Xây dựng đạo đức y tế thời 4.0 đòi hỏi nhiều yêu cầu mới
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi khoa học - công nghệ (KHCN) phát triển càng cao, người thầy thuốc càng dễ vi phạm đạo đức; sai phạm càng khó nhận diện hơn. Xây dựng đạo đức y tế thời 4.0 đòi hỏi nhiều yêu cầu mới. Trong đó cần phải nâng cao y đức của đội ngũ thầy thuốc để tiếp tục hy sinh, cống hiến tài năng, thực hiện nhiệm vụ cao cả 'chữa bệnh, cứu người', bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Sáng ngày 26/5, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Chương trình Hội nghị thông tin khoa học “Những thành tựu y học do Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 mang lại và những thách thức về đạo đức của cán bộ y tế và công tác quản lý y tế”.
Hội nghị nhằm bổ sung kiến thức, rèn kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên y tế; hướng tới sự hài lòng của người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
Trình bày chuyên đề “Những thành tựu y học do Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 mang lại và những thách thức về đạo đức của cán bộ y tế và công tác quản lý y tế”, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương đã phân tích, làm rõ, lý giải trên cơ sở luận cứ khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm về các nội dung liên quan đạo đức y tế thời kỳ Cách mạng khoa học công nghệ 4.0; trong đó, tập trung vào các vấn đề mấu chốt chuyển đổi của y học, y tế thời nay.
Đó là người thầy thuốc không còn vai trò độc tôn trong chăm sóc sức khỏe; khoa học công nghệ tiến bộ nhanh làm thay đổi chất lượng chăm sóc sức khỏe; kinh tế thị trường đã xâm nhập vào mọi ngóc ngách ngành y tế, kể cả đạo đức y tế; y học và y tế ngày càng thể hiện mối liên quan đến an sinh xã hội; toàn cầu hóa đã trở thành xu thế tất yếu của y học và y tế.
Đồng thời, phân tích những thuận lợi và thách thức thời hội nhập; những thách thức về đạo đức y tế khi áp dụng công nghệ cao, như: Người thầy thuốc dễ trở nên ỷ lại và dựa dẫm hoàn toàn vào kỹ thuật, coi nhẹ việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dẫn đến xa lánh người bệnh; các kỹ thuật cao dễ bị lạm dụng, kinh nghiệm lâm sàng dễ bị coi nhẹ... Do đó, cần phải định kỳ thăm khám trực tiếp người bệnh; có thói quen đối chiếu kết quả xét nghiệm với lâm sàng...
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng cũng chia sẻ các vấn đề mấu chốt trong y đức như: Trách nhiệm, tận tụy, hy sinh vì sinh mạng người bệnh; không được lợi dụng việc ốm đau của người bệnh để biến thành cơ hội làm giàu bất chính cho bản thân người thầy thuốc.
Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, công nghệ càng cao thì vi phạm đạo đức y tế càng ở mức tinh vi và phức tạp; công tác quản lý y tế và giáo dục đạo đức y tế càng phức tạp, khó khăn càng trở nên quan trọng. Qua đó, ngành y tế cần tiếp tục quán triệt, phổ biến sâu rộng lời dạy của các bậc tiền bối ngành y và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức người thầy thuốc trong cán bộ, đảng viên, ngành y tế.
Nhấn mạnh tầm quan trọng, tính thời sự, cấp thiết của đạo đức y tế thời kỳ Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 hiện nay, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng: Không thể phủ nhận những lợi ích của sự phát triển khoa học kỹ thuật khi ứng dụng trong đời sống của con người và xã hội trong đó có ngành y tế. Tuy nhiên, dù khoa học công nghệ phát triển đến đâu thì nó cũng do con người tạo ra và do con người áp dụng. Vì vậy, vẫn còn đó những tồn tại nếu chúng ta không làm chủ được khoa học công nghệ thì hậu quả để lại rất lớn.
Bởi vậy, để có được cái nhìn tổng quan, có hướng đi cụ thể, cần tận dụng thành công khoa học kỹ thuật trong y học nhưng không được lơ là mà phải luôn nâng cao đạo đức y tế. Dù ở đâu, công nghệ càng cao, y đức càng phải sáng. Cần phải nâng cao y đức của đội ngũ thầy thuốc để tiếp tục hy sinh, cống hiến tài năng, thực hiện nhiệm vụ cao cả “chữa bệnh, cứu người”, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương nhấn mạnh: Thông qua sinh hoạt chuyên đề, góp phần giúp cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ thầy thuốc nhận diện rõ hơn giữa việc “nâng cao y đức” với “đấu tranh đẩy lùi tiêu cực”, giữa “cho” và “nhận”, giữa “nên” và “không nên” trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, mong muốn mỗi thầy thuốc luôn thắm đượm trong lòng tình yêu thương nhân ái và tình thần đầy trách nhiệm với bệnh nhân./.