Xây dựng danh mục 110 dự án mời gọi đầu tư vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2024
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quy hoạch bổ sung 7 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp mới, nâng tổng số khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh lên 40 khu, với tổng diện tích gần 16.600ha để đón nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết hiện tỉnh đã xây dựng danh mục 110 dự án toàn diện trên các lĩnh vực để kêu gọi đầu tư trong ngày công bố triển khai quy hoạch tỉnh dự kiến vào cuối tháng 3 tới.
Tỉnh cũng đã quy hoạch bổ sung 7 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp mới, nâng tổng số khu công nghiệp của tỉnh lên 24 khu với tổng diện tích 16.052ha và 16 cụm công nghiệp với tổng diện tích 547ha để nghênh đón nhà đầu tư.
Hình thành 2 ngành công nghiệp mới
Sau nhiều năm gây dựng, ngành công nghiệp hóa chất-ngành công nghiệp hoàn toàn mới mẻ đã hình thành tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với 2 tổ hợp rất lớn là Nhà máy hóa dầu Long Sơn (thành phố Vũng Tàu) do Tập đoàn SCG của Thái Lan đầu tư với tổng vốn 5,1 tỷ USD đã cơ bản hoàn thành.
Quá trình vận hành thử nghiệm từ đầu tháng 12/2023 đến nay đang diễn ra an toàn. Dự kiến, cuối tháng 3/2024, nhà máy hóa dầu này sẽ chính thức vận hành thương mại.
Tổ hợp thứ 2 là Nhà máy sản xuất Polypropylene và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung tại khu vực Cái Mép-Thị Vải, thị xã Phú Mỹ trị giá 1,3 tỷ USD do Công ty trách nhiệm hữu hạn Hóa chất Hyosung Vina của Hàn Quốc đã đi vào vận hành.
Sản phẩm của 2 nhà máy này là hạt nhựa được sử dụng làm nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm ứng dụng đa dạng vào rất nhiều lĩnh vực như ôtô, dệt may, film, dụng cụ y tế, vật liệu đóng gói bao bì và dùng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Theo thiết kế, Nhà máy Hóa dầu Long Sơn có công suất 1,4 triệu tấn hạt nhựa/năm. Còn Nhà máy sản xuất Polypropylene của Hyosung có tổng công suất 650.000 tấn/năm.
Theo chủ đầu tư của 2 tổ hợp trên, trong những năm đầu, SCG sẽ dành 60% lượng sản phẩm của Nhà máy hóa dầu Long Sơn cho thị trường nước sở tại, trong khi Công ty trách nhiệm hữu hạn Hóa chất Hyosung Vina dành 300.000 tấn để tiêu thu tại Việt Nam với chất lượng, giá cả cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu hiện có.
Ngành công nghiệp thứ hai là sản xuất thiết bị cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi được nhận định là có tiềm năng vô cùng lớn trong trung và dài hạn.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hội tụ đầy đủ các điều kiện cho phát triển ngành công nghiệp này với hệ thống cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải rất thuận lợi cho xuất, nhập khẩu vật tư, hàng hóa.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị là Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro và Tổng Công ty cổ phần dịch vụ Kỹ thuật dầu khí (PTSC) với các công ty trực thuộc tại Bà Rịa-Vũng tàu có hệ thống căn cứ dịch vụ dầu khí bờ rất hoàn chỉnh, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhiều năm kinh nghiệm thiết kế, mua sắm, chế tạo, thi công các công trình biển.
PTSC cũng đã từng thực hiện hệ thống điện gió tại đảo Phú Quý vào năm 2008 và hệ thống năng lượng tái tạo tại quần đảo Trường Sa vào năm 2010.
Thời gian qua, cả 2 đơn vị trên đã xúc tiến triển khai mạnh cho hướng phát triển mới này.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đánh giá, 2 ngành công nghiệp mới trên sẽ là động lực tạo ra sức lan tỏa lớn, hình thành những hệ sinh thái với chuỗi cung ứng rộng khắp, đem lại rất nhiều công việc, nguồn thu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Chỉ riêng dự án Hóa dầu Long Sơn năm 2024 có kế hoạch sản xuất hơn 33.800 tỷ đồng, nộp ngân sách 150 triệu USD, trong khi dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung có kế hoạch sản xuất hơn 22.000 tỷ đồng.
Đã có “kim chỉ nam” hành động
Cuối tháng 12/2023, Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết, đây là kim chỉ nam để Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các định hướng phát triển chiến lược trong thời gian tới.
Theo quy hoạch, không gian phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh được tổ chức thành 4 vùng chức năng với 3 trục kinh tế động lực. Đó là vùng chức năng công nghiệp-cảng biển; vùng chức năng du lịch và đô thị biển; vùng chức năng nông nghiệp và cân bằng sinh thái; vùng biển và hải đảo.
Các trục kinh tế động lực được xác định gồm công nghiệp-Cảng biển Cái Mép-Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51.
Tỉnh tập trung phát triển hệ thống cảng biển loại đặc biệt quốc gia với chức năng cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế và định hình tại đây trung tâm logistics, khu thương mại tự do gắn với hệ thống cảng biển.
Trục kinh tế động lực công nghiệp-logistics dọc cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp-dịch vụ-đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ, các khu công nghiệp công nghệ cao, đô thị dịch vụ mới tại xã Cù Bị và Suối Nghệ (huyện Châu Đức) và khu logistics dọc đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, các trung tâm logistics cấp tỉnh tại huyện Châu Đức.
Trục kinh tế động lực du lịch ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 và đường nối vào cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu với mục tiêu phát triển hệ thống các đô thị du lịch ven biển gồm: Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu, các khu du lịch phức hợp khai thác tài nguyên biển, rừng…
Việc định rõ các vùng chức năng và trục kinh tế động lực giúp tỉnh phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, khắc phục được xung đột phát triển giữa các ngành kinh tế trụ cột, từ đó tập trung đầu tư và thu hút đầu tư 4 trụ cột kinh tế thế mạnh là công nghiệp; kinh tế hàng hải, dịch vụ logistics; du lịch và các ngành dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển hệ thống đô thị hiện đại.
Với những tín hiệu tích cực của năm 2023 như tăng trưởng liên tục tăng qua các quý và đến quý 4/2023 đạt 10,6%, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 92%, các dự án giao thông quan trọng được khởi công đúng tiến độ và nhiều dự án công nghiệp, năng lượng quy mô lớn đi vào vận hành chính thức…, đem đến cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu một tâm thế mới, tự tin hoàn thành các chỉ tiêu đề ra cho năm 2024./.