Xây dựng cơ sở pháp lý cho ứng dụng công nghệ mới 4.0 trong hoạt động ngân hàng

Đó là một trong những yêu cầu của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh tại Hội nghị Giám đốc Công nghệ thông tin ngành Ngân hàng năm 2019 (Hội nghị CIO 2019), do NHNN Việt Nam tổ chức ngày 26/7/2019, tại Hà Nội.

Hội nghị do Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chủ trì, với sự tham dự của các bộ, ngành liên quan: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Đức Khanh

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Đức Khanh

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, trong giai đoạn 2017-2018 và 6 tháng đầu năm 2019, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được NHNN ban hành điều chỉnh các hoạt động công nghệ thông tin phù hợp với chiến lược phát triển của ngành Ngân hàng, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn.

Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn chỉ đạo của NHNN về thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn an ninh hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và đồng bộ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Ngân hàng.

Về tổ chức triển khai Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của các tổ chức tín dụng giai đoạn 2017-2020 tại Quyết định số 488/QĐ-NHNN ngày 27/3/2017, các tổ chức tín dụng đã chú trọng ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin phục vụ tổng thể cho điều hành nội bộ, cải thiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Nhiều kênh thanh toán dịch vụ mới thuận tiện, chi phí thấp, cung ứng 24/7 đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng và thúc đẩy hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Cùng với xu hướng phát triển cách mạng công nghiệp 4.0, các tổ chức tín dụng đã triển khai và đạt được một số thành công nhất định trong số hóa và ứng dụng công nghệ hiện đại trong các hoạt động tài chính - ngân hàng như: Digital Banking/Digital Lab (ngân hàng số); Timo Bank (ngân hàng không chi nhánh), ATM + Livebank (ngân hàng tự động)...

Một số tổ chức tín dụng đã hợp tác thành công với các Fintech để đưa công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như áp dụng sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, giọng nói...), sử dụng QR code, công nghệ mã hóa thông tin thẻ (tokenization), công nghệ mPOS, ví điện tử...

Bước đầu, việc nghiên cứu và áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa bằng robot (RPA), chuỗi khối (blockchain)... cũng đã được thực hiện tại một số tổ chức tín dụng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các báo cáo sơ kết tình hình thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2017-2020 của các tổ chức tín dụng đến hết năm 2018; tình hình an ninh mạng trong ngành Ngân hàng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0; dự thảo Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Một số tham luận chính bao gồm: Mô hình chuyển đổi ngân hàng số; Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0; Ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào đổi mới hoạt động ngân hàng; An ninh bảo mật, nguy cơ, thách thức và giải pháp trong ngành Ngân hàng.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận, đề ra những mục tiêu, giải pháp và lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đảm bảo phù hợp với Quyết định 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Đức Khanh

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Đức Khanh

Để triển khai hiệu quả các mục tiêu tại chiến lược, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh yêu cầu các đơn vị, vụ, cục NHNN trong giai đoạn tới cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ: Nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng các công nghệ mới của CMCN 4.0 trong toàn diện các hoạt động của ngành Ngân hàng, tạo điều kiện chuyển đổi sang mô hình Chính phủ điện tử tại NHNN và mô hình ngân hàng số tại các tổ chức tín dụng. Hiện đại hóa hệ thống thông tin thanh tra giám sát ngân hàng, hỗ trợ tích cực cho giám sát vi mô, vĩ mô, cảnh báo sớm, xếp hạng tổ chức tín dụng và giám sát hoạt động theo các chỉ tiêu Basel II của hệ thống tổ chức tín dụng. Từng bước đổi mới nền tảng nghiệp vụ và hạ tầng công nghệ thông tin của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng theo hướng hiện đại, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống thanh toán quốc gia.

Đồng thời, hoàn thiện, trình Thống đốc ban hành Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng đến 2030. Xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức triển khai các Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin 5 năm và hàng năm của NHNN, để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng sau khi được ban hành.

Các tổ chức tín dụng tập trung nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 để từng bước hiện đại hóa, hỗ trợ hiệu quả cho việc chuyển đổi cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế, tăng tỷ trọng dịch vụ phi tín dụng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng sự minh bạch. Mở rộng hợp lý mạng lưới kênh dịch vụ truyền thống kết hợp với phát triển các kênh giao dịch ngân hàng hiện đại như ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc, thanh toán qua QR Code, máy ATM thế hệ mới, đa chức năng như một phòng giao dịch ngân hàng... phù hợp với xu hướng thanh toán trên thế giới, đảm bảo thanh toán nhanh, an toàn, tiện lợi và có chi phí hợp lý. Phát triển thêm các loại hình dịch vụ phù hợp phục vụ cho các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp xúc với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi thế hệ mới theo thiết kế của ngân hàng số, với các quy trình được số hóa, quản trị thông minh, tự động hóa xử lý và kiểm soát rủi ro, gian lận dựa trên các công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn và robot tự động, để hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, điều hành, kinh doanh và phòng ngừa rủi ro, đáp ứng lộ trình áp dụng Basel II tại Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng đến 2030.

TH

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/xay-dung-co-so-phap-ly-cho-ung-dung-cong-nghe-moi-40-trong-hoat-dong-ngan-hang-90393.html