Xây dựng con người mới trong bối cảnh mới
Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nhằm mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Sau 5 năm thực hiện, Long An đạt những kết quả đáng ghi nhận, giúp phát triển toàn diện con người mới trong bối cảnh mới.
Hoàn thiện từ mỗi cá nhân
Mấy mươi năm “gà trống nuôi con”, ông Nguyễn Văn Mẩm (ấp Tư, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vẫn luôn nhắc nhở bản thân và các con về việc sống sao cho tốt với đời. Ngày trước, dù cuộc sống khó khăn, ông vẫn quyết tâm cho con học hành đến nơi, đến chốn. Có những lúc ngặt nghèo, ông “bóp bụng” bán đi một phần mảnh đất ông bà để lại cho các con có tiền ăn học. Không phụ lòng mong mỏi của cha, 3 người con của ông đều học hành thành đạt. 2 người tốt nghiệp thạc sĩ, 1 người là cử nhân đại học. Hiện cả 3 người đều đã có gia đình, các cháu lớn lên đều là con ngoan, trò giỏi.
Là Trưởng ấp Tư nên chẳng mấy khi ông Mẩm ở nhà. Không đi vận động kinh phí xây dựng công trình thì ông đi nhắc nhở người dân trong ấp thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, cùng tổ nhặt rác đi dọn dẹp vệ sinh quanh ấp, vừa tuyên truyền, vận động, vừa để làm gương. Khi trong xóm, ấp có bất hòa, xích mích, họ lại gọi ông tới giảng hòa, phân giải. Gắn bó gần cả đời người nên hơn ai hết, ông nhìn rõ những đổi thay của đất và người Thanh Phú từ trước đến giờ, đặc biệt là những năm trở lại đây. Ông kể: “Bây giờ, cuộc sống dân mình tốt hơn nhiều. Nhờ vậy, ai cũng quan tâm chuyện học hành của con mình. Ý thức trong việc cưới, tang, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường,… cũng tốt hơn trước. Từ khi trong xã, ấp có đèn đường thì an ninh, trật tự ổn định hơn. Tình làng, nghĩa xóm cũng bền chặt hơn”.
Hiện Thanh Phú không còn hộ nghèo và là xã đầu tiên của Bến Lức trong quá trình phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Khi kinh tế phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng có nhiều đổi thay tích cực. Ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của người dân ngày càng cao, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Các tệ nạn xã hội: Rượu chè, cờ bạc, ma túy, bạo lực gia đình, số người vi phạm pháp luật,... giảm mạnh, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ngày càng lành mạnh tại cộng đồng dân cư.
Người dân được tiếp cận công nghệ thông tin một cách dễ dàng: Tivi, điện thoại thông minh kết nối Internet trở nên phổ biến. Các hoạt động văn nghệ, thể thao được tổ chức hàng năm tạo sân chơi cho người dân. Ý thức bảo vệ môi trường cũng được nâng lên khi tất cả các ấp đều có tổ nhặt rác với nhiều thành viên tham gia. Mỗi ấp đều có tuyến đường trật tự, sáng, xanh, sạch, đẹp.
Đó là những đổi thay dễ nhìn thấy tại các địa phương trong toàn tỉnh. Sau 5 năm thực hiện Chương trình số 38-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả bước đầu. Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Các phong trào nhằm xây dựng đời sống văn hóa được triển khai, quán triệt đúng thực chất trong hệ thống chính trị và đến với các tầng lớp nhân dân, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, làm thay đổi nhận thức và hành vi của mỗi người. Nhiều tập quán lạc hậu, cưới hỏi, ma chay tốn kém,… được loại bỏ dần, thay vào đó là cách làm mới văn minh, tiến bộ. Đời sống tinh thần của người dân được nâng cao và đã hình thành lớp người mới cơ bản đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”.
Hiện tại, toàn tỉnh có 97,3% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 97,5% ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa và 125/188 xã đạt chuẩn văn hóa, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Phong trào xây dựng xã văn hóa, xã nông thôn mới giúp bộ mặt nông thôn các địa phương thay đổi tích cực: Đường sá, trường học, trạm y tế,… khang trang hơn, cảnh quan môi trường được bảo đảm, an ninh, trật tự ổn định.
