tăng, khi những lớp cán bộ lớn tuổi lần lượt nghỉ hưu mà không kịp bổ sung các cán bộ trẻ có đam mê và năng lực. Đó là bài toán lớn mà Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đang phải đối mặt.
Câu chuyện về thiếu nguồn nhân lực của ngành năng lượng hạt nhân không là chuyện diễn ra trong một ngày. Nhất là từ khi chương trình phát triển điện hạt nhân với việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận dừng thực hiện vào năm 2016, kinh phí nhà nước dành cho đào tạo nguồn nhân lực theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu, triển khai và hỗ trợ kỹ thuật đến năm 2020 phục vụ phát triển điện hạt nhân theo Quyết định 1756/QĐ-TTg ngày 15-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ đã không còn.
Tại buổi gặp mặt chia tay Giáo sư Đào Tiến Khoa, một trong những gương mặt đầu đàn của ngành hạt nhân khi ông nghỉ hưu cuối năm 2022, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định chia sẻ: “Hiện nay, các bạn trẻ không muốn làm việc trong lĩnh vực khoa học, bởi làm khoa học thật sự rất khó và vất vả nhưng thu nhập không bằng nhiều ngành nghề khác”. Đó là lý do các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là năng lượng hạt nhân đang đứng trước thách thức về nhân lực bổ sung.
Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, hiện chỉ đạt khoảng 15,6 cán bộ nghiên cứu/vạn dân, thấp so với các nước trong khu vực; đặc biệt, số cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ còn rất thấp (chỉ là gần 30.000 người).
Còn thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ sinh viên nhập học khối ngành khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản chỉ đạt hơn 50% chỉ tiêu. Cá biệt, có một số nhóm ngành khoa học không tuyển sinh được như ngành hải dương học, địa chất. Số lượng nghiên cứu sinh các nhóm ngành khoa học - công nghệ và toán liên tục giảm trong 3 năm gần đây.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân có những chính sách, chế độ thu hút và đãi ngộ nhà khoa học tốt hơn nhiều so với khu vực nhà nước. Điều này là thực tế khó khăn cho việc tuyển dụng nhà khoa học giỏi, chất lượng cao vào cơ quan nhà nước. Do đó, ở khu vực công, nếu không có kế hoạch, chế độ thu nhập phù hợp để giữ chân nhà khoa học, sẽ dẫn đến nguy cơ mất cân đối chung cho việc phát triển các công nghệ ưu tiên, làm nền tảng cho khoa học công nghệ quốc gia.
Cần xây dựng chính sách có hiệu quả
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Văn Nghĩa cho rằng, với chính sách hiện hành, thu nhập trung bình của các nhà khoa học là rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội, dẫn đến thực tế là nhân lực nghiên cứu phát triển ở các viện nghiên cứu đang bị giảm sút. Có nhiều vướng mắc trong cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ, như: Quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa đưa ra được hành lang pháp lý bảo vệ nhà khoa học trước đặc tính rủi ro của hoạt động nghiên cứu; chưa cho phép các nhà khoa học linh hoạt trong sử dụng kinh phí...
Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, một khảo sát cho thấy, yếu tố đầu tiên để trí thức gắn bó với cơ quan nhà nước là môi trường làm việc, cơ chế quản lý, sự dân chủ trong cơ quan, cơ sở vật chất. Tiếp đến là khả năng phát triển bản thân theo chuyên môn của họ. Sau cùng mới là chế độ, chính sách xứng đáng, tương lai phát triển gia đình họ. So sánh những điều kiện này với thực tế triển khai vẫn có khoảng cách lớn, nên cần có chính sách sát với thực tế.
Đề xuất cơ chế thu hút nhân tài, Giáo sư Võ Văn Tới, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cơ quan nhà nước cần tạo ra một mô hình “ốc đảo” thử nghiệm các chính sách mới. Khi thực hiện hiệu quả, có thể đánh giá và nhân rộng. Ông cho rằng, để làm được mô hình này, cần người lãnh đạo có tâm, có tầm, mạnh dạn áp dụng chính sách chưa ai làm, trên cơ sở nghiên cứu kỹ hệ thống luật pháp hiện tại để thực hiện.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đang hoàn thiện hai đề án về thu hút trí thức và quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học công nghệ, cùng với cơ chế thử nghiệm chính sách theo mô hình sandbox, tiếp thu ý kiến các cơ quan, chuyên gia nhà khoa học để trình Chính phủ trong thời gian tới.