Xây dựng đô thị xanh
Chú trọng mảng xanh ở đô thị có thể coi là tiền đề để xây dựng một đô thị thông minh - đô thị xanh. Điều đặc biệt có ý nghĩa đối với TP HCM
Mảng xanh ở đô thị (các loại cây, hoa cùng hệ sinh thái gắn liền với nó) có tác dụng tích cực đến môi trường, không chỉ góp phần làm trong lành không khí, tạo ra cảnh quan đô thị đẹp mắt, mà còn giúp con người giảm bớt căng thẳng.
Phát triển mảng xanh - tiêu chí hàng đầu
Việc chú trọng mảng xanh ở đô thị có thể coi là tiền đề để xây dựng một đô thị xanh, điều đặc biệt có ý nghĩa đối với TP HCM. Bởi về mặt lịch sử, TP đã được người Pháp để lại mảng xanh khá đa dạng, được duy trì và cải tạo qua nhiều năm với nhiều nét đặc trưng. Vì vậy, trong việc xây dựng mảng xanh đô thị ở TP HCM, TP nên sớm có quy hoạch, thực hiện quy hoạch và tổ chức quản lý các mảng xanh ở TP để giữ lại mảng xanh hiện hữu; đồng thời có kế hoạch xây dựng các mảng xanh mới, nhất là ở các khu vực đang đô thị hóa, các khu dân cư đang được xây dựng. Tính toán tăng diện tích mảng xanh (chứ không phải chỉ diện tích có cây xanh) bình quân đầu người theo một lộ trình phù hợp và nên xem đây là một chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển của TP nói chung và các địa phương nói riêng. Đặc biệt, với các khu đô thị sẽ hình thành ở khu vực vùng ven, ngoại thành, cần chú ý đến yếu tố "vườn đô thị" với sự tích hợp các mảng xanh và hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch phục vụ tại chỗ.
Phải đặt yêu cầu phát triển đô thị xanh là tiêu chí hàng đầu trong các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp khi thực hiện xây dựng các khu công nghiệp, các dự án bất động sản, khu chung cư, nhà máy, xí nghiệp… TP cần có quy định về tỉ lệ diện tích cho mảng xanh tối thiểu đối với từng loại hình và bắt buộc chủ đầu tư phải thực hiện nếu muốn được giao đất. Đồng thời, đặt ra trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, phát triển mảng xanh trong điều kiện cụ thể nhưng phải theo một tiêu chuẩn nhất định. Điều này nhằm khắc phục tình trạng các chủ đầu tư sau khi xin được dự án đã tận dụng triệt để diện tích mà cắt giảm mảng xanh tối đa, khiến không gian sống và làm việc trở nên ngột ngạt.
Người dân cùng chung tay, góp sức
Để tạo nên nhận thức đúng đắn cho cư dân TP từ khi còn nhỏ tuổi, cần thực hiện công tác giáo dục tình yêu và bảo vệ mảng xanh cho học sinh một cách tích cực, thiết thực và phù hợp. Gắn điều này với công tác giáo dục bảo vệ môi trường nói chung, tức là phải chú trọng cả việc giữ gìn vệ sinh, chống xả rác bừa bãi, giữ cho sạch nguồn nước, nguồn không khí…, với việc tăng cường tạo mảng xanh cho đô thị. Đi đôi với công tác giáo dục là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bằng các quy định có tính giáo dục và răn đe cao, cũng như có các hình thức biểu dương phù hợp với những tổ chức, cá nhân có cách làm hay, thiết thực, hiệu quả.
Phải xem việc phát triển mảng xanh là vì môi trường, cộng đồng và người dân, vì vậy đừng để người dân đứng bên ngoài việc làm tích cực này. Cần mạnh mẽ tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc phát triển mảng xanh trên các địa bàn dân cư để người dân cùng chung tay góp sức trong điều kiện của mình. Ví dụ một nhóm gia đình cùng chăm sóc một mảng xanh, thay phiên quét dọn, giữ gìn vệ sinh nơi mình sống… Trong quy ước xây dựng đời sống văn minh, cần có các quy ước về giữ gìn, phát triển mảng xanh trong cộng đồng; gắn trách nhiệm của từng cá nhân, từng hộ gia đình trong việc này bởi có thêm mảng xanh thì chính họ được hưởng lợi trước tiên.
Thực tế, các phong trào như "Tết trồng cây", "Đổi rác lấy cây xanh", "Cuộc thi môi trường xanh"…, các ngành, các cấp, các địa phương đã trồng được nhiều cây xanh nhưng việc duy trì, phát huy còn hạn chế. Do đó, cần thực hiện các phong trào này một cách rộng rãi tại cộng đồng dân cư, cơ quan, công sở, trường học… Chẳng hạn, ở mỗi con đường, mỗi góc phố có thêm một gốc cây xanh, những bồn hoa, trảng cỏ hay một góc nhỏ công viên… Thêm một diện tích mảng xanh đều có ý nghĩa thiết thực đối với môi trường và chắc chắn có tác động đến tâm lý, nhận thức, tình cảm của người dân đối với cây xanh nói riêng và môi trường sống nói chung, từ đó thúc đẩy mọi người ra sức gìn giữ, tôn tạo mảng xanh của TP tích cực hơn.
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 kéo dài đến ngày 31-5-2021, tập trung vào 3 chủ đề chính: "Đô thị thông minh", "Khởi nghiệp - thương hiệu của TP HCM", "Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM".
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ e-mail: bandoc@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà); hoặc gửi trực tiếp Tòa soạn Báo Người Lao Động, 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
Tổng giải thưởng cho cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 là 120 triệu đồng, bao gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích - mỗi giải 10 triệu đồng.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/xay-dung-do-thi-xanh-20200922215625086.htm