Xây dựng 'địa chỉ đỏ' khu di tích thành lập Tỉnh đội Bộ Dân quân Hòa Bình

Thời gian qua, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để UBND tỉnh công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh địa điểm thành lập Tỉnh đội Bộ Dân quân Hòa Bình tại xóm Khị, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn). Đây không chỉ là mong muốn của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ (CBCS) lực lượng vũ trang (LLVT) mà cũng là mong muốn của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương.

Thời gian qua, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để UBND tỉnh công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh địa điểm thành lập Tỉnh đội Bộ Dân quân Hòa Bình tại xóm Khị, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn). Đây không chỉ là mong muốn của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ (CBCS) lực lượng vũ trang (LLVT) mà cũng là mong muốn của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương.

Lực lượng vũ trang xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) tham gia cải tạo, xây dựng các công trình để chuẩn bị khởi công xây dựng nhà bia khu di tích thành lập Tỉnh đội Bộ Dân quân Hòa Bình tại xóm Khị.

Lực lượng vũ trang xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) tham gia cải tạo, xây dựng các công trình để chuẩn bị khởi công xây dựng nhà bia khu di tích thành lập Tỉnh đội Bộ Dân quân Hòa Bình tại xóm Khị.

Theo Đại tá Triệu Kim Thắng, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, sau nhiều cố gắng, nỗ lực, Bộ CHQS tỉnh đã xác định "ngày sinh” của LLVT tỉnh là ngày 16/8/1947. Tiếp sau đó, với mong muốn tìm được "nơi sinh”, các thế hệ CBCS LLVT tỉnh đã phối hợp Bảo tàng tỉnh, Hội Sử học tỉnh... tìm hiểu, rà soát, tra cứu thông tin trong nhiều tài liệu lịch sử được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III; gặp gỡ nhân chứng và tìm hiểu tư liệu lưu trữ tại địa phương đã xác định được địa điểm thành lập Tỉnh đội Bộ Dân quân Hòa Bình tại xóm Khị, xã Nhân Nghĩa. Đây là những cơ sở, căn cứ lịch sử có giá trị để lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh; xây dựng khu di tích trở thành "địa chỉ đỏ" trong công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ CBCS LLVT, thế hệ trẻ và nhân dân địa phương.

Theo đó, ngay sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Ban Tỉnh ủy Hòa Bình đã họp và đưa ra nhận định: phong trào cách mạng của tỉnh sau hơn 1 năm xây dựng, củng cố có nhiều tiến bộ, song vẫn chưa vững mạnh... Ban Tỉnh ủy đã tiến hành khẩn trương, tập trung củng cố, nâng cao sức chiến đấu của tiểu đoàn Vệ quốc quân, tăng cường xây dựng lực lượng dân quân, du kích các huyện, xã và của tỉnh. Từ tháng 3 - 8/1947, cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân chiến đấu chống địch đánh chiếm địa bàn, xây dựng cơ quan kháng chiến ở địa phương, Ban Tỉnh ủy tích cực chỉ đạo xây dựng cơ quan chỉ huy kháng chiến ở địa phương theo sự chỉ đạo của Trung ương. Trong đó có nghị định, thông tư của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Chiến khu 2 về việc thành lập Tỉnh đội Bộ Dân quân Hòa Bình. Tháng 8/1947, đồng chí Lê Đông, Bí thư Ban Tỉnh ủy chủ trì hội nghị Tỉnh ủy tại Vụ Bản. Hội nghị vinh dự được đồng chí Đỗ Mười về dự và chỉ đạo. Tại hội nghị, ngoài việc kiểm điểm tình hình hoạt động của các ngành, địa phương, phong trào dân quân du kích trong tỉnh còn quán triệt, đề ra các biện pháp thực hiện chủ trương thành lập Tỉnh đội Bộ Dân quân Hòa Bình.

Sau hội nghị, ngày 16/8/1947, Tỉnh đội Bộ Dân quân Hòa Bình được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ủy Ban quân sự và Ban Dân quân thuộc Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh; là cơ quan quân sự trực thuộc Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Tỉnh ủy, chịu sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Chiến khu 2. Khi mới thành lập, Tỉnh đội Bộ Dân quân Hòa Bình do đồng chí Vũ Hoàng Diệp giữ chức Tỉnh đội trưởng, đồng chí Lê Thi giữ chức Chính trị viên.

Nói về ý nghĩa quan trọng của việc thành lập Tỉnh đội Bộ Dân quân Hòa Bình, đồng chí Lê Văn Bàng, Chủ tịch Hội Sử học tỉnh nhấn mạnh: Nếu không có một đội quân chính quy, cách mạng thì ta sẽ không có những nhân tố tích cực trong việc lãnh đạo LLVT và nhân dân tham gia kháng chiến đánh giặc giữ làng, giữ đất, bảo vệ dân. Việc thành lập Tỉnh đội Bộ Dân quân Hòa Bình đã mở ra một chương mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng; tạo đà lớn mạnh cho LLVT tỉnh..., từ đó làm nên những trận đánh làm cho quân Pháp kinh hồn bạt vía ở Hòa Bình. Do vậy, việc xây dựng và công nhận nơi thành lập Tỉnh đội Bộ Dân quân Hòa Bình có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó không chỉ là "địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho các thế hệ CBCS LLVT tỉnh mà còn là nơi dung dưỡng, hun đúc lòng yêu nước, tự hào với truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương.

Đại tá Triệu Kim Thắng, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết, việc xây dựng địa điểm thành lập Tỉnh đội Bộ Dân quân Hòa Bình tại xóm Khị, xã Nhân Nghĩa và đề nghị UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh không chỉ là hành động tri ân các thế hệ cha anh đã có công trong xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT tỉnh qua các thời kỳ nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập LLVT tỉnh (1947 - 2024), 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), mà còn là "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho LLVT và thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, truyền thống quân đội và quê hương. Từ đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi CBCS khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Với tinh thần đó, Bộ CHQS tỉnh đang cố gắng, nỗ lực hết sức để công trình có thể hoàn thành và được cấp bằng công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh trong dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/192634/xay-dung-dia-chi-do-khu-di-tich-thanh-lap-tinh-doi-bo-dan-quan-hoa-binh.htm