Xây dựng cơ sở chính trị ở các xóm, bản biên giới: Khi vai trò nòng cốt của đảng viên được phát huy
'Là đảng viên rồi phải khác chứ. Chịu khó làm ăn, nuôi dạy con cái, làm gì cũng phải làm cho thật tốt thì nói bà con mới nghe' – đảng viên trẻ Hờ A Dê cởi mở chia sẻ.
Những người đi đầu
Phải rất vất vả, chúng tôi mới lên đến bản Suối Thín (xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), bởi đường lên bản vẫn là những con đường đất nhỏ hẹp, lòng vòng và dốc ngược. Đón chúng tôi trong căn nhà gỗ truyền thống của người Mông, anh Hờ A Dê – Phó bản Suối Thín cho hay: Suối Thín có 77 hộ với hơn 400 khẩu đều là đồng bào dân tộc Mông. Do điện, đường còn chưa có đầy đủ nên đời sống của bà con ở Suối Thín vẫn còn rất khó khăn. Tuy nhiên, bản cũng đã có 8 người được kết nạp Đảng, trong đó có Hờ A Dê.
Sinh năm 1992, mặc dù mới chỉ học hết 12 nhưng Dê được xem là người “học cao” trong bản, bởi đến nay, phần lớn người dân Suối Thín không biết chữ, một số thì chỉ học hết lớp 3, lớp 4 là nghỉ ở nhà làm nương. Đây cũng chính là lý do để Dê được bà con tín nhiệm bầu làm Phó bản, công an viên, Bí thư Đoàn của bản: “Tôi vào Đảng năm 2018, sau khi được các đảng viên đi trước giới thiệu, dìu dắt. Là đảng viên, tôi cũng ý thức hơn về việc chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lúc nào cũng phải đi trước, phải sẵn sàng tham gia các hoạt động của bản, của xã. Bởi với người Mông, để người ta nghe, mình phải nói được làm được” – Dê chia sẻ.
Hàng ngày, họp bản hay lên nương anh Dê rất tích cực nhắc nhở, hướng dẫn bà con làm theo những cái tốt, cái tiến bộ; không kết hôn sớm, không sinh con nhiều, không rượu chè say xỉn, nhất là phải tránh xa ma túy. “8 đảng viên của bản đều là những hộ tích cực lao động và rất nhiệt tình với công việc của bản nên nói bà con chịu nghe theo” – Hờ A Dê tự hào.
Đến nay, cùng với Suối Thín, các bản có đông đồng bào Mông ở Chiềng Sơn như: Hin Pén, Pha Luông, Dân Quân… đều đã xây dựng được các chi bộ Đảng, với số lượng đảng viên tăng lên hàng năm. Đáng ghi nhận là, các đảng viên này đều là những cá nhân gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở những địa bàn biên giới khó khăn, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Tiêu biểu như, đảng viên Sồng A Tủa - người có tới 30 năm làm trưởng bản Pha Luông - người đã khuyến khích các hộ đồng bào Mông ở Pha Luông mở đường, góp phần thay đổi nhận thức của bà con trong việc thay đổi nếp sống và chăm lo phát triển kinh tế.
Phát huy vai trò nòng cốt
Mang theo câu chuyện về các đảng viên ở bản vùng cao, chúng tôi tìm đến Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sơn – Phan Thanh Hoằng. Ông Hoằng cho hay: Xây dựng tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đảng viên luôn là vấn đề được Đảng ủy xã Chiềng Sơn quan tâm, nhất là với các bản của đồng bào Mông – nơi tổ chức còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao… Đặc biệt, thời gian qua, nhờ có cán bộ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn về tăng cường, công tác xây dựng Đảng của Chiềng Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Người cán bộ biên phòng mà Bí thư Hoằng nhắc đến là Trung tá Lê Văn Sơn (Đồn Biên phòng Chiềng Sơn). Trung tá Lê Văn Sơn được Huyện ủy Mộc Châu chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ xã Chiềng Sơn và có tới hơn 2 năm làm Phó Bí thư Đảng ủy của địa phương này. Từ việc nghiên cứu, tìm hiểu thực tế địa phương, Trung tá Lê Văn Sơn đã kêu gọi các tổ chức đoàn thể (đoàn thanh niên, hội phụ nữ, mặt trận tổ quốc, người cao tuổi) có trách nhiệm giới thiệu các cá nhân ưu tú để Đảng bộ có nguồn phát triển Đảng; bản nào tổ chức còn yếu thì cử các đảng viên ở Ban Chấp hành đến sinh hoạt trực tiếp… “Do phong tục, tập quán và trình độ học vấn của nhiều đồng bào còn hạn chế, nên chúng tôi phải tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền để bà con có nhận thức đúng đắn về việc vì sao phải phấn đấu vào Đảng, là đảng viên thì phải có những đóng góp như thế nào cho xóm làng, thôn bản?” - Trung tá Lê Văn Sơn cho hay.
Ngoài Trung tá Lê Văn Sơn và Trung tá Lê Văn Lời (đang là Phó Bí thư Đảng ủy Tân Xuân, huyện Vân Hồ), được biết, năm 2020, Đồn Biên phòng Chiềng Sơn còn tiếp tục phân công 29 đảng viên phụ trách 78 hộ gia đình ở 17 bản, phân công đảng viên tham gia sinh hoạt ở 10 chi bộ, tổ đảng bản biên giới của 2 xã biên giới là Chiềng Sơn và Tân Xuân. “Kết quả cho thấy, những đảng viên được phân công đều đã phát huy vai trò nòng cốt trong các phong trào. Không chỉ giúp các hộ gia đình khó khăn ở biên giới vươn lên thoát nghèo; các đảng viên còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; để mỗi người dân, mỗi hộ dân thêm tin Đảng; sẵn sàng phối hợp cùng chính quyền, quân đội bảo vệ an ninh, xây dựng cuộc sống ấm no, an vui” – Thượng tá Trần Duy Thường – Chính trị viên Đồn Biên phòng Chiềng Sơn cho hay.
Từ những bản trắng đảng viên, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm đa số, đến nay, các bản ở 2 xã biên giới Tân Xuân và Chiềng Sơn đều đã có chi bộ Đảng, đời sống của nhân dân có nhiều đổi thay, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Góp phần cho những kết quả đáng kích lệ này, không thể không kể tới vai trò của những người đảng viên gương mẫu đi đầu, sẵn sàng gửi gắm thanh xuân, nhiệt huyết ở những vùng đất khó.