Xây dựng công nghiệp văn hóa Việt Nam: 'Bối rối' vì thiếu… chuyên nghiệp
'Năm 2012 chúng tôi mời các chuyên gia UNESCO đến Việt Nam để đánh giá về các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (CNVHVN), về hệ thống chính sách hỗ trợ cho việc phát triển các ngành CNVHVN. Sau đánh giá, các chuyên gia UNESCO cũng thấy… bối rối' - PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Có mà không!
Câu chuyện thú vị đó được PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo “Chuyên nghiệp hóa trong tổ chức các sự kiện nghệ thuật tại Việt Nam”.
Hội thảo vừa được Đại sứ quán Đan Mạch, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Công ty Thanh Việt tổ chức. Đây là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa – Monsoon Music Festival 2019 (diễn ra từ ngày 1 - 3/11 tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội).
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, từ năm 2014, những cụm từ công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, quốc gia khởi nghiệp… được nhắc đến rất nhiều và đã đem đến sự lan tỏa nhất định trong xã hội.
Tuy nhiên, trước câu hỏi: Việt Nam có hay không các ngành công nghiệp văn hóa thì vẫn khiến nhiều chuyên gia phải… “bối rối”. Chẳng hạn như các chuyên gia UNESCO sau khi đánh giá các vấn đề về ngành CNVHVN đã từng “bối rối” khi trả lời câu hỏi này là: Có cũng đúng mà không có cũng chẳng sai.
Với câu trả lời: Việt Nam có các ngành CNVH, các chuyên gia dẫn chứng: rõ ràng ở Việt Nam có đầy đủ các ngành văn hóa: âm nhạc, điện ảnh, thời trang, kiến trúc, nhiếp ảnh… Thế nhưng, các ngành văn hóa đó chưa đạt được tính chuyên nghiệp.
Ví như trong ngành điện ảnh, một ông đạo diễn thì chỉ biết dàn dựng các bộ phim chứ không cần biết khán giả của bộ phim là ai, không biết phát hành phim như thế nào cũng như cần xây dựng thương hiệu bộ phim ra sao.
Nói tóm lại, các ngành văn hóa đều thiếu chuyên nghiệp ở chỗ ai làm ở bộ phận nào chỉ biết bộ phận đó. Họ không biết rằng, việc tạo ra một tác phẩm nghệ thuật hay một sự kiện là cả một quá trình gồm rất nhiều khâu gắn kết với nhau.
Trước thực tế đó, ông Sơn cho biết, các chuyên gia văn hóa đã đề xuất Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển các ngành CNVHVN đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược này đã được phê duyệt ngày 8/9/2016.
Trong đó, chiến lược đã xác định rõ 12 ngành văn hóa, gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.
Việc phát triển các ngành CNVH hướng mục tiêu chung: “Trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu;
Góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam”.
Cần xây dựng niềm tin
Điều mà ông Sơn đặc biệt lưu ý đến là trong Chiến lược phát triển các ngành CNVHVN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 có 3 lần nhắc đến tính chuyên nghiệp. Vậy vì sao tính chuyên nghiệp lại đặc biệt quan trọng trong ngành CNVHVN như vậy?
Trả lời câu hỏi này, ông Sơn cho rằng, xây dựng tính chuyên nghiệp chính là xây dựng niềm tin ở mọi người đối với thị trường sáng tạo nghệ thuật. Cũng bởi lẽ, dường như thị trường sáng tạo nghệ thuật đang bị đánh mất niềm tin.
Điển hình như ở thị trường tranh, đầu những năm đổi mới, thị trường này rất phát triển. Họa sĩ có thể sống tốt, thậm chí nhiều họa sĩ còn làm giàu từ các tác phẩm của mình.
Thế nhưng, hơn mười năm trở lại đây, sự sôi động của thị trường tranh ngày càng giảm. Giá tranh của các họa sĩ Việt Nam giờ đây còn thấp hơn giá tranh của các họa sĩ Lào, Campuchia.
Tại sao vậy? Tại vì thị trường tranh đã dần đánh mất niềm tin của công chúng khi để xảy ra hàng loạt vụ tranh giả, tranh chép vi phạm bản quyền.
Bên cạnh đó, ông Sơn còn đưa ra một vấn đề nữa cũng rất cần quan tâm đó là: Sáng tạo luôn cần thị trường và thị trường lại rất cần luật pháp.
Có thể thấy, hệ thống luật pháp ở Việt Nam được xây dựng khá đầy đủ, song vấn đề thực thi pháp luật lại có nhiều điều cần bàn. Điển hình như Việt Nam có Luật Sở hữu trí tuệ (2005) được cho là một trong những bộ luật tiên tiến nhất trên thế giới với những quy định đáng để nước bạn tham khảo, học tập.
Thế nhưng bao lâu nay vấn đề vi phạm bản quyền vẫn luôn nhức nhối trong xã hội, nhất là những vi phạm bản quyền trong sáng tạo văn hóa. Chính vấn nạn này đã khiến nhiều nghệ sĩ không sống được bằng nghề nên khó lòng có thể tái đầu tư, sản xuất để rồi tích cực tham gia vào quá trình phát triển các ngành CNVH được.
“Rõ ràng để có thể xây dựng tính chuyên nghiệp trong các ngành CNVH thì rất cần nâng cao nhận thức của mọi người (từ nghệ sĩ đến công chúng, thậm chí cả nhà quản lý). Có buồn lòng khi hàng ngày chúng ta vẫn nghe những câu chuyện thiếu chuyên nghiệp tưởng nhỏ nhưng lại trở thành hệ thống: Diễn viên, ca sĩ đến muộn trong các chương trình biểu diễn, sự kiện.
Hành vi đó chứng tỏ những nghệ sĩ ấy không tôn trọng mọi người cũng như không tôn trọng chính bản thân. Thêm nữa, việc xây dựng thương hiệu cho nghệ sĩ, sự kiện, công ty tổ chức và cả điểm đến nữa cùng rất quan trọng.
Và cũng rất cần có Bộ quy tắc ứng xử trong các ngành CNVH để nâng cao tính chuyên nghiệp cho mọi người. Khi chưa có các quy định thì khó xử phạt, khó thực thi” – PGS.TS Bùi Hoài Sơn đặc biệt nhấn mạnh.
“Hà Nội vừa được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo của thế giới. Đây là một thông tin vô cùng quan trọng không chỉ đối với Hà Nội mà đối với cả Việt Nam. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một thành phố là Thủ đô được công nhận là thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO theo Công ước năm 2005. Đây là một tin vui, trở thành định hướng lớn cho Việt Nam trong việc đưa các yếu tố sáng tạo vào phát triển đất nước, trong việc triển khai Chiến lược phát triển các ngành CNVHVN” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn.