Xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm

BPO - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo xây dựng, đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng. Vậy nhưng hiện nay, câu chuyện cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, “nằm im chờ thời” đang diễn ra ở không ít địa phương, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước và xã hộ.

Bài 1:
ĐƯỜNG LỐI NHẤT QUÁN
VÀ ĐÚNG ĐẮN

Đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan và cũng là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, chủ nghĩa xã hội là gì và đi lên chủ nghĩa xã hội theo cách nào vẫn luôn là vấn đề mà chúng ta cần nghiên cứu, hoàn thiện. Bàn về vấn đề này, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra nhiệm vụ: “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp lâu dài, khó khăn và phức tạp. Mặt khác, tiến trình vận động của đời sống xã hội luôn luôn thay đổi. Thực tiễn này đòi hỏi quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần có một đội ngũ cán bộ thực sự có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của toàn dân tộc.

Đường lối nhất quán

Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn khuyến khích và ủng hộ cán bộ năng động, sáng tạo, phấn đấu vì lợi ích chung. Đây là đường lối nhất quán, được ghi nhận trong nhiều văn kiện của Đảng.

Ngay từ Đại hội đại biểu lần thứ nhất, Đảng Cộng sản Đông Dương đã nêu rõ: “Đảng Đại hội cho rằng sự khôi phục hệ thống của Đảng là kết quả công tác có sáng kiến của các đảng bộ và các chiến sĩ hạ cấp…”. Hay như tại Đại hội IV, Đảng yêu cầu: “Cán bộ nhà nước phải có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ giỏi, có sáng kiến, có năng lực tổ chức thực tiễn, đồng thời phải nhiệt tình, tận tụy, hy sinh, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức kỷ luật, liên hệ mật thiết với quần chúng”. Đến Đại hội VI (Đại hội đổi mới), để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước, Đảng đặt ra nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ “có phẩm chất và năng lực phù hợp”, “luôn luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, thông suốt và chấp hành nghiêm đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, ham học hỏi, năng động, sáng tạo, có kiến thức quản lý kinh tế, xã hội, có tính tổ chức và kỷ luật cao”. Vừa qua, Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Với một vài nét phác họa nêu trên, đủ để thấy tinh thần sáng tạo, đổi mới vì lợi ích của dân tộc luôn là phẩm chất quan trọng mà mọi cán bộ đều phải có.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài Hà Anh Dũng dự sinh hoạt định kỳ với Chi bộ khu phố Phú Cường, phường Tân Phú, trực tiếp đối diện và giải quyết các vấn đề ở cơ sở - Ảnh: Đức Hiển

Sự quan tâm của Đảng đối với công tác cán bộ còn được thể hiện ở việc Đảng đã ban hành riêng nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Bước vào thời kỳ đổi mới, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII thống nhất thông qua Nghị quyết số 03-NQ/HNTW ngày 18-6-1997 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh. Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện, đội ngũ cán bộ ở nước ta đã từng bước trưởng thành và phát triển. Ngày 19-5-2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Quan điểm của Đảng là: “Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”.

Kết luận số 14: Bước tạo đà quan trọng

Ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung (gọi tắt là Kết luận số 14). Đây là dấu mốc quan trọng và cũng là cú huých lớn cho cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Kết luận số 14 nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Về mặt chủ trương, Kết luận số 14 khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách và tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn. Với những đề xuất đổi mới mang lại hiệu quả sẽ được xem xét, nghiên cứu để thể chế hóa thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp đó. Dĩ nhiên, đổi mới, sáng tạo cũng có những “lằn răn đỏ” nhất định, không phải việc làm nào, công việc nào… cũng phải đổi mới, khi thấy không cần thiết. Đổi mới, sáng tạo có sự phân biệt rạch ròi với làm bừa, làm ẩu. Bộ Chính trị yêu cầu đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng.

Trong việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị là vô cùng quan trọng. Nếu quá chủ quan, nóng vội sẽ rất dễ dẫn đến sai lầm, không mang lại hiệu quả, thậm chí là gây ra thiệt hại khi thực hiện các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Ngược lại, với những nơi quá e dè, thận trọng thái quá cũng rất khó để cán bộ dám “vượt rào”, tạo điểm nghẽn cho phát triển. Bởi vậy, bước đầu tiên trong khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là từng cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải có nhận thức sâu sắc, toàn diện và thực sự quyết tâm, dũng cảm trong việc thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ.

Trước khi Kết luận số 14 được ban hành, vấn đề bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm không ít lần được Đảng ta đề cập trong các văn kiện. Tuy nhiên, khi nào thì cán bộ được bảo vệ, bảo vệ như thế nào, ai là người bảo vệ thì chưa quy định một cách cụ thể. Đến khi Kết luận số 14 ra đời, những trăn trở này mới dần có những lời hồi đáp. Theo đó, với những ý tưởng đổi mới, sáng tạo đã báo cáo và được cấp có thẩm quyền đồng ý cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, khi kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp. Nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Để khích lệ cán bộ hăng hái trong đổi mới, sáng tạo, Kết luận số 14 khẳng định sẽ biểu dương, khen thưởng xứng đáng và ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao. Ngược lại, đổi mới, sáng tạo cũng được “nhốt” trong “lồng cơ chế”, với những trường hợp lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Đường lối đã thống nhất, chủ trương đã rõ ràng. Tuy nhiên, Kết luận số 14 chỉ là bước tạo đà, điểm tựa chính trị quan trọng. Một nhiệm vụ cần làm tiếp theo là phải nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa thành các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ có như vậy, sức sáng tạo của cán bộ mới thực sự được “giải phóng”, mỗi cán bộ mới “dám” đổi mới, sáng tạo.

Trần Tú - Hoàng Thu

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/144278/xay-dung-doi-ngu-can-bo-dam-nghi-dam-lam-bai-1