Xây dựng cơ sở cách mạng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền (Phần cuối)

Được nhân dân nuôi dưỡng, chở che, Đảng bộ Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa toàn dân, đập tan ách cai trị của phát xít Nhật - thực dân Pháp. Sức mạnh vĩ đại của quần chúng nhân dân được giác ngộ cách mạng đã trở thành dòng thác cuốn phăng chế độ thực dân phong kiến thống trị trên đất nước ta gần một thế kỷ...

Xây dựng cơ sở cách mạng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền (Phần I)

Đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở cách mạng...

Ngày 19-8-1945, cả Thủ đô ngập tràn cờ đỏ sao vàng. Hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh Tư liệu TTXVN.

Tháng 2-1943, Nghị quyết của Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng đã chủ trương mở rộng Mặt trận Việt Minh và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Ở Hà Nội, các ban cán sự: Công vận, Thanh vận, Phụ vận được thành lập để phát triển sâu rộng cơ sở cách mạng và vận động rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh. Tổ chức cứu quốc đã phát triển hơn trước. Báo Cờ giải phóng của Đảng, Báo Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, Báo Hồn nước của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu… được phát hành bí mật ngày càng nhiều. Đặc biệt, các văn nghệ sĩ, trí thức đã từng hoạt động từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ được Đảng bắt liên lạc và thành lập Tổ Văn hóa cứu quốc đầu tiên ở Hà Nội vào mùa thu năm 1943, sau đó phát triển đến các thành phố Nam Định, Hải Phòng. Báo Độc Lập, cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ đã góp phần quan trọng trong việc giác ngộ nhiều văn nghệ sĩ đóng góp cho cách mạng giải phóng dân tộc.

Tại các làng, xã ngoại thành Hà Nội và Hà Đông, Sơn Tây, tùy hoàn cảnh, điều kiện, nhân dân tích cực hoạt động với nhiều hình thức phong phú. Nhờ có nhân dân giữ vững giao thông liên lạc, nuôi giấu cán bộ, bảo vệ các cơ quan của Đảng mà An toàn khu của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy ngày càng được mở rộng, tạo bàn đạp vững chắc ngay trong lòng địch. Tiêu biểu là quán cơm của cụ Tấc ở bên cây gạo chợ Bỏi (Đông Anh), nhà bà Công Thị Tý ở Phú Thượng (Tây Hồ), là cơ sở của Thường vụ Trung ương Đảng; nhà ông Ngô Văn Mạo ở Tráng Việt (Mê Linh) và ông Nguyễn Đình Thìn ở Cổ Loa (Đông Anh) là cơ sở in Báo Cờ giải phóng. Gia đình cụ Cử Đoàn ở xã Thượng Hiệp (Quốc Oai), là cơ sở tin cậy của Xứ ủy. Ông Hoàng Văn Duyệt là cơ sở của đồng chí Hoàng Quốc Việt ở Trường Yên (Chương Mỹ), bị địch bắt năm 1943 và hy sinh anh dũng để bảo vệ cán bộ, nêu tấm gương sáng về lòng trung thành với Đảng…

Đầu năm 1945, hầu hết các làng thuộc Đại lý Hoàn Long (ngoại thành Hà Nội từ năm 1942 đến 1954) đều có tổ chức của các hội cứu quốc và tổ tự vệ, bảo vệ nhân dân đấu tranh chống phát xít Nhật - Pháp. Đặc biệt, Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu thực sự là lực lượng xung kích của Đảng, đã tuyên truyền sâu rộng chính sách của Mặt trận Việt Minh trong nhân dân. Một số đồng chí còn đến các địa phương như Phú Xuyên, Thường Tín, thị xã Hà Đông… gây dựng cơ sở. Trong khí thế đấu tranh dâng lên, vùng An toàn khu của Hà Đông - Sơn Tây được mở rộng gồm Nam Hoài Đức - Đan Phượng - Quốc Oai. Lực lượng quần chúng tham gia cách mạng ngày càng phát triển sâu rộng và đến tháng 3-1945, Hà Nội có khoảng 700 người; Hà Đông có trên 80 làng có cơ sở cách mạng với khoảng vài nghìn người; Sơn Tây có trên 200 người.

