Xây dựng chuẩn mực đạo đức trên mạng xã hội

Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội (MXH) mở ra một không gian, thế giới mới trên môi trường số với nhiều cơ hội và thử thách.

Song song với sự tử tế được lan truyền trên MXH thì còn nhiều điều ứng xử không phù hợp như những lời nói thiếu kiểm soát, thông tin bôi nhọ người khác... Nhằm hướng tới xây dựng chuẩn mực đạo đức, tạo thói quen tích cực về hành vi ứng xử trên MXH, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH. Hiệu quả của bộ quy tắc phụ thuộc phần nhiều vào sự tự giác và trách nhiệm của mỗi người khi tham gia MXH.

Trong những ngày cuối tháng 5, hình ảnh một bác sĩ trẻ cạo đi mái tóc của mình trước giờ rời TP Hồ Chí Minh chi viện cho tâm dịch Bắc Giang được chia sẻ trên MXH khiến nhiều người xúc động, thể hiện qua các bình luận: "Hành động của anh thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ, cảm ơn anh-thầy thuốc trẻ bằng tất cả tấm lòng", "Cảm ơn những người ở tuyến đầu"... Gần đây, câu chuyện về cuộc sống cơ cực của những công nhân môi trường bị nợ lương được chia sẻ trên MXH cũng thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Một số cá nhân đã đứng ra kêu gọi sự giúp đỡ của xã hội để cuộc sống của những công nhân này bớt khó khăn. Đó chỉ là một vài ví dụ trong hàng triệu điều tốt đẹp về sự "tương thân tương ái", về trách nhiệm trước cộng đồng, về sự tử tế được lan tỏa nhờ MXH.

 Người dùng truy cập mạng xã hội thông qua điện thoại thông minh (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: VŨ MY

Người dùng truy cập mạng xã hội thông qua điện thoại thông minh (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: VŨ MY

Tuy nhiên, MXH cũng đang là “mảnh đất” để không ít người có hành vi sai trái. Những buổi livestream (phát sóng trực tiếp) quy mô hàng nghìn người theo dõi, thậm chí lên đến hàng triệu lượt xem với đủ bình luận kích động cho thấy đây không còn là câu chuyện chỉ xảy ra trên thế giới ảo mà thực sự tác động đến trật tự, an toàn xã hội.

Trong bối cảnh đó, Bộ TT&TT ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH là vô cùng cần thiết. Bộ quy tắc áp dụng với 3 nhóm đối tượng, gồm: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công viên chức, người lao động cơ quan nhà nước sử dụng MXH; tổ chức, cá nhân khác sử dụng MXH; nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam. Các nhóm đối tượng phải tuân thủ 4 quy tắc ứng xử chung: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin; trách nhiệm. Mỗi nhóm đối tượng tham gia, sử dụng MXH còn có một số quy tắc riêng cần áp dụng.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, người sáng lập Học viện PR Elite nhận định: Bộ quy tắc là bước khởi đầu quan trọng để không gian mạng Việt Nam an toàn và trong sạch hơn. Bộ quy tắc sẽ tác động không chỉ trong khu vực công chức nhà nước mà còn là tiền đề cho các doanh nghiệp điều chỉnh bộ sổ tay văn hóa ứng xử của mình cũng như các cá nhân ngoài xã hội điều chỉnh cách thức mình đang tương tác trên MXH. Với bộ quy tắc này, chúng ta có chuẩn mực văn hóa khi tham gia không gian mạng. Do đó, chúng ta sẽ cùng nhìn chung một hướng và điều chỉnh hành vi, hình thành cách cư xử văn minh.

Trong Bộ quy tắc ứng xử trên MXH, Bộ TT&TT cũng khuyến cáo nên sử dụng họ tên thật của cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng MXH. Ngoài những khuyến nghị đưa ra với cá nhân, tổ chức, bộ quy tắc còn hướng dẫn cụ thể về ứng xử của các nhà cung cấp dịch vụ MXH; trong đó yêu cầu họ phải tôn trọng quyền được bảo vệ thông tin của người sử dụng, không thu thập thông tin cá nhân và cung cấp thông tin của người sử dụng dịch vụ cho bên thứ ba khi chưa được phép của chủ thể thông tin.

Trước Bộ quy tắc ứng xử trên MXH, nước ta có Luật An ninh mạng quy định khá đầy đủ các hành vi trên không gian mạng. Tuy nhiên, những hành vi lệch chuẩn vẫn tồn tại rất nhiều. Theo quan điểm của ông Nguyễn Đình Thành, muốn xây dựng không gian MXH lành mạnh, 80% thành công đến từ những nỗ lực trong giáo dục. Ông Thành bày tỏ: “Chúng ta cần một quá trình để người dùng thay đổi nhận thức. Khi họ biết những cuộc livestream chỉ để bóc mẽ người khác hay phát ngôn tục tĩu là vô bổ, đáng lên án, họ sẽ không quan tâm đến những điều đó. Cùng với thời gian, người dùng sẽ hiểu biết hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ bởi họ sớm được tiếp xúc với môi trường internet và được giáo dục tốt. Bộ quy tắc ứng xử trên MXH nếu được đưa vào trường học sẽ giúp thế hệ sau có cách hành xử văn minh hơn, phân định đúng-sai rõ ràng hơn. Ngoài ra, 20% còn lại đến từ việc xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm để làm gương cho công chúng”.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên bày tỏ: “Xử phạt là điều cần thiết nhưng đó sẽ chỉ là cuộc rượt đuổi nếu người dùng không có ý thức về hành động sai trái của mình. Người dùng vẫn chấp nhận nộp phạt hành chính dù mức phạt tăng lên bởi những cuộc livestream với nội dung không lành mạnh, hay những dòng status (trạng thái) câu view trên MXH đem lại cho họ nhiều lợi nhuận và sự nổi tiếng. Chỉ khi họ nhận thức đúng, họ sẽ hành động đúng”. Ông Vũ Hoàng Liên cũng nêu rõ, đối với những hành vi tiêu cực, dù chưa thể xử lý theo pháp luật, sự lên án của cộng đồng chính là sự trừng phạt nặng nề, có tính răn đe nhất.

Khi nhà nhà, người người đều sử dụng MXH, những tác động của MXH không còn là ảo nữa mà sẽ hiện hữu trong đời sống thực. Cùng nhau xây dựng một môi trường mạng lành mạnh vì lợi ích quốc gia là trách nhiệm của mỗi công dân.

VŨ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xay-dung-chuan-muc-dao-duc-tren-mang-xa-hoi-664563