Xây dựng đô thị thích ứng biến đổi khí hậu
Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 đã xây dựng, ban hành Chương trình số 05 về đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu. Mục tiêu của Chương trình nhằm xây dựng Hà Nội thành đô thị thích ứng biến đổi khí hậu, tiến tới xây dựng thành phố xanh, hiện đại.
Bài 1: Phát triển không gian đô thị xanh
Nguyên tắc ưu tiên bảo tồn không gian xanh, kiểm soát mật độ sử dụng đất và hệ thống giao thông được thể hiện trong các quy hoạch không gian, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… của thành phố nhằm giảm tác động tiêu cực, đồng thời thích ứng biến đổi khí hậu.
Ngay sau khi công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, những mảnh ghép cuối cùng quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn Thủ đô, giữa tháng 4/2022, thành phố Hà Nội tiếp tục công bố đồ án quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm và quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ.
Thiết lập hành lang xanh
Không gian đồ án quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thuộc địa giới 20 quận, huyện, với các nội dung quy hoạch giao thông, bãi đỗ xe, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công trình công cộng ngầm; còn đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ có phạm vi nghiên cứu là toàn bộ địa giới hành chính thành phố với mục tiêu đáp ứng nhu cầu đi lại, dừng đỗ xe, giảm ùn tắc giao thông, bảo đảm đô thị phát triển bền vững với hạ tầng giao thông vận tải.
Trước đó, tháng 3/2021, thành phố Hà Nội phê duyệt sáu đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, bao trùm địa giới hành chính bốn quận lõi gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Sáu quy hoạch có định hướng chính là bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, trường đại học, trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô; cải tạo các không gian hiện có; cải tạo, tái thiết các khu chung cư cũ; phát triển giao thông công cộng, đường sắt đô thị; bảo tồn di tích; hình thành hành lang xanh, không gian công cộng dọc theo sông Hồng; phát triển các trục chính đô thị, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan khu trung tâm.
Các chuyên gia quy hoạch đô thị nhận định, thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, thời gian qua thành phố đã chú trọng phát triển và bảo tồn không gian xanh, mặt nước, rừng tự nhiên, vùng sản xuất nông nghiệp… trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan, bảo đảm môi trường sống đô thị. Những nội dung này đã được lồng ghép, cụ thể hóa trong từng quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành về hạ tầng kỹ thuật, như quy hoạch cấp nước, thoát nước, hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ ao, mặt nước…
Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã đề ra chiến lược khống chế phát triển đô thị tự phát bằng giải pháp thiết lập hành lang xanh, tập trung chủ yếu từ vành đai 4 tới khu vực sông Đáy, sông Tích, chiếm tỷ lệ 70% tổng diện tích đất tự nhiên. Sau hơn 10 năm triển khai quy hoạch, hành lang xanh có vai trò quan trọng và mang lại nhiều lợi ích, bảo đảm sự phát triển cân bằng với bảo tồn các tài nguyên sinh thái; đồng thời giúp Hà Nội dần thích ứng những thách thức của biến đổi khí hậu.
Để phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch, trong đó xác định bốn chương trình cụ thể, gồm xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro đô thị; bổ sung lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị; phối hợp các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình, dự án thí điểm ứng dụng công nghệ, vật liệu mới nhằm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, kiến trúc xanh thích ứng biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và thực hiện kế hoạch quốc gia thích ứng biến đổi khí hậu.
Tăng diện tích vườn hoa, cây xanh
Mặc dù số lượng cây xanh đã tăng đáng kể, nhất là sau thành công của chương trình trồng một triệu cây xanh từ năm 2016 đến 2020, nhưng tại một số quận, tỷ lệ cây xanh đô thị/ đầu người còn đạt thấp, chưa đến 2m2/người. Một số địa bàn như quận Đống Đa, có những khu dân cư tới hàng chục nghìn người nhưng không có vườn hoa, các tuyến đường nhỏ hẹp, không thể trồng được cây xanh.
Do đó, Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, bên cạnh các mục tiêu phát triển đô thị, cũng đặt ra yêu cầu phát triển đô thị xanh, thông qua cải tạo, xây mới công viên, vườn hoa, trồng cây xanh đô thị. Triển khai nhiệm vụ này, năm 2021, thành phố đã trồng mới 162.053 cây xanh đô thị.
Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trồng mới từ 200 đến 250 nghìn cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường giao thông đô thị thành phố; 200 nghìn cây ăn quả… Thành phố đã có kế hoạch từ nay đến năm 2025 sẽ nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa; xây dựng sáu công viên mới.
Do thiếu quỹ đất cho nên việc xây dựng thêm các công viên ở các quận trung tâm rất khó khăn, thành phố đã phát triển thêm diện tích cây xanh bằng việc huy động các đoàn thể chính trị-xã hội, nhất là Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xây dựng các vườn hoa trong khu dân cư. Những năm gần đây, thành phố đã có thêm hàng nghìn “vườn hoa mini” tại các khu dân cư, góp phần cải tạo cảnh quan, tăng không gian xanh. Điển hình như Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông, chỉ trong đầu năm 2022 đã cho ra đời hơn 10 vườn hoa; quận Đống Đa cũng phát triển thêm hàng trăm cây xanh ở dọc các tuyến phố Xã Đàn, Khâm Thiên từ nỗ lực của cộng đồng.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, Lê Thị Kim Anh cho biết: “Năm 2022, Hội Phụ nữ tổ chức cuộc thi “Đoạn đường, tuyến phố bích họa, nở hoa kiểu mẫu” nhằm góp thêm những công trình, phần việc có ý nghĩa. Chiều dài của các đoạn đường, tuyến phố tham gia dự thi từ 500m trở lên. Cuộc thi được triển khai ở tất cả các quận, huyện, mỗi đơn vị có ít nhất từ bốn đến năm công trình”. Tại các quận: Long Biên, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, các huyện Gia Lâm, Đan Phượng, Chương Mỹ…, phong trào xây dựng những “vườn hoa mini” càng phát triển mạnh mẽ. Phong trào xây dựng vườn hoa đang tạo nên “màu xanh ý thức” trong cộng đồng, góp phần bổ trợ cho hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh mà phía chính quyền phụ trách.
(Còn nữa)