Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, phẩm chất đạo đức để hoàn thành tốt nhiệm vụ

Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, phẩm chất đạo đức để đáp ứng tốt nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác này. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn đồng chí PHAN VĂN PHỤNG, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy xung quanh nội dung này.

- Thưa đồng chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” nên công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng. Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả về công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ của tỉnh Quảng Trị kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng đến nay?

- Thưa đồng chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” nên công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng. Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả về công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ của tỉnh Quảng Trị kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng đến nay?

- Xác định quy hoạch cán bộ là nội dung trọng yếu, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Vì vậy, trong các nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Quảng Trị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Trong đó, BTV Tỉnh ủy đã chọn chủ đề năm 2017 là “Năm công tác cán bộ” để tập trung chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ nói chung và quy hoạch cán bộ nói riêng một cách đồng bộ, đi vào chiều sâu và có nhiều điểm mới.

BTV Tỉnh ủy đã quán triệt về vị trí, vai trò, yêu cầu, nguyên tắc, mục đích và nhiệm vụ, giải pháp về công tác quy hoạch cán bộ nêu trong Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị “về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Kết luận số 24-KL/TW, ngày 5/6/2012 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo” đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác cán bộ.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Kịp thời cập nhật, cụ thể hóa các công văn, hướng dẫn mới của Ban Tổ chức Trung ương để triển khai thực hiện và chỉ đạo tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác quy hoạch cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới trong công tác quy hoạch cán bộ, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, BTV Tỉnh ủy đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy về công tác quy hoạch. Trong đó, ngoài các yêu cầu, quy định mang tính nguyên tắc theo Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 15-HD/BCTTW, ngày 5/11/2012 của Ban Tổ chức Trung ương, BTV Tỉnh ủy đã đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ như: Phấn đấu đến nhiệm kỳ 2020 - 2025 tỉ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch cấp ủy đạt từ 25% trở lên, quy hoạch ban thường vụ cấp ủy các cấp đạt từ 20% trở lên, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng cán bộ đưa vào quy hoạch theo hướng chuẩn hóa về trình độ chuyên môn; trẻ hóa; chức danh chủ chốt cấp huyện, cấp trưởng, phó các sở, ban, ngành cấp tỉnh phải có 1 nhân sự nguồn từ nơi khác; xác định rõ nguồn nhân sự quy hoạch các chức danh…

Bên cạnh đó, khi xây dựng quy hoạch đầu nhiệm kỳ, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện việc cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý, cấp ủy viên các cấp chủ động lựa chọn, bồi dưỡng và giới thiệu nhân sự quy hoạch thay thế vị trí của mình một cách nghiêm túc, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các thành viên lãnh đạo, cấp ủy viên, qua đó có thêm nguồn nhân sự mang tính khả thi cao để đưa vào quy hoạch.

Công tác rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm được thực hiện chặt chẽ bằng các kế hoạch cụ thể, xác định rõ số lượng, đối tượng và nguồn nhân sự bổ sung quy hoạch, tập trung rà soát đội ngũ cán bộ để bổ sung những nhân tố nữ, trẻ, có phẩm chất, năng lực nổi trội nhằm đảm bảo các tỉ lệ theo quy định song không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. Một số địa phương đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về công tác quy hoạch; đồng thời, xây dựng kế hoạch, đề án quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền có tính khoa học, dài hạn và triển khai có hiệu quả.

 Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ huyện Hướng Hóa - Ảnh: N.T.H

Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ huyện Hướng Hóa - Ảnh: N.T.H

Nhờ vậy, công tác quy hoạch cán bộ từ cấp xã đến các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý từ khóa XI đến nay đạt kết quả nổi bật: Trên 60% cán bộ trong quy hoạch BCH Đảng bộ, BTV Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 có trình độ thạc sĩ, 100% có trình độ cao cấp hoặc cử nhân chính trị. Tỉ lệ cán bộ trẻ trong quy hoạch cấp ủy cấp huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt 30,5%, tăng 7,3% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015; gần 50% cán bộ trong quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp xã dưới 40 tuổi. Cơ cấu 3 độ tuổi ngày càng hợp lý hơn (đối với quy hoạch BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 dưới 40 tuổi 15,6%, từ 40 - 50 tuổi 65,6%, trên 50 tuổi 18,8%). Tỉ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đều trên 24%; đã có cán bộ nữ trong quy hoạch các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

- Để có được kết quả này là nhờ BTV Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đã quan tâm, quán triệt đầy đủ, kịp thời và triển khai thực hiện tốt các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác cán bộ. Đề nghị đồng chí đánh giá lại những ưu, khuyết điểm về công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ của tỉnh trong thời gian qua?

