Xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị thông minh về lĩnh vực nông nghiệp
UBND tỉnh Lâm Đồng và Thành phố Đà Lạt cần sớm xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách phù hợp để triển khai thực hiện các nội dung Đề án 'Xây dựng Thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh'.
Đó là đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tại kế hoạch thực hiện Thành phố Đà Lạt trở thành đô thị thông minh lĩnh vực nông nghiệp mà cơ quan này vừa xây dựng.
Theo đó, mục tiêu cụ thể của kế hoạch này là người nông dân và các doanh nghiệp được cung cấp đầy đủ các thông tin và tiện ích thiết thực về nông nghiệp, nông sản, thị trường và các hướng dẫn nâng cao chất lượng sản phẩm một cách nhanh nhất, từ đó có thể nâng cao thu nhập cho người dân; áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng hơn, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước được tối ưu hóa, đạt hiệu quả cao, qua đó góp phần vào việc quy hoạch phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh.
Nông nghiệp thông minh sẽ hỗ trợ nhà quản lý trong công tác tổ chức, chuyển giao công nghệ sản xuất cho từng loại cây trồng, vật nuôi; đặc biệt là mở rộng thị trường xuất khẩu theo mô hình liên kết chuỗi giá trị hàng hóa để phát huy lợi thế về sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng, tổ chức và hoàn thiện các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để có thể đưa vào phục vụ nông nghiệp; phát triển nền nông nghiệp đô thị hiệu quả để đảm bảo thành phố bền vững, thân thiện với môi trường. Nông nghiệp thông minh tạo ra sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực, thực phẩm và việc bảo tồn hệ sinh thái môi trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, thành phố Đà Lạt là vùng đô thị có vai trò vị thế chiến lược quan trọng trong khu vực Tây Nguyên. Vùng trung tâm và các cực tăng trưởng được kết nối với nhau nhờ hệ thống giao thông công cộng và các trục hành lang tăng trưởng xuyên tâm, hướng tâm và các trục vành đai liên kết vùng.
Toàn Thành phố hiện có khoảng 4800 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 45% diện tích đất canh tác. Trong đó, hoa 1.468 ha, rau các loại 2.794 ha, chè 210, cà phê 258 ha) Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 230 triệu đồng/năm (tăng 80 triệu đồng so với năm 2011); cây hoa cắt cành đạt khoảng 700 triệu - 1,2 tỷ đồng/ha/năm (tăng 200 triệu đồng); cây rau cao cấp đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm (tăng 150 triệu đồng); cây chè cành chất lượng cao đạt khoảng 360 triệu đồng/ha (tăng 60 triệu đồng).
Hầu hết các sản phẩm rau, chè, cà phê của Thành phố đều được sản xuất theo quy trình an toàn, nhãn hiệu rau, hoa Đà Lạt đã được công nhận góp phần nâng cao danh tiếng và uy tín các loại nông sản thành phố, đồng thời sản phẩm đưa ra thị trường đều có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên địa bàn thành phố Đà Lạt ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư phát triển nông nghiệp với mô hình sản xuất phong phú, đa dạng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các vùng chuyên canh sản xuất rau, hoa đã được hình thành, các
làng hoa được đầu tư và phát triển. Nhiều công nghệ sản xuất tiên tiến đã được nông dân Đà Lạt chọn lọc, tiếp thu và đưa vào thực tế sản xuất như: Công nghệ nhà lưới, nhà kính; công nghệ tưới phun, tưới và bón phân qua hệ thống nhỏ giọt, tưới có điều khiển tự động; công nghệ chiếu sáng để điều chỉnh thời gian sinh trưởng phát triển của cây trồng; công nghệ nuôi cấy mô trong nhân giống cây trồng; công nghệ vi sinh bảo vệ thực vật; việc cơ giới hóa trong sản xuất được áp dụng rộng rãi. Một số công nghệ hiện đại như trồng rau thủy canh, công nghệ sau thu hoạch, ứng dụng vật liệu mới trong canh tác, tự động hóa …bước đầu đã được ứng dụng có hiệu quả.
Về nông nghiệp thông minh, thương hiệu nông sản của Đà Lạt chưa được bảo vệ, có những sản phẩm đã bị ảnh hưởng (khoai tây, cà chua,…); chưa có kênh kết nối, liên kết, hỗ trợ giữa nhà nông, nhà khoa học và nhà quản lý trong các hoạt động sản xuất, canh tác; nông nghiệp công nghệ cao phát triển tự phát, chưa được quy hoạch dẫn đến ảnh hưởng đến môi trường thành phố; ngành thủy lợi phải quản lý rất nhiều hồ lớn nhỏ, trong đó có nhiều hồ nằm trong chuỗi cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố; diện tích rừng rộng (518.496 ha trên toàn tỉnh; Đà Lạt là 19.112ha); chính quyền chưa có công cụ phục vụ cho công tác quy hoạch, dự báo nền nông nghiệp của thành phố.
Ngành nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng nói chung và thành phố Đà Lạt nói riêng tuy đã được ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến, tuy nhiên vẫn tồn tại các vấn đề về ảnh hưởng của việc áp dụng các công nghệ nhà kính, nhà lưới với môi trường, vấn đề đảm bảo thương hiệu nông sản, thông tin dự báo giá cả, cung cầu thị trường. Các hoạt động áp dụng công nghệ cao đã được triển khai, tuy nhiên chủ yếu dưới dạng hộ gia đình, cơ sở nuôi trồng nhỏ tự đầu tư, trong khi cơ quan quản lý chưa có số liệu đánh giá thống kê và hỗ trợ đắc lực để đảm bảo hiệu quả nền sản xuất nông nghiệp chung của toàn tỉnh. Hiện nay, nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp như thủy lợi, lâm nghiệp, nông nghiệp cũng đang được định hướng đến phát triển các tính năng thông minh, tuy nhiên việc làm này vẫn chưa mang tính kết nối, dùng chung cao. Tỉnh có thể giải quyết thách thức này bằng việc thiết lập nền tảng hạ tầng và các năng lực chung cho ngành, qua đó định hướng cho các lĩnh vực kết nối, tích hợp, tận dụng, và chia sẻ.
Về nguồn lực để vận hành ngành nông nghiệp, Đà Lạt đang thiếu hụt nhân sự chuyên trách về công nghệ thông, do đó cần phải ban hành các tiêu chuẩn đánh giá cán bộ thường niên khuyến khích việc nâng cao trình độ tin học, đồng thời khảo sát đánh giá hiện trạng và tổ chức đào tạo về kỹ năng ICT cho lực lượng cán bộ, công chức, viên chức…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt cần sớm xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách phù hợp để triển khai thực hiện các nội dung Đề án "Xây dựng Thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh" cho phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành.