Xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu vực biên giới

Vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, quản lý nhà nước về công tác dân tộc và truyền thông cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi có vị trí hết sức quan trọng trong các thời kỳ giai đoạn lịch sử của cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề dân tộc, nhằm thực hiện chiến lược đại đoàn kết các dân tộc. Những năm qua, Bộ Tư lệnh BĐBP và Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội đã phối hợp trên nhiều mặt công tác nhằm thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào khu vực biên giới, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cán bộ BĐBP Lai Châu hướng dẫn đồng bào DTTS vùng biên giới chăm sóc cây trồng, phát triển kinh tế nông thôn. Ảnh: ĐƠN VỊ CUNG CẤP

Cán bộ BĐBP Lai Châu hướng dẫn đồng bào DTTS vùng biên giới chăm sóc cây trồng, phát triển kinh tế nông thôn. Ảnh: ĐƠN VỊ CUNG CẤP

Kể từ khi ký kết quy chế phối hợp năm 2016 đến nay, Bộ Tư lệnh BĐBP và HĐDT của Quốc hội đã phối hợp xây dựng, thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới; chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, biên giới quốc gia. Hai bên đã phối hợp kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ về xây dựng chính sách dân tộc; chính sách, chương trình liên quan đến bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, thiểu số; phối hợp kiểm tra, giám sát, khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng dân tộc thiểu số gắn với công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nội dung các chính sách tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giảm nghèo; phát triển sản xuất trong nông nghiệp, thủy sản; y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo.

Đối với các chuyên đề giám sát, khảo sát của HĐDT của Quốc hội hoặc giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao HĐDT chủ trì đều nhận được sự quan tâm phối hợp tích cực, chủ động tham gia giám sát của Bộ Tư lệnh BĐBP. Đặc biệt là sự tham gia giám sát 2 chuyên đề lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn các tỉnh vùng DTTS và miền núi. Qua hoạt động giám sát, khảo sát, nhiều kiến nghị của HĐDT và Bộ Tư lệnh BĐBP trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh vùng DTTS và miền núi, biên giới được đưa vào nghị quyết của Quốc hội; được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc.

Thông qua quy chế phối hợp, Bộ Tư lệnh BĐBP và HĐDT của Quốc hội còn phối hợp tham mưu cho các địa phương có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể. Thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng về tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, vùng đồng bào DTTS, đảm bảo đủ năng lực lãnh đạo, điều hành, quản lý mọi mặt đời sống xã hội.

Trong hơn 6 năm qua, các đơn vị BĐBP cử 151 cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, 482 đồng chí tham gia cấp ủy cấp xã, 289 cán bộ tăng cường xã, giới thiệu 2.458 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, bản và phân công 8.993 đảng viên phụ trách 37.708 hộ gia đình ở khu vực biên giới để kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng, tham mưu giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền địa phương ở khu vực biên giới ngày càng được nâng cao.

Cán bộ BĐBP Kon Tum phối hợp cùng lực lượng dân quân và già làng tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: ĐƠN VỊ CUNG CẤP

Cán bộ BĐBP Kon Tum phối hợp cùng lực lượng dân quân và già làng tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: ĐƠN VỊ CUNG CẤP

Mặt khác, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, biên giới, hải đảo, hai bên đã phối hợp làm tốt công tác tham mưu trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao cùng với các ban, bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án ở khu vực biên giới, hải đảo. Qua đó, huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành tăng cường đầu tư xây dựng khu vực biên giới, hướng dẫn đồng bào các dân tộc cách thức tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống; tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thủy, hải sản, trồng các loại cây công, nông nghiệp có giá trị kinh tế cao; giúp đỡ các địa phương ở khu vực biên giới xây dựng các đề án phát triển kinh tế - xã hội; vận động tài trợ, quyên góp, xây dựng các quỹ hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo trị giá hàng chục tỷ đồng, như: Hỗ trợ cây giống, con giống, phân bón, vốn, ngày công lao động, sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, nuôi trồng cho các hộ nghèo phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, hai bên đã phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức hiệu quả phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đồng bào các dân tộc luôn nêu cao tinh thần cách mạng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới của đất nước; chấp hành tốt chính sách, pháp luật Nhà nước; có ý thức cảnh giác, chủ động đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhất là việc chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng nước ta.

Đồng bào các DTTS ở khu vực biên giới đã tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và các phong trào, mô hình tự quản về an ninh, trật tự ở làng, bản, khu dân cư, như: “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới”, “Dòng họ tiêu biểu về an ninh, trật tự”, “Cụm dân cư, đơn vị an toàn không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Già làng, trưởng bản làm nhiều việc tốt”, “Tàu thuyền, bến bãi an toàn”, “Họ đạo gương mẫu”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”... Từ năm 2016 đến nay, đã có 1.587 tổ/39.724 hộ gia đình và 60.493 cá nhân đăng ký tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới; 14.822 tổ tự quản an ninh, trật tự/232.737 thành viên; 3.219 tổ tự quản tàu thuyền an toàn/77.134 thành viên, 916 bến bãi an toàn, 54 đội sản xuất an toàn trên biển; thành lập 173 tổ nuôi thủy sản an toàn/3.336 thành viên.

Có thể khẳng định rằng, những kết quả thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và HĐDT của Quốc hội đã góp phần làm chuyển biến rõ rệt về kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, động viên đồng bào các dân tộc tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển, đảo của Tổ quốc. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh và đối ngoại; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân - dân, thế trận lòng dân vững chắc ở khu vực biên giới.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-cung-co-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-o-khu-vuc-bien-gioi-post468787.html