Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực
Trong bài phát biểu tại hội nghị, Ủy viên T.Ư Đảng Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: Nghị quyết 26 là một văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tư duy và tầm nhìn, định hướng chiến lược của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong chiến lược phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cũng như các địa phương trong Vùng. Nghị quyết nêu ra 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó thành phố Đà Nẵng có vai trò phát triển trở thành trung tâm của nhiều ngành, lĩnh vực của Vùng. Và nhiệm vụ rất quan trọng là xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô cấp Vùng.
Với thành phố Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, khẳng định Đà Nẵng giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, QP-AN của khu vực và cả nước, trong đó xác định mục tiêu xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm KT-XH lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin… Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho phép nghiên cứu, lập Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng Đề án và hiện đang trình Chính phủ xem xét.
Theo đó, Đề án Trung tâm tài chính Đà Nẵng được xây dựng trên cơ sở những lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng như: Có vị trí địa lý và khả năng kết nối thuận lợi; sở hữu nhiều điều kiện tốt về hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống và các nhu cầu phát triển cơ bản; được định hướng trở thành một Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, có nền tảng và lợi thế về hạ tầng đủ để hình thành một trung tâm công nghệ tài chính (fintech); có quỹ đất sạch khá lớn (6,17 ha) và có khả năng mở rộng lên thành 62 ha được quy hoạch phục vụ cho việc thiết lập khu vực tài chính với các điều kiện về vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của thành phố” – Bí thư Thành ủy nói.
Theo Bí thư Thành ủy, giai đoạn 2022 – 2023 sẽ hoàn thiện Đề án trình Chính phủ phê duyệt; báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương, định hướng, trên cơ sở đó trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Giai đoạn 2023 – 2024, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phát triển Trung tâm tài chính (bao gồm lựa chọn nhà đầu tư, quy hoạch phân khu trung tâm tài chính, quy hoạch chi tiết…); đề xuất cơ chế thành lập Hội đồng phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam để thực hiện chức năng quản lý, giám sát. Giai đoạn 2024 – 2030, phát triển cơ sở hạ tầng trung tâm tài chính bao gồm hạ tầng cứng như văn phòng, khu phức hợp… và hạ tầng mềm như hạ tầng tài chính, công nghệ thông tin…; thu hút các định chế tài chính quốc tế và công ty công nghệ có ảnh hưởng trên thế giới, triển khai dần các hoạt động của một trung tâm tài chính offshore; phát triển các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và không gian hoạt động cho fintech; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện và sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý có liên quan. Giai đoạn sau 2030, chuyển đổi mô hình Trung tâm tài chính để cung cấp các dịch vụ tài chính trong nước và một số quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, hướng đến trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực và trung tâm fintech của quốc gia vào năm 2045.
Bí thư Thành ủy cho rằng, việc cho phép phát triển mô hình trung tâm tài chính ở Việt Nam là một vấn đề rất mới, đặt ra những thách thức lớn cả về yêu cầu hoàn thiện thể chế, khung pháp lý và cả về mặt quản lý nhà nước để đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động an toàn và quản lý rủi ro trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Thời gian tới, thành phố sẽ xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Đề án theo chỉ đạo của Chính phủ; đánh giá khả năng thu hút đầu tư khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Đà Nẵng. Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại theo mô hình đô thị thông minh, đột phá là hạ tầng giao thông kết nối trong nước, quốc tế và hạ tầng chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao. Khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cảng biển Tiên Sa, xây dựng Cảng biển Liên Chiểu và các hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, tạo sự năng động về kinh tế gắn với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc gia, quốc tế… “Để sớm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 26, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm, ủng hộ chủ trương và chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét các kiến nghị của thành phố Đà Nẵng về các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo cơ sở chính trị, pháp luật cho việc xây dựng và sớm hình thành các dịch vụ tài chính chất lượng cao tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng” – Bí thư Thành ủy đề xuất.