Đến cộng đồng
Người dân vẫn giữ truyền thống tốt đẹp về việc tương trợ lẫn nhau trong các dịp hiếu, hỷ. Những hình ảnh lễ tang, cưới kéo dài nhiều ngày hoặc hủ tục, mê tín: Rải vàng mã, bói toán, thầy cúng,… đã dần vắng bóng. Điều đó góp phần duy trì những nét đẹp văn hóa, thuần phong, mỹ tục, phù hợp với đạo lý, tư tưởng nhân văn trong việc xây dựng nếp sống văn minh trong giai đoạn hiện nay. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, nhiều cộng đồng, gia đình đồng thuận tạm ngưng hoặc giảm quy mô các lễ hội, lễ cúng truyền thống, lễ cưới,... vì lợi ích chung của xã hội.
Đó chính là minh chứng cụ thể cho hiệu quả thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ở tỉnh. Mỗi cá nhân đang dần tự học hỏi, hoàn thiện bản thân để trở thành con người mới, những cá nhân năng động, hòa nhập với xu thế và giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, dân tộc. Họ gìn giữ những gia đình hòa thuận, ấm no, bình đẳng là chỗ dựa, nền tảng nuôi dạy con và xây dựng những cộng đồng văn minh, bảo đảm an ninh, trật tự, ấm áp tình làng, nghĩa xóm.
Trong Nghị quyết 33-NQ/TW nêu rõ trọng tâm chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện chính là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Long An có 109 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, bao gồm: Di tích lịch sử, di tích lưu niệm danh nhân, di tích lịch sử cách mạng, di tích kiến trúc nghệ thuật và di tích khảo cổ. Những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện tốt công tác trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp và phát huy tác dụng của các di tích lịch sử - văn hóa. Nhiều di tích đã được trùng tu, phục hồi, tôn tạo bằng nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia chống xuống cấp di tích của Trung ương (khoảng 7 tỉ đồng) và ngân sách tỉnh (khoảng 200 tỉ đồng). Đặc biệt, qua thực hiện xã hội hóa, nhân dân đã đóng góp hàng tỉ đồng vào việc trùng tu, tôn tạo di tích, nhất là đối với các di tích gắn liền với tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa,…
Song song với công tác trùng tu, tôn tạo, việc phát huy tác dụng di tích cũng được quan tâm thực hiện. Những “địa chỉ đỏ” trên địa bàn tỉnh trở thành nơi về nguồn của thanh, thiếu niên, học sinh trong tỉnh. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang đẩy mạnh việc phát triển du lịch tại các khu di tích, cùng với đó là các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Nói về di sản văn hóa dân tộc, Long An rất phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Toàn tỉnh có 408 lễ hội cổ truyền, 18 nghề truyền thống, 10 loại hình nghệ thuật truyền thống, hơn 800 người còn nắm giữ những tri thức dân gian,… Tùy vào tính chất riêng mà các di sản được sưu tầm, nghiên cứu, lập hồ sơ và lưu giữ dưới các hình thức khác nhau: Chữ viết (báo cáo kết quả nghiên cứu), hình ảnh động (phim tư liệu), hình ảnh tĩnh (ảnh tư liệu), âm thanh (đĩa CD),…
Phát triển du lịch cũng là một trong những hướng đi nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị sẵn có của tỉnh. Long An là địa phương có nhiều tiềm năng du lịch nhưng vẫn chưa được khai thác hết. Để phát huy hết những thế mạnh sẵn có, tỉnh đã lập Đề án Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm thu hút các nhà đầu tư kinh doanh du lịch. Đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch tỉnh gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, việc xúc tiến vẫn được thực hiện một cách ráo riết thông qua những ký kết hợp tác du lịch 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hợp tác với Sài Gòn Tourist xây dựng tour du lịch ngắn ngày tại Long An cũng như ra mắt Cổng thông tin điện tử và ứng dụng du lịch Long An trên điện thoại thông minh. Những nỗ lực đó giúp nhiều du khách biết đến Long An hơn và cũng giúp người Long An hiểu rõ hơn về những giá trị, tiềm năng trên chính quê hương mình.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, tỉnh đạt những kết quả tích cực, môi trường văn hóa từng bước được cải thiện, dân chủ trên các lĩnh vực đời sống xã hội được mở rộng, dân trí được nâng lên, quyền con người được tôn trọng, người dân có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và hưởng thụ các giá trị văn hóa./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/xay-dung-con-nguoi-moi-trong-boi-canh-moi-a101289.html