Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm giáo dục đào tạo của khu vực

Sau hợp nhất, mạng lưới trường lớp của ngành Giáo dục Đà Nẵng được mở rộng với gần 1.280 trường học ở bậc phổ thông và mầm non.

Học sinh Trường Mầm non Tuổi thơ (Hải Châu, Đà Nẵng) tham gia chương trình Lớp học cầu nối tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu.

Học sinh Trường Mầm non Tuổi thơ (Hải Châu, Đà Nẵng) tham gia chương trình Lớp học cầu nối tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu.

Sau hợp nhất, Đà Nẵng trở thành thành phố có diện tích lớn nhất của Việt Nam, gồm 94 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 70 xã, 23 phường và Đặc khu Hoàng Sa.

UBND TP Đà Nẵng đã bổ nhiệm bà Lê Thị Bích Thuận, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng (cũ) giữ chức Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng.

Bổ nhiệm 4 Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, gồm các ông: Mai Tấn Linh; Trần Nguyễn Minh Thành; Phạm Tấn Ngọc Thụy; Nguyễn Hoàng Nam.

Đa dạng loại hình trường lớp

Một trong những điểm sáng của giáo dục thành phố trong thời gian qua là mạng lưới trường lớp được quy hoạch phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân, vừa đáp ứng quy mô, yêu cầu phát triển đô thị và nhu cầu học tập của mọi người dân, mọi lứa tuổi trên địa bàn.

 Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ ( Hải Châu, Đà Nẵng) tham gia hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ ( Hải Châu, Đà Nẵng) tham gia hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống.

Theo thống kê, TP Đà Nẵng (cũ) có 393 cơ sở giáo dục, trong đó có 197 cơ sở giáo dục mầm non, 99 trường tiểu học với 106.517 học sinh, 60 trường THCS với 76.233 học sinh, 34 trường THPT 38.061 học sinh; 3 trung tâm giáo dục thường xuyên với 5.320 học viên.

Tỉnh Quảng Nam (cũ) tính đến tháng 6/2025, có 723 trường công lập (225 trường mầm non, 227 trường tiểu học, 217 trường trung học cơ sở và 54 trường THPT), 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và 70 trường tư thục (62 trường mầm non, 1 trường trung học phổ thông và 07 trường phổ thông có nhiều cấp học) với tổng số 12.600 lớp và 378.640 học sinh. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 29.111 người gồm 1.766 cán bộ quản lý, 22.161 giáo viên và 5.184 nhân viên.

Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cơ bản bảo đảm về số lượng và cơ cấu; số lượng giáo viên đạt chuẩn cao, thích ứng nhanh trong việc triển khai Chương trình GDPT 2018.

Các cơ sở giáo dục đã chủ động, linh hoạt, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt theo Chương trình GDPT 2018; tổ chức nhiều hoạt động dạy học, giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh; đa dạng hóa hình thức học tập, tăng cường giáo dục kĩ năng sống; có nhiều mô hình mới, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng, phát triển toàn diện học sinh.

 Học sinh các trường THPT TP Đà Nẵng tham gia cuộc thi Sáng tạo Robotics TP. Đà Nẵng lần thứ I năm 2025 do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng tổ chức.

Học sinh các trường THPT TP Đà Nẵng tham gia cuộc thi Sáng tạo Robotics TP. Đà Nẵng lần thứ I năm 2025 do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng tổ chức.

Trước khi sáp nhập, ngành GD&ĐT Quảng Nam đã rà soát, sắp xếp các trường, điểm trường, lớp học gắn với việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục đến năm học 2029-2030. Đến năm học 2029-2030 dự kiến toàn tỉnh có 726 trường mầm non, phổ thông công lập; giảm 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, tăng 1 trường THCS, 1 trường THPT, hình thành mới 1 trường tiểu học và THCS.

Ngành GD&ĐT TP Đà Nẵng (cũ) đang triển khai Đề án Xây dựng, nâng cấp và mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025. Đề án đặt mục tiêu xây dựng, nâng cấp, mở rộng mạng lưới trường học đến năm học 2025-2026 quy mô 452 đơn vị, trường học với khoảng 339.315 học sinh. Mức vốn đầu tư cho dự án ban đầu là 4.399 tỷ đồng cho 5 năm, chưa kể kinh phí đền bù giải tỏa. Giai đoạn 2021-2025, xây dựng mới 43 trường.

