Xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) và phần mềm quản lý học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (ĐBKK), trong thời gian qua, Hội Khuyến học tỉnh cùng các cấp hội cơ sở đã đẩy nhanh tiến độ triển khai và đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ đó, góp phần hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng giúp học sinh có hoàn cảnh ĐBKK vươn lên trong học tập, rèn luyện.
Nhiều năm qua, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, việc rà soát, bổ sung, cập nhật thông tin liên tục, đầy đủ về học sinh có hoàn cảnh ĐBKK để cung cấp cho các cấp, đơn vị, nhà tài trợ, làm cơ sở trao quà, học bổng vẫn còn gặp một số khó khăn. Để khắc phục hạn chế đó, Hội Khuyến học tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-HKH ngày 21/3/2024 (gọi tắt là Kế hoạch số 34) về xây dựng CSDL và phần mềm quản lý học sinh có hoàn cảnh ĐBKK trên địa bàn toàn tỉnh.
Mục đích của Kế hoạch số 34 là thu thập thông tin, phân tích và tổng hợp số liệu về học sinh có hoàn cảnh ĐBKK để xây dựng CSDL và phần mềm quản lý nhằm đánh giá đúng thực trạng học sinh có hoàn cảnh ĐBKK trên địa bàn tỉnh.
Từ đó, phục vụ cho hoạt động kêu gọi, vận động tài trợ cho học sinh, đảm bảo được tính chủ động, kịp thời, minh bạch, chính xác, công bằng trong việc tiếp cận các nguồn tài trợ, hỗ trợ; phục vụ việc điều tiết trong việc giới thiệu, phân bổ các nguồn tài trợ, hỗ trợ cho các địa phương, các trường. CSDL và phần mềm quản lý học sinh có hoàn cảnh ĐBKK còn phục vụ cho việc xây dựng các đề án, dự án kêu gọi tài trợ; xây dựng các chính sách đặc thù của địa phương hỗ trợ cho đối tượng học sinh có hoàn cảnh ĐBKK; định hướng giúp học sinh, sinh viên tiếp cận tốt nhất các nguồn học bổng, chương trình tài trợ...
Kế hoạch số 34 yêu cầu việc xây dựng CSDL và phần mềm quản lý học sinh có hoàn cảnh ĐBKK phải chính xác, có đầy đủ các thông tin mà nhà tài trợ quan tâm, yêu cầu. CSDL phải được cập nhật khi có thông tin bổ sung, thay đổi; phần mềm quản lý đảm bảo tính hữu dụng, nhiều đơn vị có thể sử dụng.
CSDL này chỉ được sử dụng với mục đích liên quan đến việc kêu gọi tài trợ, hỗ trợ hoặc xây dựng các chính sách đặc thù của địa phương đối với các đối tượng là học sinh có hoàn cảnh ĐBKK. Theo kế hoạch đề ra, đối tượng thu thập thông tin là học sinh có hoàn cảnh ĐBKK đang học tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh; tiêu chí xác định đối tượng là người khuyết tật, mồ côi, hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Sau khi ban hành Kế hoạch số 34, Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức thực hiện thí điểm tại các trường phổ thông trên địa bàn TP. Đông Hà, huyện Gio Linh và huyện Triệu Phong. Để việc triển khai thí điểm đem lại hiệu quả, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng VNPT Quảng Trị thống nhất một số nội dung hướng đến hoàn thiện phần mềm quản lý học sinh có hoàn cảnh ĐBKK.
Đồng thời, tổ chức tập huấn cho 3 đơn vị tham gia thí điểm về nội dung và cách thức cập nhật học sinh có hoàn cảnh ĐBKK vào các file, lưu và chuyển file. Sau một thời gian triển khai thí điểm, các địa phương đã trích xuất file danh sách thu thập thông tin học sinh có hoàn cảnh ĐBKK chuyển cho các trường phổ thông trên địa bàn. Tính đến ngày 15/4/2024, các địa phương chọn làm thí điểm đã hoàn thành cập nhật thông tin học sinh có hoàn cảnh ĐBKK trên địa bàn gửi về Hội Khuyến học tỉnh.
Điển hình có TP. Đông Hà đã vào cuộc rất tích cực, các trường PTTH trên địa bàn phối hợp tốt, hiệu quả với Hội Khuyến học TP. Đông Hà trong việc hoàn thành file danh sách thu thập thông tin có hoàn cảnh ĐBKK với hơn 1.700 học sinh.
Những kết quả ban đầu từ việc thí điểm thực hiện Kế hoạch số 34 đã giúp Hội Khuyến học tỉnh mạnh dạn triển khai đại trà kế hoạch này tại các trường phổ thông trên địa bàn các huyện, thị xã còn lại trong thời gian từ cuối tháng 4 đến 28/5/2024. Qua đó, góp phần hoàn thành Kế hoạch số 34 đã đề ra nhằm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho học sinh có hoàn cảnh ĐBKK trên địa bàn toàn tỉnh.
Đánh giá về quá trình triển khai thực hiện thí điểm và chia sẻ những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch số 34 trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Dương Thị Hải Yến cho biết: “Trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm kế hoạch xây dựng CSDL và phần mềm quản lý học sinh có hoàn cảnh ĐBKK trên địa bàn tỉnh, các đơn vị tham gia đã thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra.
Hội Khuyến học các địa phương gồm: TP. Đông Hà, huyện Gio Linh, huyện Triệu Phong đã xây dựng được CSDL có tính tổng quát, đầy đủ, chính xác về số lượng học sinh có hoàn cảnh ĐBKK. CSDL này là địa chỉ tin cậy cho các nhà tài trợ và góp phần giúp cho việc kêu gọi vận động tài trợ của các cấp hội minh bạch, hiệu quả hơn.
Đồng thời, CSDL này sẽ phục vụ điều tiết trong việc giới thiệu, phân bổ các nguồn tài trợ, hỗ trợ cho các địa phương, các trường đảm bảo công bằng. Trong thời gian tới, Hội Khuyến học tỉnh sẽ triển khai đại trà việc thực hiện Kế hoạch số 34 tại các huyện, thị xã còn lại.
Bên cạnh đó, Hội Khuyến học tỉnh sẽ phối hợp với VNPT Quảng Trị đẩy mạnh việc hướng dẫn quản lý, sử dụng phần mềm này; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cập nhật kết quả học tập, rèn luyện của học sinh có hoàn cảnh ĐBKK lên hệ thống dữ liệu để thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động hỗ trợ nhằm giúp các em vươn lên trong học tập, rèn luyện”.