Xây dựng Đề án 'Xây dựng xã hội học tập trong Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo'
Sáng 17-9, tại Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án 'Xây dựng xã hội học tập trong Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo'.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng về việc giao Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo xây dựng Đề án “Xây dựng xã hội học tập trong Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, Cục Nhà trường - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo đã chủ động xây dựng đề cương Đề án, gửi xin ý kiến các quan, đơn vị, nhà trường toàn quân.
Bố cục của Đề án gồm 7 mục: Sự cần thiết xây dựng Đề án; đối tượng, phạm vi thực hiện; quan điểm mục tiêu thực hiện Đề án; kinh phí thực hiện Đề án; tổ chức thực hiện; tác động của đề án và những kiến nghị đề xuất.
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, Đề án cần được xây dựng bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, đúng mục đích, phù hợp, linh hoạt, sáng tạo với điều kiện thực tế của các cơ quan, đơn vị, nhà trường Quân đội.
Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập; hoàn thiện hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng xã hội học tập trong Quân đội; đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; tổ chức các phong trào, cuộc vận động để thúc đẩy học tập suốt đời bảo đảm mỗi cán bộ, chiến sĩ đều có năng lực tự học, có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, năng lực kết nối xây dựng các mối quan hệ xã hội, đáp ứng yêu cầu công việc và đời sống.
Kết luận hội nghị, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh khẳng định, Đề án “Xây dựng xã hội học tập trong Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo” gồm rất nhiều nội dung liên quan đến nhiều đối tượng, cần triển khai nhiều công việc.
Để công tác xây dựng Đề án bảo đảm tiến độ, chất lượng, đi vào cuộc sống, đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng đề nghị cơ quan, đơn vị trên cơ sở chức năng nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nội dung của Đề án; tham gia ý kiến có chất lượng vào dự thảo Đề án và các văn bản liên quan.
Cục Nhà trường chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, nhà trường xây dựng kế hoạch khảo sát, thu thập số liệu; nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh bản thảo Đề án và hồ sơ liên quan để báo cáo, đề xuất Trưởng ban Chỉ đạo tổ chức hội nghị, hội thảo theo kế hoạch.