Xây dựng Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên
Huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử mà còn sở hữu những dự án lớn, những công trình mang tầm thời đại.
Thủy Nguyên đã và đang nắm bắt thời cơ, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có của một vùng đất giàu bản sắc văn hóa, kinh tế, đa dạng về ngành nghề, quyết tâm hiện thực hóa đưa Thủy Nguyên trở thành thành phố trong tương lai gần.
Vùng đất của những giá trị lịch sử, văn hóa
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành nhận định: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, vùng đất Hải Phòng và dòng sông Bạch Đằng luôn giữ vai trò trọng yếu trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc.
Từ xa xưa, sông Bạch Đằng với cửa biển Nam Triệu đã là tuyến đường thủy quan trọng nhất dẫn vào kinh đô nước ta. Trên dòng sông Bạch Đằng vào các năm 938, 981, 1288, dưới sự lãnh đạo của ba vị anh hùng dân tộc là Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo, với chiến thuật trận địa cọc độc đáo, nhân dân ta đã làm nên những chiến thắng vĩ đại, đập tan cuộc xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc.
Những dấu tích phong phú về ba trận quyết chiến chiến lược đó còn lưu giữ trên khắp địa bàn thành phố Hải Phòng, đặc biệt là ở khu vực huyện Thủy Nguyên.
Tháng 10/2019, trong quá trình lao động sản xuất, người dân xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên đã phát hiện những dấu hiệu về một bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ; tiếp đó, nhân dân ở các xã lân cận cũng đã phát hiện được những dấu hiệu về một số bãi cọc mới.
Rất khẩn trương, thành phố Hải Phòng đã triển khai các biện pháp để khoanh vùng, bảo vệ và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tổ chức nghiên cứu khai quật.
Giáo sư. Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử - Khảo cổ - Dân tộc học, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng: Bãi cọc gỗ được khai quật tại xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) là một phát hiện vô cùng quan trọng để giúp chúng ta có những nhận thức mới về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần trước quân xâm lược Nguyên Mông.
Từ đó, mở ra rất nhiều hướng nghiên cứu mới, trên cả phương diện về khảo cổ học, lịch sử quân sự và kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Cùng với phát hiện bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, huyện Thủy Nguyên còn sở hữu Khu di tích Bạch Đằng Giang.
Quần thể di tích lịch sử văn hóa Tràng Kênh - Bạch Đằng nằm dưới chân núi Phượng Hoàng (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên), nhìn ra cửa sông Bạch Đằng lịch sử.
Khu di tích lưng tựa núi, chân đạp sông, mắt dõi biển Đông, thành điểm tựa tâm linh cho cả một vùng Đông Bắc.
Tràng Kênh - Bạch Đằng, một bảo tàng sống động về chiến công hiển hách của cha ông ta chống giặc ngoại xâm.
"Khu vực bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ và Khu di tích Bạch Đằng Giang mãi trở thành Khu di tích lịch sử văn hóa truyền thống trường tồn cùng dân tộc và trở thành một địa chỉ có giá trị quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hun đúc ý chí, niềm tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng cho các thế hệ hôm nay và mai sau" - Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành khẳng định.
Những dự án, công trình mang tầm thời đại
Thủy Nguyên hội đủ những dự án, công trình mang tầm thời đại và cả những khu công nghiệp lớn như VSIP, Nam Cầu Kiền... Một trong những dự án lớn đang triển khai, đó là Khu đô thị mới Bắc sông Cấm.
Theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Bắc sông Cấm đến năm 2025, Khu đô thị này có quy mô diện tích khoảng 324 ha, quy mô dân số khoảng 17.500 người, khu vực nghiên cứu quy hoạch nằm chủ yếu về phía bờ Bắc sông Cấm và một phần phía Nam sông Cấm trong khu vực địa giới hành chính các xã: Hoa Động, Tân Dương, Dương Quan (huyện Thủy Nguyên); phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) và phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền).
Dự án được quy hoạch gồm 4 khu chức năng chính theo trục Bắc - Nam và 3 khu chức năng phụ trợ. Trong đó, 4 khu chức năng chính gồm: Khu hành chính - chính trị, khu đa chức năng, khu thương mại, khu cảnh quan mặt nước và 3 khu chức năng phụ trợ khác.
Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và nằm dọc bên bờ sông Cấm, Hải Phòng - là cảng cửa ngõ của khu vực phía Bắc ra Vịnh Bắc bộ và thế giới.
Vị trí chiến lược của thành phố lớn thứ ba Việt Nam sẽ mang đến những tiềm năng to lớn cho sự phát triển khu công nghiệp và đô thị của thành phố Hải Phòng.
Chủ đầu tư của Khu công nghiệp VSIP là Công ty liên doanh Trách nhiệm hữu hạn khu công nghiệp Việt Nam Singapore. VSIP Hải Phòng hướng đến đầu tư các ngành công nghiệp sạch như công nghệ thông tin, điện tử và dược phẩm.
VSIP Hải Phòng là một trong những dự án phát triển trọng điểm của thành phố Hải Phòng với mục tiêu xây dựng một khu đô thị và công nghiệp hiện đại với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đạt tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế tại thành phố Hải Phòng; đồng thời, tạo nên một môi trường gắn kết, hiệu quả cho công việc kinh doanh của các nhà đầu tư cũng như cư dân trong khu công nghiệp và khu đô thị của dự án.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần SHINEC Phạm Hồng Điệp đã chọn Thủy Nguyên để xây dựng Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, bởi lẽ nơi này là mảnh đất lành, có nhiều lợi thế để Công ty phát triển, liên kết, kêu gọi nhiều nhà đầu tư.
Ông Phạm Hồng Điệp cho biết, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (do Công ty Cổ phần SHINEC làm chủ dự án) trải dài trên địa bàn 4 xã (Kiền Bái, Thiên Hương, Lâm Động, Hoàng Động) thuộc huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Nam Cầu Kiền là hình mẫu một khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, hài hòa với mạng lưới an sinh nông thôn. Hiện tại, giai đoạn 1 Nam Cầu Kiền đã lấp đầy diện tích và đang triển khai giai đoạn 2...
Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vừa có ý kiến đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên theo đề xuất của Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chỉ đạo việc xây dựng Đề án đúng theo quy định, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố theo Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tại Tờ trình của Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Thủy Nguyên được xác định là một trong ba hướng đột phá về không gian đô thị của thành phố Hải Phòng, là Trung tâm hành chính, chính trị thành phố, Trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, đô thị.
Những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thủy Nguyên luôn vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra và duy trì ở mức cao.
Huyện Thủy Nguyên có điều kiện tự nhiên, lợi thế về tài nguyên khoáng sản, phát triển kinh tế biển, du lịch, ngành nghề truyền thống; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống giao thông từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại.
Trên địa bàn huyện có nhiều công trình, di tích lịch sử, văn hóa là tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tâm linh như: di tích Bạch Đằng Giang (thị trấn Minh Đức), di tích bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê), bãi cọc Đầm Thượng (xã Lại Xuân)...
Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên sẽ tạo điều kiện phát huy tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện Thủy Nguyên nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung, đúng với tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng./.