- Có thể khẳng định rằng các cấp ủy, tập thể lãnh đạo các địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ; tạo tiền đề để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả. Việc xây dựng, rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch đã cơ bản đi vào nền nếp, trở thành công việc thường xuyên, định kỳ. Trong quá trình thực hiện, tập thể lãnh đạo các địa phương, đơn vị đã bám sát các quy định, hướng dẫn của cấp trên, đảm bảo theo đúng quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn; đồng thời giữ vững nguyên tắc, vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng trong công tác cán bộ nói chung và công tác quy hoạch nói riêng.

Nhờ vậy, chất lượng công tác quy hoạch cán bộ ngày càng được nâng lên. Cán bộ khi đưa vào quy hoạch cơ bản đã được rà soát, thẩm định kỹ về điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực, trình độ và tiêu chuẩn chính trị. Số lượng cán bộ trong quy hoạch cơ bản đảm bảo theo đúng tỉ lệ quy định, nhiều nơi nguồn cán bộ dồi dào; cơ bản chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Sự hợp lý, tính khả thi của quy hoạch cán bộ được nâng lên, việc lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch đã cơ bản xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị; đã chú ý phát hiện, bồi dưỡng cán bộ trưởng thành từ thực tiễn; quan tâm tạo nguồn để có 3 độ tuổi trong quy hoạch với độ tuổi trung bình ngày càng giảm; tỉ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số được nâng lên.

Quy hoạch đã đảm bảo được nguyên tắc “mở”, tạo sự đồng bộ, hợp lý giữa các cấp, các ngành, khắc phục tình trạng cục bộ địa phương. Đã có sự liên thông giữa công tác quy hoạch và các khâu khác trong công tác cán bộ. Kết quả quy hoạch cán bộ của các địa phương, đơn vị đã thực sự làm cơ sở cho việc đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bố trí, luân chuyển cán bộ và công tác nhân sự; từng bước khắc phục tình trạng hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ ở một số nơi chậm cụ thể hóa hoặc áp dụng trực tiếp văn bản của cấp trên khi tiến hành xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch chưa sát với thực tiễn dẫn đến thực hiện còn lúng túng, thiếu thống nhất. Việc rà soát quy hoạch hằng năm có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức, tiến hành chưa kịp thời; khi rà soát chưa chủ động đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch đối với các cán bộ đã chuyển công tác, bị xử lý kỷ luật hoặc không còn phù hợp với lĩnh vực, ngành, địa phương; chưa tìm kiếm, bổ sung các nhân tố mới, nhất là nguồn cán bộ ngoài cơ quan, đơn vị.

Tình trạng quy hoạch “chạy theo” bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự ứng cử vẫn còn diễn ra, nhất là việc bổ sung quy hoạch để tiến hành quy trình nhân sự nên quy hoạch chỉ mang tính thủ tục. Cơ cấu 3 độ tuổi trong quy hoạch ở một số địa phương, đơn vị chưa được đảm bảo, giãn cách giữa các độ tuổi chưa đảm bảo tối thiểu 5 năm nên tình trạng hẫng hụt vẫn còn diễn ra hoặc nhiều cán bộ trong quy hoạch cùng độ tuổi, cùng độ “chín” ở một thời điểm, tạo sự khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp.

Tỉ lệ nữ, trẻ trong quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy và các chức danh lãnh đạo một số địa phương, đơn vị chưa đảm bảo yêu cầu, có nơi còn vì cơ cấu nữ, trẻ mà đề xuất quy hoạch đối với các nhân sự có tính khả thi chưa cao, quy hoạch vượt cấp. Việc quản lý cán bộ trong quy hoạch có nơi còn chưa quan tâm đúng mức, chưa gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh. Việc công khai quy hoạch sau khi được phê duyệt có nơi còn thực hiện chưa nghiêm túc, chưa đúng thành phần, đối tượng công khai.

- Bên cạnh những kết quả nổi bật về công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Vậy theo đồng chí đâu là nguyên nhân?

