Xây dựng Đô thị Bắc Giang thành thành phố 'Xanh và Thông minh'

Theo Đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang, xây dựng Đô thị Bắc Giang trở thành thành phố 'Xanh và Thông minh' với các trung tâm chuyên ngành cấp vùng và quốc gia, hỗ trợ phát triển liên vùng.

Một góc thành phố Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Một góc thành phố Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Mới đây, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Giang vừa có Nghị quyết thông qua Đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, đến năm 2045, với tỷ lệ 1/10.000.

Mục tiêu của Đồ án Quy hoạch là xây dựng và phát triển đô thị Bắc Giang trở thành một đô thị trung tâm, cửa ngõ quan trọng phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2030, phấn đấu xây dựng đô thị Bắc Giang trở thành đô thị loại I (sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Yên Dũng vào thành phố Bắc Giang).

Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng hiện hữu (Đô thị Bắc Giang) với ranh giới cụ thể như sau: phía Đông giáp huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang và thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương; phía Tây giáp huyện Việt Yên; phía Nam giáp huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (Sông Cầu); và phía Bắc giáp huyện Lạng Giang và huyện Tân Yên.

Theo Đồ án Quy hoạch, thành phố Bắc Giang gồm 16 phường, xã (10 phường và 6 xã). Huyện Yên Dũng gồm 2 thị trấn và 16 xã với diện tích quy hoạch khoảng 25.830ha; trong đó, thành phố Bắc Giang là 6.656ha; huyện Yên Dũng 19.174ha. Đến năm 2030, dân số đô thị Bắc Giang khoảng 472.000 người; năm 2045 là khoảng 666.000 người.

Nhằm cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan để xây dựng và phát triển đô thị Bắc Giang trở thành một đô thị trung tâm, cửa ngõ quan trọng phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội.

Là đô thị trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận-trung chuyển hàng hóa của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng với Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn); đầu mối kinh doanh-thương mại quan trọng của Vùng với các tỉnh Đông Bắc của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Xây dựng Đô thị Bắc Giang trở thành một thành phố “Xanh và Thông minh” với các trung tâm chuyên ngành cấp vùng và quốc gia, hỗ trợ phát triển liên vùng; là trung tâm hành chính-chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, du lịch và giáo dục để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, một đô thị có môi trường sống tốt, gắn với cảnh quan thiên nhiên và được liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông công cộng..

Phát triển 3 trung tâm đô thị hiện hữu (thành phố Bắc Giang, thị trấn Nham Biền, thị trấn Tân An) và tạo ra bản sắc riêng biệt của từng khu vực; cấu trúc đô thị dựa vào các yếu tố tự nhiên là lấy núi Nham Biền và dòng sông Thương làm trung tâm và tác động ngược trở lại sự phát triển đô thị; kết hợp vùng thoát lũ dọc theo hai bên bờ sông và vùng sản xuất nông nghiệp nhằm ứng phó với nguy cơ xảy ra lũ lụt và duy trì các sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Thi công cầu vượt sông Thương, thuộc dự án đường nối từ Quốc lộ 37-Quốc lộ 17-Đường tỉnh 292. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Thi công cầu vượt sông Thương, thuộc dự án đường nối từ Quốc lộ 37-Quốc lộ 17-Đường tỉnh 292. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Thành phố Bắc Giang là đô thị trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ xuất, nhập khẩu, trung tâm tiếp vận-trung chuyển hàng hóa của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn); đầu mối kinh doanh, thương mại quan trọng của Vùng với các tỉnh Đông Bắc của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Tỉnh khai thác tối đa không gian cảnh quan hai bên bờ sông Thương và núi Nham Biền hình thành nên đô thị xanh và hấp dẫn, kết hợp phát triển mở rộng đô thị, cải tạo chỉnh trang các khu vực đô thị, làng xóm hiện trạng; phát triển các trung tâm cấp vùng về đổi mới sáng tạo, dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục, công nghiệp công nghệ cao tại thành phố Bắc Giang chia sẻ, hỗ trợ chức năng về kinh tế, văn hóa với Thủ đô Hà Nội và kết nối phát triển với các địa phương trong vùng Đông Bắc Bộ.

Từ năm 2021 đến nay, thành phố Bắc Giang đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bảo đảm kết nối giữa các khu đô thị, khu dân cư, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Một số công trình tạo điểm nhấn nổi bật như cầu vượt đường Hùng Vương; cầu Á Lữ; cầu vượt đường cao tốc Bắc Giang-Hà Nội kết nối với khu đô thị phía Tây Nam và Trung tâm Logistics quốc tế, cảng Đồng Sơn; cầu vượt đường Xương Giang nối đường vành đai Đông Bắc thành phố; đường trục chính Khu đô thị Tây Nam (đoạn từ đường Thân Nhân Trung đến Quốc lộ 1A); đường nối từ Quốc lộ 31 đến đường Trường Chinh và đường nối lên đường Nguyễn Văn Linh, đường Lê Duẩn...

Thành phố Bắc Giang đã thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới đồng bộ về hạ tầng để mở rộng không gian đô thị, tạo quỹ đất ở. Thành phố đang triển khai 110 dự án khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư mới với tổng quy mô diện tích khoảng 1.600ha; huy động vốn phát triển toàn xã hội năm 2021 và 2022 trên địa bàn đạt khoảng 50.000 tỷ đồng.

Dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty TNHH Hana Micron Vina, 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, tại khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty TNHH Hana Micron Vina, 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, tại khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Địa phương đã thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước quan tâm, nghiên cứu đầu tư các dự án, công trình như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Văn Phú, Tập đoàn APEC, Tập đoàn FPT...

Bí thư Thành ủy Bắc Giang Vũ Trí Hải cho biết với mục tiêu xây dựng thành phố Bắc Giang phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh-thông minh, được công nhận là đô thị loại I trước năm 2030, bên cạnh hoàn thành Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang đến năm 2045, thời gian tới, thành phố tập trung hoàn thành Chương trình phát triển đô thị thành phố Bắc Giang đến năm 2045.

Địa phương hoàn thành Đề án sáp nhập địa giới hành chính và báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực dự kiến thành lập các phường thuộc thành phố Bắc Giang sau mở rộng; quy chế quản lý kiến trúc đô thị Bắc Giang.

Thành phố sẽ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử; đô thị thông minh... để hình thành không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp, đồng bộ, hiện đại…

Hiện nay, thành phố Bắc Giang đã nâng tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu (đối với diện tích thành phố hiện hữu) đạt 100%; tỷ lệ phủ kín Quy hoạch chi tiết toàn thành phố đạt trên 80%./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/xay-dung-do-thi-bac-giang-thanh-thanh-pho-xanh-va-thong-minh/895819.vnp