Để đạt được mục tiêu, đề án đề cập đến các giải pháp mở rộng mạng lưới, phát triển quy mô giáo dục và đào tạo theo hướng đa dạng hóa loại hình; sắp xếp các cơ sở giáo dục, ghép trường tiểu học, THCS nhỏ lẻ; bảo đảm diện tích đất đai cho xây dựng các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Trung tâm giáo dục đại học vùng đô thị

Trước khi sáp nhập, Đà Nẵng có 61 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; gần 20 trường đại học và cơ sở đào tạo đại học, góp phần cung ứng nhân lực cho thị trường lao động của thành phố, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Ngày 27/2/2025, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 452/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch hình thành 4 Trung tâm Giáo dục đại học lớn tại 4 vùng đô thị là Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, trong đó Trung tâm Giáo dục Đại học vùng đô thị Đà Nẵng được xây dựng dựa trên ba trụ cột là Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Duy Tân.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn dự lễ khánh thành Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia dùng chung Cơ điện tử và Ứng dụng đặt tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn dự lễ khánh thành Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia dùng chung Cơ điện tử và Ứng dụng đặt tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.

Chỉ tính riêng Đại học Đà Nẵng có gần 2.600 cán bộ, giảng viên (tăng 6 lần), trong đó có 127 GS, PGS (tăng gần 10 lần), 758 tiến sĩ khoa học (tăng hơn 16 lần); tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là 48%, trong đó Trường Đại học Bách khoa hơn 70%, bình quân chung của cả nước là 32%. Nhờ có đội ngũ giảng viên chất lượng, đến nay Đại học Đà Nẵng phát triển thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có quy mô đào tạo thuộc top đầu cả nước, khẳng định thương hiệu với gần 55.000 sinh viên, học viên chính quy, lưu học sinh (tăng 8,5 lần) với 136 ngành bậc đại học, 48 ngành thạc sĩ và 32 ngành tiến sĩ.

Đại học Đà Nẵng phát triển thành đại học quốc gia theo định hướng nghiên cứu, tập trung đào tạo tài năng, chất lượng cao và đào tạo sau đại học gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia; ưu tiên các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ và một số lĩnh vực trọng điểm khác… Dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc đang được triển khai với tổng mức đầu tư trên 117 triệu USD, tương ứng với trên 2.767 tỷ đồng.

Đại học Duy Tân là cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đầu tiên trở thành đại học. Qua nhiều năm, đơn vị hợp tác cùng các đại học hàng đầu của Mỹ để “nhập khẩu” chương trình đào tạo như: Cùng Đại học Carnegie Mellon (CMU) triển khai các chương trình chuẩn quốc tế về Công nghệ Phần mềm, Hệ thống Thông tin và An ninh Mạng; cùng Đại học Bang Pennsylvania đào tạo các chương trình Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Tài chính-Ngân hàng, Du lịch Khách sạn & Nhà hàng; cùng Đại học Bang California ở Fullerton và Cal Poly, San Luis Obispo (CSU-CalState) đào tạo ngành Kiến trúc-Xây dựng; cùng Đại học Purdue triển khai các ngành Điện-Điện tử và Cơ Điện tử. Hợp tác cùng Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đà Nẵng,… cùng hàng loạt các đại học lớn như Đại học Pittsburgh (UPitt), Đại học Illinois ở Chicago (UIC), Đại học Y khoa Duke - NUS (Singapore),… để đào tạo khối ngành đặc thù Khoa học Sức khỏe ở Đại học Duy Tân.

Mới đây, Bộ GD&ĐT có quyết định sáp nhập nguyên trạng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng vào Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng và đổi tên thành Trường Cao đẳng Đà Nẵng.

Đối với trụ sở cơ quan cấp xã sau sắp xếp, Quảng Nam dôi dư khá lớn. Dự kiến các trụ sở dôi dư sẽ chuyển đổi công năng làm trụ sở công an, ban chỉ huy quân sự, trạm y tế cấp xã, các cơ quan, đơn vị cấp thành phố, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (kể cả sử dụng làm nhà công vụ cho giáo viên khu vực miền núi), thiết chế văn hóa, thể thao khối phố, sinh hoạt cộng đồng dân cư.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xay-dung-da-nang-thanh-trung-tam-giao-duc-dao-tao-cua-khu-vuc-post738655.html