Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

Những quan điểm luận chứng, tiêu chuẩn cần và đủ trong xây dựng nội dung chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới đã được các nhà khoa học, các nhà lý luận và quản lý trao đổi tại Hội thảo khoa học quốc gia về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 19/5, tại Hà Nội. Hội thảo đã xác định và làm rõ nội hàm các giá trị đạo đức của cán bộ, đảng viên cũng như giải pháp xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

Đông đảo nhà khoa học, nhà lý luận, cán bộ quản lý Nhà nước đã góp ý bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên phù hợp với điều kiện mới. Ảnh: Bích Nguyên

Đông đảo nhà khoa học, nhà lý luận, cán bộ quản lý Nhà nước đã góp ý bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên phù hợp với điều kiện mới. Ảnh: Bích Nguyên

Xác định giá trị đạo đức của cán bộ, đảng viên

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là vấn đề rất hệ trọng, một trong 10 nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là một trong những nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa tinh hoa đạo đức dân tộc và nhân loại, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm xây dựng đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức cách mạng là gốc của cán bộ, đảng viên. Người khẳng định, đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển của con người, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Người cũng chỉ rõ: Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Theo Người, “đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố”.

Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước đổi mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định các chuẩn mực đạo đức cách mạng trong những giai đoạn trước đó, đồng thời hoàn thiện, bổ sung nội dung mới, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định: "Dù ở giai đoạn cách mạng nào, Đảng ta cũng luôn đặc biệt quan tâm, coi trọng việc xây dựng Đảng về đạo đức. Các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên được Đảng ta nhấn mạnh là: Thật sự tiên phong, gương mẫu; kiên định, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì mục tiêu cách mạng; gắn bó mật thiết với nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định... của Đảng và các chính sách, pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất, đạo đức cách mạng, có nhân cách và lối sống mẫu mực, lành mạnh, trong sáng, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, bản lĩnh, kiên định, đoàn kết, kỷ cương, trung thực, trách nhiệm; thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, nêu cao danh dự, lòng tự trọng; có năng lực hoàn thành nhiệm vụ, năng động, sáng tạo, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và mọi biểu hiện, hành vi tiêu cực; học tập, rèn luyện không ngừng".

Cần sớm xây dựng Luật Đạo đức công vụ

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Khương, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, việc xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay không chỉ là một vấn đề lý luận rất cơ bản, mà còn là một vấn đề thực tiễn có ý nghĩa sâu sắc.

Cán bộ Đồn Biên phòng Chiềng On, BĐBP Sơn La thường xuyên xuống địa bàn thăm hỏi, động viên, nắm tâm tư, tình cảm của người dân. Ảnh: Bích Nguyên

Cán bộ Đồn Biên phòng Chiềng On, BĐBP Sơn La thường xuyên xuống địa bàn thăm hỏi, động viên, nắm tâm tư, tình cảm của người dân. Ảnh: Bích Nguyên

“Chính vì vậy, mỗi chủ thể cần nhận thức rõ và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào từng điều kiện cụ thể, phù hợp với từng địa phương, đơn vị và tình hình, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Do vậy, trong nhận thức và thực hành các chuẩn mực đạo đức cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nêu cao tinh thần tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Thực hiện tốt nội dung trên sẽ góp phần quan trọng vào xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức” - Tiến sĩ Đặng Văn Khương nhấn mạnh.

Đề xuất giải pháp đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay, Tiến sĩ Lê Thị Thùy, Trường Đại học Hùng Vương cho rằng: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động rèn luyện, tự giác thực hiện những giá trị đạo đức cốt lõi của người cán bộ cách mạng, mà trước hết là đạo đức từ trong gia đình, với những người thân yêu. Hằng ngày, phải tự tu dưỡng, tự nhắc nhở bản thân trước những cám dỗ của xã hội, giống như việc soi gương, rửa mặt mỗi ngày”.

Bên cạnh đó, cần thực hiện giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, nâng cao hơn nữa đạo đức cách mạng cho người đứng đầu. Có các biện pháp quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý những sai phạm đạo đức, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, của nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giáo dục việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị; bổ sung, phát triển nội dung thi đua về đạo đức, thực hành đạo đức đối với cán bộ, đảng viên trong các tiêu chí về thi đua, khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức...

Từ góc nhìn ở cơ sở, để thực hiện hiệu quả đạo đức công vụ, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải khuyến nghị sớm xây dựng Luật Đạo đức công vụ, quy định các vấn đề về giá trị cốt lõi của nền công vụ, các chuẩn mực của cán bộ, đảng viên trên các phương diện; đặc biệt là phải quy định chế tài cụ thể và nghiêm khắc đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị để có hành vi bao che hay để xảy ra tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức công vụ.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-chuan-muc-dao-duc-cach-mang-cua-can-bo-dang-vien-trong-giai-doan-moi-post461386.html