Xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên theo Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cùng với sự đúng đắn của đường lối, sự chặt chẽ và hiệu quả của hệ thống tổ chức, yếu tố quan trọng làm nên sức mạnh của Đảng là phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng 'là đạo đức, là văn minh' như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang là đòi hỏi cấp thiết hôm nay. Nhiệm vụ xây dựng chuẩn mực đạo đức và ứng xử của cán bộ, đảng viên là một trong những công việc thiết yếu.
Cùng với sự đúng đắn của đường lối, sự chặt chẽ và hiệu quả của hệ thống tổ chức, yếu tố quan trọng làm nên sức mạnh của Đảng là phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng “là đạo đức, là văn minh” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang là đòi hỏi cấp thiết hôm nay. Nhiệm vụ xây dựng chuẩn mực đạo đức và ứng xử của cán bộ, đảng viên là một trong những công việc thiết yếu.
Chuẩn mực đạo đức cách mạng là những tiêu chuẩn đạo đức và ứng xử có tính khuôn mẫu, mực thước, được toàn Đảng, được nhân dân công nhận, dùng làm căn cứ, cơ sở để đánh giá và điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên. Đó là căn cứ để xác định việc nên làm và việc không nên làm, giúp cán bộ, đảng viên - với tư cách chủ thể đạo đức - có căn cứ, cơ sở điều chỉnh hành vi đạo đức của mình. Khi xây dựng chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên hiện nay, chúng ta học tập được nhiều điều từ Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc gia về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Ảnh: NDO
“Trung với nước, Hiếu với dân”
Với Hồ Chí Minh, trong các quan hệ đạo đức thì mối quan hệ của mỗi người với đất nước mình, với nhân dân, dân tộc mình là mối quan hệ lớn nhất. Về phẩm chất đạo đức thì Trung với nước, Hiếu với dân là phẩm chất quan trọng nhất, bao trùm nhất. Trung, Hiếu trong chuẩn mực đạo đức cách mạng gắn bó mật thiết với nhau và nhằm phục vụ mục tiêu độc lập và hưng thịnh của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
Trung thành với Tổ quốc là trung thành với lợi ích của dân tộc, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam. Trung thành với Tổ quốc cũng là trung thành với Đảng vì lợi ích của Đảng đồng nhất với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. “Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau”1.
Trước kia, những biểu hiện của chữ hiếu chủ yếu trong phạm vi gia đình, dòng tộc. Hiếu là Lòng kính yêu và biết ơn cha mẹ2. Chữ Hiếu của Hồ Chí Minh mang nghĩa “Hiếu với dân”. Người thể hiện đạo Hiếu của mình không chỉ với những người thân trong gia quyến, mà còn Hiếu với toàn thể nhân dân, Hiếu với đất nước Việt Nam. Đó là đại Hiếu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các cán bộ rằng: Ngoài bổn phận với gia đình, người cách mạng còn phải hoàn thành bổn phận với dân, với nước. Người cán bộ “hiếu với dân” trước hết phải là người thương yêu nhân dân. Cán bộ phải gần dân, gắn bó với dân, lắng nghe ý kiến của dân, kính trọng và học tập dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Người cán bộ cách mạng phải nắm vững “dân tình”, hiểu rõ “dân tâm”, “dân ý”, lại phải thường xuyên quan tâm đến việc cải thiện “dân sinh”, nâng cao “dân trí”, còn phải làm cho nhân dân hiểu được quyền và trách nhiệm của mình là người chủ đất nước. Có được cái đức ấy thì người cán bộ cách mạng sẽ được dân tin yêu và bảo vệ, được dân quí mến, kính trọng, sẽ lãnh đạo được nhân dân. Người cũng dặn rằng “Hiếu với dân” thì phải làm cho dân được no ấm, hạnh phúc. Cho đến những dòng cuối cùng để lại cho chúng ta trước lúc đi xa, Người vẫn căn dặn Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân...
“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh những đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người nhiều lần nhắc lại cụm từ này ở nhiều bài viết, bài nói của mình. Theo Người, Cần “là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”3; “Cần là luôn luôn cố gắng, luôn luôn chăm chỉ... Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình để làm việc cho lâu dài”4. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Cần phải gắn với kế hoạch, phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng khi làm việc thì Cần mới có hiệu quả. Người cũng yêu cầu “Cần và chuyên phải đi đôi với nhau. Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ. Nếu không chuyên, nếu một ngày cần mà mười ngày không cần, thì cũng vô ích”5.
