Xây dựng Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN năng động và tự cường

Để củng cố Cộng đồng ASEAN, các quốc gia cần tăng cường kết nối, khả năng chống chịu; đẩy mạnh hợp tác giữa các trụ cột của mình, thúc đẩy kết nối hạ tầng, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 14/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN đến năm 2025 (Đề án 161) giai đoạn 2021-2025 và chuẩn bị cho đánh giá cuối kỳ.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến, là dịp để lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Lao động-Thương binh và Xã hội; các bộ, ngành thuộc Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN tại Việt Nam; các địa phương và các Trường Đại học; Ban Thư ký ASEAN cập nhật tình hình thực hiện Đề án 161 của các đơn vị, địa phương. Đồng thời, trao đổi và tìm hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ASEAN và chuẩn bị cho đánh giá việc hoàn thành Đề án.

Tại Hội nghị, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh sự nỗ lực, linh hoạt, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan đã lồng ghép tốt trong kế hoạch, chính sách, chương trình; cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN đến năm 2025. Qua đó, góp phần xây dựng cộng đồng hòa nhập, bền vững và tự lực tự cường.

Nổi bật trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động về tuyên truyền, quảng bá ASEAN; Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án triển khai "Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.”

Để hoàn thành Đề án 161 vào năm 2025, Thứ trưởng Lê Văn Thanh khuyến khích các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy, vận động các nguồn lực khác nhau như: nguồn xã hội hóa, nguồn tài trợ từ các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế để hỗ trợ cho việc triển khai các hoạt động của Đề án.

Trong số đó, tập trung triển khai 5 nội dung hoạt động của Đề án gồm: Các hoạt động xây dựng cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân; xây dựng cộng đồng hòa nhập; xây dựng cộng đồng bền vững; xây dựng cộng đồng tự lực tự cường; xây dựng cộng đồng năng động.

 Đại sứ Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao, phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Đại sứ Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao, phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Đại sứ Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cùng đại diện Bộ Công Thương đã chia sẻ tình hình hợp tác ASEAN trên cả 3 trụ cột. Điểm nhấn của năm 2024 là việc khởi động đánh giá cuối kỳ các kế hoạch tổng thể và xây dựng các kế hoạch chiến lược của 3 Cộng đồng chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa, xã hội.

Đồng thời, khẳng định đây cũng là ưu tiên lớn của ASEAN nhằm tiếp tục xây dựng một Cộng đồng ASEAN năng động và tự cường, không chỉ bảo vệ phúc lợi của người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng và tiến bộ trong khu vực.

Bà Jennifer Santos, cán bộ Phòng Giám sát Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN, Ban Thư ký ASEAN đã thông tin về tiến độ triển khai kế hoạch công tác của các cơ quan chuyên ngành.

Bà nhấn mạnh mục tiêu đánh giá cuối kỳ của bản kế hoạch tổng thể Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN 2025 hướng đến thúc đẩy và tăng cường hợp tác, hội nhập văn hóa, xã hội trong ASEAN; xây dựng một Cộng đồng văn hóa-xã hội mang lại lợi ích cho người dân ASEAN. Đồng thời, thúc đẩy tính bao trùm, khả năng chống chịu, bền vững và năng động.

Theo bà Jennifer Santos, ASEAN đang dần phục hồi từ các biến động đa chiều, song vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức, quan ngại về biến đổi khí hậu, thiên tai, các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống.

Để củng cố Cộng đồng ASEAN và giải quyết các thách thức hiện tại, các quốc gia cần tăng cường kết nối, khả năng chống chịu; đẩy mạnh hợp tác giữa các trụ cột của mình, thúc đẩy kết nối hạ tầng, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường hội nhập kinh tế và giao lưu nhân dân; củng cố quan hệ với các đối tác bên ngoài, đồng thời duy trì vai trò trung tâm và sự liên quan của ASEAN.

Dịp này, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ tình hình thực hiện Đề án 161; các chương trình, hoạt động ưu tiên trong năm 2024; những khó khăn, thách thức về nguồn lực, cơ chế phối hợp ở cấp địa phương và giữa địa phương với các bộ, ngành; vai trò dẫn dắt, kết nối địa phương với các phong trào.

Để chuẩn bị cho đánh giá cuối kỳ và xây dựng Đề án, kế hoạch sau năm 2025, các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, thường xuyên trao đổi để kịp thời triển khai các sáng kiến, hoạt động chuyên ngành ở cấp khu vực mà Việt Nam có lợi ích; chú trọng việc hướng dẫn, khuyến khích các địa phương thúc đẩy hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ về hội nhập nói chung và ASEAN nói riêng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/xay-dung-cong-dong-van-hoa-xa-hoi-asean-nang-dong-va-tu-cuong-post993182.vnp