- Trước hết phải khẳng định rằng, Quảng Trị là tỉnh có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên chưa có đủ nguồn lực để đầu tư thỏa đáng, bài bản cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và cán bộ trong quy hoạch nói riêng, chưa thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho tỉnh. Tỉnh có 2 huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tuy đã được quan tâm, hỗ trợ trong thời gian dài nhưng về cơ bản, chất lượng cán bộ tại chỗ, cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ.

Do điều kiện lịch sử để lại nên vẫn còn một bộ phận cán bộ, nhất là ở cấp cơ sở chưa được đào tạo bài bản, năng lực có phần hạn chế dẫn đến việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ nói chung và công tác quy hoạch nói riêng có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số cơ quan, đơn vị có tính đặc thù, chuyên môn kỹ thuật sâu nên quy hoạch chủ yếu từ nguồn tại chỗ; số lượng cán bộ, công chức nữ ít nên không đảm bảo tỉ lệ trong quy hoạch. Một số quy định, hướng dẫn của Trung ương còn nhiều cách hiểu khác nhau, chưa có sự thống nhất giữa các văn bản, nhất là giữa khối Đảng và khối Nhà nước dẫn đến việc triển khai thực hiện còn lúng túng.

Việc quán triệt các chủ trương, quy định của Đảng về công tác quy hoạch cán bộ có khi còn thiếu hiệu quả, đồng bộ; chưa kịp thời cập nhật, cụ thể hóa các văn bản, quy định mới để tổ chức thực hiện. Nhận thức về vị trí, vai trò công tác quy hoạch của một số cấp ủy, tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý còn chưa thực sự đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức. Quá trình thực hiện chưa bám sát các quy định, hướng dẫn; chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của từng thành viên cấp ủy, tập thể lãnh đạo trong việc đề xuất nhân sự đưa vào quy hoạch.

Khả năng dự báo về nhu cầu cán bộ của tập thể lãnh đạo một số địa phương, đơn vị có mặt còn hạn chế nên việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự vào quy hoạch chỉ mang tính trước mắt. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ vẫn còn một số hạn chế chưa khắc phục triệt để, chưa phản ánh, đánh giá đúng thực chất cán bộ dẫn đến việc lựa chọn nhân sự để bổ sung quy hoạch chưa phù hợp hoặc thiếu căn cứ, cơ sở để đưa những đồng chí không có triển vọng phát triển ra khỏi quy hoạch. Chất lượng cán bộ tham mưu về công tác quy hoạch cán bộ của một số địa phương, đơn vị còn chưa cao nên hiệu quả tham mưu chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Từ những thành công cũng như tồn tại, hạn chế như đã nêu trên, kinh nghiệm rút ra về công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ ở tỉnh Quảng Trị là gì, thưa đồng chí?

- Trước hết là phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí và các quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu của Đảng về công tác quy hoạch cán bộ. Kịp thời cụ thể hóa, xây dựng các quy định, hướng dẫn của cấp trên phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất.

Giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Việc xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch phải được thực hiện dưới sự lãnh đạo tập trung của cấp ủy đảng; mở rộng dân chủ đi đôi với phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ để thực sự là khâu tiền đề, quyết định các khâu khác trong công tác cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Gắn kết quả đánh giá cán bộ hằng năm, kết quả lấy phiếu tín nhiệm định kỳ với công tác rà soát quy hoạch, bổ sung quy hoạch.

Quá trình xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phải được tiến hành đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục, quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn. Phải lấy quy hoạch cấp dưới làm cơ sở để quy hoạch cấp trên, lấy quy hoạch cấp trên bổ sung cho cấp dưới; mạnh dạn bổ sung những cán bộ nữ, cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, có phẩm chất, năng lực nổi trội vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo để có thời gian đào tạo, bồi dưỡng.

Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực trong công tác quy hoạch; phát huy trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác thẩm định quy hoạch; tăng cường kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt việc công khai quy hoạch, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Có như vậy, công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ của tỉnh mới đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn đã được quy định, từ đó xây dựng được một đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức để gánh vác nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó, góp phần đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hồ Nguyên Kha (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=159658&title=xay-dung-doi-ngu-can-bo-quan-ly-co-nang-luc-pham-chat-dao-duc-de-hoan-thanh-tot-nhiem-vu