Kiệm, “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Cần với Kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người. Cần mà không Kiệm... Cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không. Kiệm mà không Cần, thì không tăng thêm, không phát triển được... Cũng như cái thùng chỉ đựng một ít nước, không tiếp tục đổ thêm vào, lâu ngày chắc nước đó sẽ hao bớt dần, cho đến khi khô kiệt”6. Không chỉ Kiệm của cải, tiền bạc, nguyên vật liệu, mà còn phải tiết kiệm cả thời giờ, tiết kiệm sức dân, sức người. “Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải… Tiết kiệm thời giờ là Kiệm và cũng là Cần”7. Điểm đặc sắc trong quan niệm về Kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn” và “Tiết kiệm phải kiên quyết không xa xỉ”8.
Liêm, “là trong sạch, không tham lam”9. “Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm. Cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần. Có Kiệm mới Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất Liêm. Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút hoặc trộm của công làm của tư, người buôn gian, bán lậu, người nhân lúc khó khăn mà bắt chẹt dân,v.v. đều là bất liêm”10. Nếu “Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm là tham vật úy lao. Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh là tham sinh úy tử. Đều làm trái với chữ Liêm”11. Do vậy, cán bộ chẳng những phải thực hành Cần, Kiệm mà còn phải thực hành chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân.
Chính, “là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn tức là tà”12. Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của Chính. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn...
Chí công vô tư, là làm bất cứ việc gì cũng phải nghĩ về việc chung, lợi ích chung trước hết, không vun vén cho riêng mình. Mỗi cán bộ, đảng viên “Phải đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc”13. Nếu mỗi cán bộ đảng viên tự làm trong sạch mình, để “Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến tới chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt... ngày càng thêm”14. Người cũng yêu cầu những tính tốt mà cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện là Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm.
Với chuẩn mực ứng xử đạo đức của người cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: Đối với mình, không được tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình. “Mỗi cán bộ, đảng viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”15. Và “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”16. “Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”17. Đối với người, “Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ Bác - Ái”18. Đối với việc, “Phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà”19. “Bất kỳ việc to, việc nhỏ, phải có sáng kiến, phải có kế hoạch, phải cẩn thận, phải quyết làm cho thành công. Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì có lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi mà có hại cho nước thì quyết không làm”20. “Trong mọi việc chúng ta chỉ có một mục đích, là phụng sự đồng bào, phụng sự Tổ quốc. Chúng ta chỉ có một phương châm, là chí công vô tư”21.
Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức
Trong nhiệm vụ “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức”, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu, rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị”. Và cần “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày”.
Những tiêu chí đạo đức cách mạng là mục tiêu phấn đấu rèn luyện tu dưỡng mỗi cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên là những người cần gương mẫu thực hiện trước. Để xây dựng và thực hiện những chuẩn mực đạo đức, mỗi cán bộ, đảng viên căn cứ vào vị trí công tác của mình mà xác định cụ thể các tiêu chí đạo đức và ứng xử với mình, với người và với việc. Việc thực hiện những điều đó cần có sự kiểm tra, giám sát của cấp trên và đồng nghiệp. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng và giám sát việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy tinh thần tích cực, thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, thực hiện đúng Quy định số 37 về những điều đảng viên không được làm, đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức; cổ vũ, biểu dương các gương đạo đức để ảnh hưởng tốt lan tỏa trong Đảng và ngoài xã hội.
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr 290 - 291
2. Hoàng Phê (Chủ biên): Từ điển Tiếng Việt - Nxb Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, 2003, tr 429
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 6, tr 118
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 6, tr 120
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 6, tr 119 - 120
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 6, tr 122
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 6, tr 123
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 6, tr 123
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 6, tr 126
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 6, tr 126
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 6, tr 127
12. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 6, tr 129
13. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 5, tr 217
14. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 5, tr 291
15. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 5, tr 279
16. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 6, tr 130
17. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 8, tr 98
18. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 6, tr 130 - 131
19. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 6, tr 131
20. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 6, tr 131
21. Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 5, tr 613