Xây dựng cơ sở dữ liệu giúp quản lý học sinh hiệu quả

Cơ sở dữ liệu học sinh là hệ thống lưu trữ và quản lý thông tin của học sinh trong một ngôi trường. Thông qua đó giúp nhà trường theo dõi thông tin cá nhân, kết quả học tập, hành vi và nhiều thông tin liên quan khác của học sinh. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu học sinh hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các trường và phụ huynh.

Cô giáo Hứa Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Tự Minh, cùng giáo viên rà soát lại thông tin trên cơ sở dữ liệu học sinh, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Cô giáo Hứa Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Tự Minh, cùng giáo viên rà soát lại thông tin trên cơ sở dữ liệu học sinh, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) là một trong những nội dung được đề cập tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 14/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo. Thủ tướng yêu cầu ngành Giáo dục cả nước hoàn thành xây dựng dữ liệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trong tháng 6-2025.

Trong năm học 2024-2025, tỉnh Thái Nguyên có 686 cơ sở giáo dục, gồm 245 trường Mầm non, 200 trường tiểu học, 191 trường THCS, 36 trường THPT; 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; 1 trung tâm GDTX cấp tỉnh; với 10.740 nhóm, lớp. Tổng số học sinh gần 346.600 em.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), thông tin: Đến nay, 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng xong CSDL ngành, số hóa toàn bộ thông tin học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, bao gồm dữ liệu cá nhân, kết quả học tập, rèn luyện. Hệ thống này giúp quản lý tập trung, giảm thủ tục hành chính, hạn chế báo cáo giấy. Đặc biệt, CSDL đã liên thông với hệ thống dữ liệu toàn ngành của Bộ GD&ĐT, đảm bảo thống nhất trong quản lý giáo dục, xây dựng theo chuẩn dữ liệu, sẵn sàng cung cấp dữ liệu cho tỉnh thành các CSDL dùng chung của tỉnh.

Việc xây dựng CSDL học sinh đã mang lại nhiều lợi ích cho các trường và phụ huynh học sinh, như: Giúp quản lý thông tin học sinh có hệ thống; tiết kiệm thời gian và công sức cho công tác quản lý hành chính; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình, kết quả học tập và rèn luyện của học sinh; tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh giám sát quá trình học tập của con em.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An trải nghiệm giáo dục STEM.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An trải nghiệm giáo dục STEM.

Kết quả đạt được từ việc xây dựng dữ liệu học sinh là bước quan trọng trong chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục; góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị, quản lý giáo dục và đào tạo cũng như đóng góp vào kinh tế số, xã hội số. Bởi, CSDL học sinh giúp số hóa toàn bộ quá trình học tập, quản lý theo thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định, dự báo và quy hoạch giáo dục chính xác hơn. Hệ thống cũng giúp tuyển sinh trực tuyến công khai, minh bạch, giảm thủ tục hành chính cho phụ huynh.

Cô giáo Hứa Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Tự Minh (TP. Thái Nguyên), cho biết: Một CSDL học sinh hoàn thiện bao gồm các thành phần, như: Thông tin cơ bản của học sinh (gồm: Họ và tên, ngày sinh, giới tính, dân tộc, số CCCD, nơi sinh, địa chỉ liên lạc, thông tin bố mẹ hoặc người giám hộ...); lưu trữ kết quả học tập (gồm điểm số, kết quả kiểm tra đánh giá từng môn học theo từng học kỳ, năm học); khen thưởng, kỷ luật, những thành tích nổi bật; thông tin phụ huynh học sinh, bao gồm họ và tên, năm sinh, nghề nghiệp, địa chỉ liên lạc…

Những thông tin này rất cần thiết để xác định danh tính và theo dõi tình hình của học sinh; là cơ sở để đánh giá tiến độ, kết quả quá trình học tập chung của họ sinh; giúp nhà trường theo dõi ý thức và thái độ của học sinh, từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường khi cần liên hệ, trao đổi về tình hình và kết quả học tập của học sinh...

Với kết quả đạt được, nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng CSDL học sinh trong thời gian tới, ngành Giáo dục Thái Nguyên tiếp tục hoàn thiện, mở rộng CSDL, tăng cường kết nối với các hệ thống dữ liệu khác. Đồng thời chú trọng đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu, nâng cao năng lực sử dụng dữ liệu số cho cán bộ, giáo viên.

Bên cạnh đó, các ứng dụng khai thác dữ liệu sẽ được tối ưu hóa để hỗ trợ phân tích, đánh giá chất lượng giáo dục, nâng cao hiệu quả giảng dạy và quản lý.

Thảo Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202504/xay-dung-co-so-du-lieu-giup-quan-ly-hoc-sinh-hieu-qua-6f120ac/