Xây dựng diễn đàn chia sẻ mô hình HTX thích ứng với biến đổi khí hậu
Đây là một trong bốn mục tiêu quan trọng của Đề án 'Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2025' tại quyết định 854/QĐ-TTg ngày 19/7/2022.
Ngày 6/4, tại TP Cần Thơ, Cục Kinh tế Hợp tác và phát triển nông thôn (KTHT&PTNT), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh, Cục Trưởng Cục KTHT&PTNT cho biết: Diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ nâng cao năng lực HTX nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL giai đoạn 20022 – 2025.
Đồng thời, thảo luận, thống nhất đến các địa phương, các doanh nghiệp, HTX và đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ tham gia thực hiện tốt các mục tiêu đề ra tại Đề án “Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2025" tại quyết định 854/QĐ-TTg ngày 19/7/2022.
Theo ông Nguyễn Tiến Định – Trưởng Phòng Kinh tế Hợp tác (Cục KTHT&PTNT), mục tiêu chung của đề án trên là nâng cao năng lực chủ động áp dụng các biện pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại nhằm phát triển bền vững các hợp tác xã nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Cụ thể, phấn đấu 100% hợp tác xã nông nghiệp vùng ĐBSCL được tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; mỗi tỉnh có từ 3 - 5 mô hình hợp tác xã nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp trong vùng áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; hình thành các diễn đàn chia sẻ về các mô hình thích ứng hiệu quả biến đổi khí hậu.
"Sau gần 9 tháng triển khai đề án, Cục KTHT&PTNT đã tổ chức đã hội nghị giới thiệu về đề án; phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL rà soát, xác định 134 HTX nông nghiệp tại ĐBSCL được dự án VnSAT hỗ trợ; 267 HTX, tổ hợp tác thuộc 6 tỉnh trong dự án thủy lợi Cái Lớn Cái Bé, để ưu tiên hỗ trợ xây dựng những mô hình điển hình thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, tổ chức diễn đàn thích ứng biến đổi khí hậu, đây sẽ là hoạt động thường niên của kế hoạch; phối hợp với các tổ chức quốc tế như GIZ xây dựng tài liệu hướng dẫn HTX áp dụng biện pháp canh tác giảm rác thải nhà kính; triển khai lớp học dữ liệu điện tử nông nghiệp…", ông Nguyễn Tiến Định cho biết thêm.
Chia sẻ về mô hình lúa điển hình thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Đỗ Văn Luông – Giám đốc HTX Kinh 5A (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) cho biết: Vụ Đông Xuân 2022-2023, HTX được Dự án “Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh hỗ trợ đầu tư mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP thích ứng với biến đổi khí hậu”, với diện tích là 39,5 ha của 10 hộ là thành viên HTX.
Kết thúc vụ sản xuất, tổng kết chi phí đầu tư thấp hơn so với diện tích canh tác truyền thống là 3,3 triệu đồng/ha. Năng suất thu được là 8.870kg/ha tăng 270 kg/ha so với canh tác truyền thống, từ đó lợi nhuận tăng 5 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Đồng thời, khi sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn SRP, sản xuất lúa của HTX, giảm 40-54% lượng phân bón vô cơ; giảm 50% số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
“Hướng tới, HTX sẽ tuyên truyền, vận động tất cả các thành viên HTX cùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP nhằm giảm chi phí, bán được giá cao, tăng thu nhập nâng cao đời sống cho các thành viên trong HTX.”, Giám đốc HTX Kênh 5A nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, các diễn giả đã giới thiệu và kết quả triển khai một số dự án hiệu quả, giúp các HTX nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu như Dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh – GIC, Phát triển bền vững của Hợp tác xã lúa gạo ĐBSCL và Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về kinh nghiệm, nhu cầu đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ phát triển HTX.