Xây dựng đội ngũ nhà giáo gương mẫu, trách nhiệm, phụng sự nhân dân

Nghề giáo là một nghề cao quý. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”.

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, trở thành điểm sáng về giáo dục của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới, Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh tin tưởng, mong muốn toàn thể đội ngũ nhà giáo sẽ nỗ lực hơn nữa; tiếp tục thể hiện sự sáng tạo để hoàn thành sứ mệnh, trọng trách vinh quang của ngành GD-ĐT.

KHÔNG NGỪNG SÁNG TẠO VÀ ĐỔI MỚI

* Phóng viên (PV): Năm nay kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhìn lại kết quả của ngành GD-ĐT tỉnh thời gian qua, Tiến sĩ đánh giá thế nào về chất lượng của lực lượng nhà giáo hiện nay?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhà giáo của tỉnh Tiền Giang đã được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học, bậc học từng bước được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và chuẩn hóa trình độ đào tạo.

Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2024), tôi rất mong đội ngũ nhà giáo của tỉnh không ngừng nâng cao vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình hơn nữa.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải năng động, sáng tạo, vượt lên khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin, sự kính trọng, tôn vinh mà xã hội dành cho nghề giáo.

Tôi thân ái gửi lời chúc quý thầy, cô giáo và cán bộ quản lý, nhân viên toàn ngành GD-ĐT tỉnh, cùng gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống, đặc biệt là sẽ có nhiều tâm huyết, phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người”, cùng với toàn ngành đưa sự nghiệp GD-ĐT tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới”.

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT

Toàn ngành GD-ĐT tỉnh hiện có 18.375 người đang công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, bậc học mầm non 88,6%; bậc tiểu học 84,5%; bậc THCS 88,01% và bậc THPT 100%. Toàn ngành hiện có 8 tiến sĩ, 532 thạc sĩ và 9.565 người đạt trình độ đại học.

Nhìn chung, chất lượng đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình giáo dục đào tạo.

Đội ngũ nhà giáo các cấp học, bậc học có lòng yêu nghề, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Lực lượng nhà giáo của tỉnh không ngừng thể hiện tính sáng tạo, tinh thần tự học, tự vươn lên, thích nghi với các yêu cầu của thời kỳ công nghiệp 4.0 để hoàn thành tốt công việc của mình.

Trong lực lượng nhà giáo của tỉnh có nhiều tấm gương vượt lên khó khăn để đến với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Có thể nói, những phẩm chất tốt đẹp từ trong truyền thống cho tới ngày nay của lực lượng nhà giáo khiến tôi rất tin tưởng và tự hào.

NÂNG CHẤT ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO

* PV: Thưa Tiến sĩ, ngành GD-ĐT đã có những giải pháp như thế nào để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Trong giai đoạn mới hiện nay, ngành GD-ĐT luôn tạo môi trường công tác tốt để đội ngũ nhà giáo phát huy năng lực, trình độ của mình. Ngành GD-ĐT đã tổ chức rà soát, tổng hợp và xây dựng kế hoạch theo lộ trình bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn trình độ theo quy định tại Nghị định 71 ngày 30-6-2020 của Chính phủ về việc quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.

Nhằm có giải pháp phù hợp hỗ trợ, thu hút cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động kịp thời, thời gian qua, Sở GD-ĐT đã trình UBND tỉnh tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non dân lập, tư thục; trợ cấp trẻ mầm non; Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp; trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân làm việc tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Bên cạnh đó, để có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các bậc học, trong mỗi năm học, Sở GD-ĐT đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng giáo viên để bổ sung đội ngũ giáo viên, nhân viên còn thiếu đối với các trường, trung tâm trực thuộc Sở GD-ĐT.

Các Phòng GD-ĐT đã chủ động tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên đồng bộ về cơ cấu và được bồi dưỡng về chuyên môn.

CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐƯỢC NÂNG LÊN

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT (bìa phải) thăm hỏi, động viên giáo viên, học sinh Trường THPT Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành.

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT (bìa phải) thăm hỏi, động viên giáo viên, học sinh Trường THPT Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành.

* PV: Đâu là những kết quả mà ngành GD-ĐT tỉnh đạt được trong thời gian qua, thưa Tiến sĩ?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã có những bước phát triển rất đáng trân trọng. Chất lượng giáo dục các cấp học đã chuyển biến rõ nét, với nhiều kết quả đáng khích lệ.

Trong đó phải kể đến là điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của tỉnh Tiền Giang đạt 6,902 điểm, tăng 0,182 so với năm 2023 (năm 2023 là 6,72 điểm), xếp thứ 15/63 tỉnh, thành cả nước và đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn tỉnh có 38 trường có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT, đạt 100%. Kết quả thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia của tỉnh Tiền Giang năm 2024 đạt 46 giải (năm 2023 là 18 giải), đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng học sinh giỏi quốc gia.

GIÁO DỤC PHẢI PHỤNG SỰ NHÂN DÂN

* PV: Để giáo dục Tiền Giang tiếp tục khẳng định được vị thế, phụng sự nhân dân, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT có những giải pháp nào?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Phát huy những kết quả đạt được, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp như sau: Thứ nhất, toàn ngành GD-ĐT tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo ở các cấp học.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với cán bộ, nhà giáo để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành; xây dựng đội ngũ nhà giáo thực sự gương mẫu, là tấm gương sáng về mọi mặt cho học sinh, sinh viên noi theo.

Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng cao trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo quy định tại Nghị định 71 ngày 30-6-2020 của Chính phủ.

Thứ hai, nhằm thực hiện tốt mục tiêu “Dạy chữ đi đôi với dạy người”, ngành GD-ĐT sẽ tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục, trải nghiệm sáng tạo. Triển khai các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh hoạt động tư vấn tâm lý, quan tâm đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình gặp biến cố hoặc những em có biểu hiện ham chơi, lười học; phối hợp với phụ huynh giúp các em ổn định tinh thần, vượt khó học tốt.

Thứ ba, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới việc dạy và học, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 ở các bậc học, các khối lớp. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh…

Và cuối cùng là thu hút các nguồn lực đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT năm 2018. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực GD-ĐT.

Cùng với đó, ngành GD-ĐT sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các bậc học với mục tiêu phấn đấu tới năm 2025, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ đạt 70% số trường cấp mầm non, THCS, THPT và 80% số trường ở cấp tiểu học xây dựng đạt trường chuẩn quốc gia.

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

ĐỖ PHI

(thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202411/tien-si-le-quang-tri-giam-doc-so-giao-duc-va-dao-tao-tinh-tien-giang-xay-dung-doi-ngu-nha-giao-guong-mau-trach-nhiem-phung-su-nhan-dan-1026843/