Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên sinh vật thủy nội địa

Được triển khai từ tháng 11/2022, đến nay đề tài 'Đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học và bổ sung cơ sở dữ liệu về tài nguyên sinh vật các thủy vực nội địa tỉnh Phú Yên phục vụ phát triển tổng hợp và bền vững KT-XH' bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đề tài đã xây dựng được cơ sở dữ liệu hiện trạng đa dạng sinh học, tài nguyên sinh vật ở các thủy vực nội địa của tỉnh; từ đó sử dụng làm công cụ quản lý, định hướng về quy hoạch, khai thác và bảo tồn tài nguyên sinh vật nước ngọt.

Đoàn kiểm tra lấy mẫu động, thực vật nổi ở lòng hồ thủy điện Sông Hinh. Ảnh: LỆ VĂN

Đoàn kiểm tra lấy mẫu động, thực vật nổi ở lòng hồ thủy điện Sông Hinh. Ảnh: LỆ VĂN

Đây là nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh do Trường đại học Khoa học - Đại học Huế, chủ trì; TS Hoàng Đình Trung làm chủ nhiệm.

Xây dng cơ s d liu v đa dng sinh hc

Theo TS Hoàng Đình Trung, thời gian qua, nhóm nghiên cứu đã tiến hành 5 đợt điều tra thu mẫu ngoài thực địa và phân tích mẫu các nhóm động thực vật thủy sinh ở sông Ba và hồ thủy điện Sông Hinh; lập danh mục thành phần loài thực vật nổi, động vật nổi, động vật đáy… kèm theo giá trị kinh tế và khoa học; hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học các thủy vực nước ngọt nội địa tỉnh Phú Yên; hoàn thành việc cập nhật cơ sở dữ liệu các nhóm tài nguyên động thực vật, thủy sinh vật nước ngọt vào phần mềm quản lý dữ liệu góp phần bổ sung cơ sở dữ liệu vào hệ thống đa dạng sinh học của tỉnh…

Gần 2 năm tập trung nghiên cứu, nhóm đã tiến hành các nội dung và sản phẩm của đề tài như: Nghiên cứu đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật trong các thủy vực nội địa của Phú Yên; đánh giá tính đa dạng sinh học, giá trị kinh tế, đặc hữu, quý hiếm theo các nhóm tài nguyên và theo từng hệ sinh thái điển hình, tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh; so sánh với các thủy vực miền Trung và toàn quốc.

Đánh giá tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên sinh vật nước ngọt nội địa tỉnh Phú Yên và các giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững; xây dựng bộ mẫu bảo tàng một số loài động vật thủy sinh điển hình, có giá trị khoa học, kinh tế và giá trị bảo tồn, nhất là tập trung ở nhóm động vật không xương sống (thân mềm, giáp xác cỡ lớn) và nhóm cá xương phục vụ nghiên cứu, học tập và tham quan du lịch. Tiến hành cập nhật cơ sở dữ liệu các nhóm tài nguyên động thực vật thủy sinh nước ngọt, bổ sung cơ sở dữ liệu vào hệ thống đa dạng sinh học của tỉnh, góp phần vào công tác quản lý, bảo tồn…

“Mục tiêu cụ thể của đề tài này là xây dựng được cơ sở khoa học về hiện trạng thành phần loài, đặc trưng phân bố, các đặc tính về sinh học, sinh thái, xu thế biến động đa dạng sinh học động thực vật thủy sinh khu vực nội địa, bổ sung cơ sở dữ liệu thành phần loài động thực vật thủy sinh nước ngọt, làm cơ sở cho công tác bảo tồn, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của tỉnh nhà; xây dựng bộ mẫu vật phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, nghiên cứu và tuyên truyền giáo dục môi trường. Đồng thời, đề tài cũng bảo tồn được nguồn gen sinh vật nước ngọt nội địa định hướng phát triển bền vững trong sự cân bằng sinh thái, duy trì tính đa dạng sinh học, sử dụng lâu bền tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống trên phạm vi nghiên cứu”, TS Hoàng Đình Trung cho biết thêm.

Bo tn tài nguyên sinh vt nước ngt

Tại buổi kiểm tra tiến độ thực hiện của đề tài mới đây, ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN đánh giá, mặc dù triển khai trong bối cảnh còn ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng tính đến nay, đề tài đã hoàn thành các sản phẩm theo đúng hợp đồng, trong đó có nhiều hạng mục vượt tiến độ. Ông Dương Bình Phú đề nghị, thời gian còn lại, chủ nhiệm đề tài cần đẩy nhanh tiến độ, tổ chức hội đồng nghiệm thu các sản phẩm chuyên đề, tự đánh giá kết quả thực hiện đề tài để nghiệm thu chính thức vào tháng 11 tới.

Theo ông Dương Bình Phú, mục tiêu chung của đề tài là xây dựng được cơ sở dữ liệu hiện trạng đa dạng sinh học, tài nguyên sinh vật ở các thủy vực nội địa của tỉnh, sử dụng làm công cụ quản lý, định hướng về quy hoạch, khai thác và bảo tồn tài nguyên sinh vật nước ngọt nội địa của tỉnh Phú Yên.

Theo TS Hoàng Đình Trung, từ nhiều năm nay, đa dạng sinh học đã trở thành vấn đề toàn cầu vì hiện có hàng triệu loài động, thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do những tác động của con người. “Việt Nam được đánh giá là một trong 25 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, chúng ta đang đứng trước không ít thách thức khi mà bảo tồn đa dạng sinh học có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Đề tài sẽ giúp tỉnh trong công tác quy hoạch và bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật nước ngọt trong thời gian đến”, TS Trung nói.

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/320477/xay-dung-co-so-du-lieu-ve-tai-nguyen-sinh-vat-thuy-noi-dia.html