Xây dựng đề án phát triển tôm hùm
Để phát huy tiềm năng và lợi thế, đưa lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu tôm hùm theo hướng bền vững, hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện Dự thảo Đề án 'Phát triển sản xuất, xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025'. Đề án dự kiến triển khai thực hiện ở 9 tỉnh ven biển miền Trung, gồm: Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Theo dự thảo đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng sản lượng tôm hùm nuôi đạt 3.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 14,8%. Bên cạnh đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất và xuất khẩu tôm hùm trọng điểm; vùng nuôi được kiểm soát môi trường và dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn lao động. Ngoài ra, đảm bảo 100% cơ sở nuôi tôm hùm tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản và từng bước được cơ quan quản lý địa phương cấp mã số nhận diện, giúp truy xuất được nguồn gốc sản phẩm tôm hùm.
Về hình thức nuôi, tiếp tục phát triển hình thức nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển theo hướng bền vững, được quản lý dựa vào cộng đồng và có sự giám sát của cơ quan quản lý địa phương. Đồng thời, phát triển hình thức nuôi bằng thức ăn công nghiệp trên cơ sở chủ động về con giống, thức ăn và quản lý môi trường dịch bệnh. Ngoài ra, ưu tiên nhập công nghệ, nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ về sản xuất giống, ương nuôi tôm hùm bông, tôm hùm xanh; nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm hùm thương phẩm theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp và biện pháp phòng trị bệnh trên tôm hùm. Song song với phát triển, cần nghiên cứu xây dựng các mô hình bảo vệ, tái tạo nguồn lợi tôm hùm giống ngoài tự nhiên và kỹ thuật khai thác bền vững tôm hùm giống.
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản cho biết, Khánh Hòa là một trong những địa phương có lợi thế và tiềm năng để phát triển mạnh nghề nuôi tôm hùm, với 49.400 lồng nuôi, sản lượng hàng năm hơn 1.440 tấn. Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi này đối diện với nhiều rủi ro và thách thức khi không chủ động được con giống, phải sử dụng thức ăn tươi; công nghệ nuôi theo lồng gỗ truyền thống chịu nhiều thách thức trước thiên tai; môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm; đầu ra gặp khó khăn do phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc… Việc xây dựng đề án “Phát triển sản xuất, xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025” sẽ góp phần quan trọng vào việc giải quyết các khó khăn cho nghề nuôi tôm hùm của Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung hiện nay.
BÍCH LA