... góp phần chuẩn bị lực lượng Tổng khởi nghĩa

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), thực hiện Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, toàn dân bước vào cao trào chống phát xít Nhật để giải phóng dân tộc. Công tác phát triển cơ sở cách mạng và tập hợp quần chúng trong các tổ chức bán công khai, công khai… được Đảng bộ Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây đặc biệt coi trọng, để từ đó xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang ở cả thành thị, nông thôn. Trong đó, công tác gây dựng cơ sở của Đảng bộ Hà Nội còn đi sâu vào một số viên chức của Ngân hàng Đông Dương, Nhà Đoan, Tòa thị chính để từ đây, Đảng nắm được tin tức kịp thời. Những vị là doanh nhân, trí thức yêu nước đã là cơ sở cách mạng rất tin cậy như: Gia đình cụ Tú Lễ (53 Hàng Bồ), gia đình bà Thái Tiên (96 Hàng Bột), gia đình cụ lang Ngô Lê Cách ở đầu Ngõ Gạch và con trai là Ngô Lê Động ở 11 Hàng Đường…

Tháng 7-1945, cao trào tiền khởi nghĩa với khí thế sôi sục đã đưa hàng vạn quần chúng lên trận tuyến mới, sẵn sàng giành chính quyền theo lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa. Tại Đại lý Hoàn Long, các cuộc phá kho thóc, cứu đói cho dân đã diễn ra ở nhiều làng, xã. Cùng với đó, việc diệt trừ những tên tay sai phản động gian ác càng làm chính quyền địch ở cơ sở thêm rệu rã.

Ở vùng Sét - Thịnh Liệt, tự vệ hoạt động gần như công khai. Binh lính bảo an, cảnh sát, ngụy quyền hoang mang dao động. Vùng Bưởi đã có Ủy ban Giải phóng bí mật. Ở Hà Đông, cơ sở cách mạng và Mặt trận Việt Minh phát triển từ 80 làng lên 120 làng. Trong hoàn cảnh đói kém trầm trọng, quần chúng cách mạng và tự vệ không chỉ đấu tranh chống Nhật, phá kho thóc, giải quyết nạn đói, mà còn làm tốt nhiệm vụ bảo vệ và phục vụ đắc lực các cơ quan, cán bộ của Đảng đóng trên địa bàn.

Khác với Hà Đông, do bị địch khủng bố ác liệt nên sau tháng 3-1945, cơ sở cách mạng và các đoàn thể ở Sơn Tây còn mỏng; do đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng bộ Sơn Tây là đẩy mạnh xây dựng cơ sở trong các tầng lớp nhân dân. Đến tháng 7-1945, Kiều Trung (huyện Thạch Thất) và Thuần Mỹ (huyện Tùng Thiện) là hai xã đầu tiên của Sơn Tây thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng. Vừa đẩy mạnh xây dựng cơ sở vừa đấu tranh chống Nhật, đến cao trào tiền khởi nghĩa, Sơn Tây đã có 50 thôn, xã với gần 1.000 quần chúng là cơ sở cách mạng.

Xây dựng cơ sở cách mạng sâu rộng, từ đó phát triển lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang; chọn lựa quần chúng trung kiên đi tiên phong trong cuộc đấu tranh để phát triển cơ sở Đảng chính là chỗ dựa căn bản và vững chắc để Đảng bộ Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây phát động quần chúng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội ngày 19-8-1945, ở Sơn Tây ngày 21-8-1945 và ở Hà Đông ngày 23-8-1945.

Được nhân dân nuôi dưỡng, chở che, Đảng bộ Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa toàn dân, đập tan ách cai trị của phát xít Nhật - thực dân Pháp. Sức mạnh vĩ đại của quần chúng nhân dân được giác ngộ cách mạng đã trở thành dòng thác cuốn phăng chế độ thực dân phong kiến thống trị trên đất nước ta gần một thế kỷ. Để rồi ngày 2-9-1945, nhân dân Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây và vùng phụ cận vui sướng, tự hào đứng dưới cờ Tổ quốc tại Quảng trường Ba Đình, lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Phạm Kim Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/976253/xay-dung-co-so-cach-mang-tien-toi-khoi-nghia-gianh-chinh-quyen-phan-cuoi