Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều phù hợp giai đoạn mới
Trong giai đoạn 2021-2025, chuẩn hộ nghèo dự kiến là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hằng tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống với khu vực nông thôn và từ 2 triệu đồng trở xuống với khu vực thành thị. Đồng thời, hộ nghèo cũng sẽ có mức thiếu hụt ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên...
NDĐT- Trong giai đoạn 2021-2025, chuẩn hộ nghèo dự kiến là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hằng tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống với khu vực nông thôn và từ 2 triệu đồng trở xuống với khu vực thành thị. Đồng thời, hộ nghèo cũng sẽ có mức thiếu hụt ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên...
Chuẩn nghèo “cũ” không còn phù hợp trong giai đoạn mới
Tại Việt Nam, từ năm 2015 trở về trước, hộ nghèo được xác định là hộ gia đình có mức thu nhập (bình quân đầu người) thấp hơn hoặc bằng chuẩn nghèo. Tuy nhiên, từ giai đoạn 2016-2020, người nghèo, hộ nghèo đã được xác định dựa trên cả tiêu chí về thu nhập và mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, ngoài tiêu chí thu nhập, còn có nhóm tiêu chí về các dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm năm dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Việc áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg đã nhận diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo thu nhập và từng chiều, chỉ số thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đây là cơ sở để địa phương xác định đối tượng thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, triển khai các chương trình, cơ chế đặc thù nhằm thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cả nước.
Tuy nhiên, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 đã bộc lộ nhiều nội dung lạc hậu, bất cập sẽ không còn phù hợp với việc triển khai các chương trình, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội của giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, chuẩn nghèo về thu nhập bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015 (900 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực thành thị và 700 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn) đã lạc hậu, không thể áp dụng cho giai đoạn tới. Hộ nghèo được tách thành hai nhóm: hộ nghèo về thu nhập và hộ nghèo về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, chưa phù hợp với phương pháp luận, bản chất nghèo đa chiều cũng như phương pháp đo lường xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm chưa được quy định; một số chỉ số đo lường tiếp cận nghèo đa chiều chưa cụ thể, chưa định lượng nên khó xác định khi thực hiện hoặc không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn tới như chỉ số về tiếp cận các dịch vụ y tế, trình độ giáo dục của người lớn, nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông; Chưa xác định rõ giải pháp tác động đối với nhóm hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của các địa phương.
Theo Văn phòng quốc gia về giảm nghèo quốc gia (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), từ thực tế triển khai chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 cho thấy, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững trong bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021-2025, cần thiết phải xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới theo hướng kế thừa và phát triển chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn trước ở một cấp độ, mức độ cao hơn. Qua đó, hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm, bền vững người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, được đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chuẩn nghèo phải tiếp cận mức sống tối thiểu
Trên cơ sở đó, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đề xuất xây dựng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025. Theo đó, chuẩn nghèo đa chiều cần phải được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa và phát triển chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn trước hướng tới mục tiêu hỗ trợ đối tượng toàn diện, bao trùm. Chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn sau cao hơn chuẩn nghèo quốc gia của giai đoạn trước và từng bước tiếp cận dần đến chuẩn mức sống tối thiểu. Phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước để có thể tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho nhóm dân cư nghèo nhất, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng khó khăn, các địa bàn có tỷ lệ nghèo cao.
Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 bao gồm hai nhóm tiêu chí là: tiêu chí về thu nhập và nhóm tiêu chí về thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tiêu chí về thu nhập được xác định dựa trên cơ sở chuẩn mức sống tối thiểu. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dựa trên các thông số kỹ thuật, chuẩn mức sống tối thiểu được đề xuất là 1.586.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2.065.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Trên cơ sở chuẩn mức sống tối thiểu được Tổng cục Thống kê đề xuất, ước tính ngân sách thực hiện và mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, tiêu chí nghèo về thu nhập được đề xuất theo phương án: 1,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
Bên cạnh đó, nhóm tiêu chí về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cũng được kế thừa và bổ sung chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, các dịch vụ xã hội cơ bản được đề xuất gồm sáu dịch vụ: y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin; việc làm.
Như vậy, ngoài các chiều thiếu hụt của chuẩn nghèo giai đoạn trước, chuẩn nghèo giai đoạn mới bổ sung thêm chiều việc làm. Lý do là vì đây là chiều phản ánh thu nhập và điều kiện bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân. Chỉ số việc làm gắn với thu nhập cũng sẽ là cơ sở để phân loại đối tượng hộ nghèo giai đoạn tới để có các giải pháp tác động phù hợp, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo có điều kiện, có thời gian.
Cùng với đó, các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản được đề xuất tăng thêm hai chỉ số so với giai đoạn trước trước. Đó là 12 chỉ số gồm: dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục, đào tạo của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt an toàn; nhà tiêu hợp vệ sinh; tiếp cận thông tin; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ viễn thông; tiếp cận việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình.
Với tiêu chí về thu nhập và thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản nêu trên, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 dự kiến được xác định như sau.
Hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ cận nghèo ở khu vực thành thị laà̀ hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
+ Thông qua thực hiện đồng bộ hệ thống chính sách giảm nghèo, Việt Nam đã đạt được một bước tiến ấn tượng trong công tác giảm nghèo những năm vừa qua.
Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 9,88% đầu năm 2016 xuống còn 3,75% cuối năm 2019, dự kiến xuống dưới 3% cuối năm 2020, bình quân giảm 1,53%/năm.