Xây dựng Đảng trong đồng bào Khmer - yếu tố làm nên nội lực của Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh đông đồng bào Khmer sinh sống, với hơn 362.000 người, chiếm gần 31% dân số, có 52/109 xã, phường, thị trấn có đông đồng bào Khmer. Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vu Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Theo đồng chí Võ Chí Công - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng, trên cơ sở các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác dân tộc và chính sách dân tộc nói riêng, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thành các nghị quyết, chuyên đề, kết luận, kế hoạch, đề án sát hợp với công tác xây dựng Đảng trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Điển hình như tỉnh Sóc Trăng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, đề cập công tác xây dựng và phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số như: Nghị quyết về “phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030”; Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện đề án “Củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo đến năm 2020”; Nghị quyết về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”…

Cán bộ lãnh đạo dân tộc Khmer không ngừng đề cao tinh thần trách nhiệm, gần gũi, tận tâm với nhân dân (ảnh chụp trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Cán bộ lãnh đạo dân tộc Khmer không ngừng đề cao tinh thần trách nhiệm, gần gũi, tận tâm với nhân dân (ảnh chụp trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Theo đó, công tác tạo nguồn phát triển đảng viên trong vùng đông bào Khmer được quan tâm đúng mức. Nếu trước đây, nhiều ấp, khóm trên địa bàn của tỉnh ít có đảng viên là người Khmer, thì hiện nay công tác tạo nguồn phát triển đảng viên là người Khmer không chỉ đạt chỉ tiêu, mà còn nâng cao dần về chất lượng. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn tỉnh đã kết nạp được 11.895 đảng viên, trong đó có 2.248 đảng viên dân tộc Khmer. Hàng năm, tỷ lệ tổ chức đảng và đảng viên trong vùng có đông đồng bào Khmer được xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 85%. Công tác quy hoạch tạo nguồn, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ người Khmer có nhiều chuyển biến về nội dung và phương pháp, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ người Khmer trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Toàn tỉnh có gần 5.000 cán bộ, công chức, viên chức dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ gần 19% so với tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; có hơn 400 cán bộ, công chức, viên chức dân tộc Khmer giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Với tỷ lệ hơn 50% đồng bào Khmer sinh sống, Đảng bộ TX. Vĩnh Châu xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là củng cố hệ thống chính trị, đẩy mạnh phát triển đội ngũ đảng viên dân tộc Khmer, tạo nền tảng cho sự đoàn kết, thống nhất thông qua sự lãnh đạo của Đảng. Đồng chí Ngô Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Vĩnh Châu nhấn mạnh: “Thị ủy đã thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển cán bộ, đảng viên dân tộc Khmer có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất về cơ sở công tác. Nhờ đó, sự quản lý hành chính nhà nước, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cùng với công tác giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn ngày càng được nâng lên rõ rệt”.

Tỉnh Sóc Trăng phát huy vai trò đảng viên Khmer để xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đông đồng bào dân tộc (ảnh chụp trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Tỉnh Sóc Trăng phát huy vai trò đảng viên Khmer để xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đông đồng bào dân tộc (ảnh chụp trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Cũng là huyện có đông đào Khmer sinh sống, đồng chí Đặng Văn Phương - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên chia sẻ: “Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện có 4.104 đảng viên, trong đó 713 người là dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ hơn 17%, tăng gấp đôi so với nhiệm kỳ trước, đây là nỗ lực rất lớn của Đảng bộ và khẳng định sự quan tâm lãnh đạo để xây dựng hệ thống chính trị trong đồng bào dân tộc”.

Từ sự quan tâm này, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy cơ sở trong vùng đồng bào Khmer đã đáp ứng yêu cầu; khả năng nắm tình hình, vận dụng chủ trương của cấp trên vào điều kiện thực tế ngày càng nâng lên. Theo đó, tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được giữ vững, đồng bào Khmer an tâm, tin tưởng vào chủ trương, phấn đấu lao động, sản xuất nâng cao đời sống. Đối với những cán bộ, đảng viên dân tộc Khmer ưu tú, tỉnh chủ trương cơ cấu, quy hoạch, sử dụng vào những vị trí quan trọng ở các cấp chính quyền để đồng bào Khmer thấy được Đảng, Nhà nước luôn bình đẳng về mọi mặt như: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...

Theo đánh giá của đồng chí Võ Chí Công, cán bộ, đảng viên dân tộc Khmer có vai trò hết sức quan trọng, là nòng cốt đối với cấp cơ sở. Họ là những người gần dân, hiểu được phong tục, tập quán, văn hóa của dân và được dân tin tưởng nên thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là người dân tộc. Xác định tầm quan trọng này, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Tập trung thực hiện thật tốt công tác chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, người đứng đầu các địa phương, đơn vị là người dân tộc Khmer có lập trường tư tưởng vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng. Đặc biệt, Sóc Trăng đã và đang triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức, nhằm tăng cường hơn nữa sự đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xay-dung-dang/xay-dung-dang-trong-dong-bao-khmer-yeu-to-lam-nen-noi-luc-cua-soc-trang-51953.html