Xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Hài hòa cũ – mới
Cũng như nhiều dân tộc ít người khác, lễ tang của người Mông là một hiện tượng văn hóa, phản ánh một cách sâu sắc các quan hệ lịch sử xã hội và cộng đồng dân tộc. Trong quan niệm của người Mông, con người có 3 linh hồn. Khi chết linh hồn sẽ lìa khỏi xác đi 3 nơi khác nhau và do đó, các nghi lễ tang ma cũng liên quan đến quan niệm về 3 linh hồn này.
Nghi thức rước Hòn Đá Vía trong lễ hội Mường Xia (Quan Sơn).
Các nghi lễ gồm lễ chỉ đường, lễ thổi kèn, lễ đuổi giặc, lễ viếng, lễ tàu sáng, lễ hạ huyệt. Do mỗi nghi lễ đều diễn ra theo nhiều công đoạn, nên đám tang cũng kéo dài đến 5-7 ngày. Sau khi chôn cất, người Mông còn nhiều nghi lễ khác như lễ sửa lại mộ sau khi người chết được 3 ngày; lễ cúng sau khi mai táng được 12 ngày (với lễ này gia chủ phải cúng suốt 1 ngày và phải mổ lợn, thổi kèn, đánh trống và mời anh em họ hàng, người phục vụ đám ma đến dự); sau khi người chết được 13 ngày, người Mông làm lễ thả hồn tiễn hồn người chết đi đầu thai... Các lễ nghi kéo dài và tốn kém tiền của, công sức đã biến một phong tục trở thành hủ tục. Đồng thời, tạo áp lực đè nặng lên đời sống của nhiều gia đình người Mông vốn nghèo khó.
Trước thực trạng trên, ngày 25-6-2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2181/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông đến năm 2020”. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, kết thúc giai đoạn 1 (2013-2015), việc quy hoạch nghĩa địa tập trung và đường đi ra nghĩa địa cho 7 bản Mông xã Pù Nhi đã hoàn thành. Đặc biệt, đã có trên 70 hộ gia đình của 7 bản thực hiện thủ tục khai tử với chính quyền địa phương khi gia đình có người chết và không bắn súng thông báo có người chết như tập tục cũ. Đồng thời, trên 50% số người chết được khâm liệm và đưa vào quan tài trong 6 – 12h sau khi chết và chôn cất tại nghĩa địa tập trung. Cùng với đó, chính quyền sở tại đã tích cực hướng dẫn, tạo điều kiện cho gia đình có người chết tổ chức tang lễ chu đáo, tiết kiệm, phù hợp với tập quán... Từ những kết quả đạt được, giai đoạn 2 của đề án (2016 – 2020), việc thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đang và sẽ được triển khai đối với 39 bản người Mông các huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn.
Thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội, hay xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là một nhiệm vụ lâu dài và nhiều khó khăn. Văn hóa vốn là một “thực thể động”, luôn biến đổi và biến đổi theo hai hướng. Đó có thể là sự bồi đắp cho thêm phần phong phú, đa dạng và có giá trị hơn. Ngược lại, cũng có thể là sự mất mát, bào mòn, mà do vô tình hay cố ý, người ta đã cho đó là tất yếu. Các dân tộc thiểu số là chủ thể của những nền văn hóa vô cùng độc đáo và chính nó đã làm nên tính đa dạng, rực rỡ cho văn hóa dân tộc. Thế nhưng, bên cạnh những hủ tục, cũng có không ít giá trị độc đáo đang mất dần đi. Trong khi, xót xa là chính cộng đồng ấy hoặc có vẻ không thật sự quan tâm, hoặc có quan tâm cũng lực bất tòng tâm?
Bây giờ, đi đến bất kỳ bản làng người Mường, Thái, Mông, Dao, Khơ Mú hay Thổ, người ta cũng dễ dàng bắt gặp các chàng trai, cô gái khoác trên mình những bộ trang phục hiện đại, như quần âu áo sơ-mi, quần jean áo phông hay váy các kiểu. Còn những sắc phục dân tộc vốn là tín hiệu lấp lánh cho văn hóa tộc người, thì đang dần vắng bóng. Không phủ nhận sự thanh lịch và tiện dụng của các loại trang phục hiện đại; hay nhu cầu chính đáng muốn theo “cái mới” của con người. Thế nhưng, vẫn có điều gì thật tiếc nuối, đặc biệt là với những người luôn trân quý những giá trị truyền thống. Đó là sự tiếc nuối cho thành quả từ quá trình sáng tạo dày công của cha ông họ, đang dần mai một. Trang phục, tiếng nói, chữ viết, nếp sống, tín ngưỡng, tập quán... đều là những thành tố quan trọng, cấu thành nên bản sắc văn hóa các tộc người. Cho nên sự vắng bóng của bất kỳ thành tố nào trong đời sống hàng ngày, cũng khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.
Văn hóa sinh ra từ cộng đồng, được dưỡng nuôi trong cộng đồng ấy. Đến lượt mình, chính cộng đồng cũng là người hưởng thụ và trao truyền văn hóa ấy cho thế hệ sau. Nhấn mạnh đến vai trò của con người như là chủ thể sáng tạo văn hóa để thấy rằng, cần khơi dậy giá trị tự thân hay ý thức của mỗi người trong cộng đồng, nhằm tạo tiền đề cơ bản cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ít người. Bởi, bản sắc sẽ gọi tên thế nào, nếu chính cư dân bản địa - chủ nhân của nền văn hóa đó lại không nhận thức một cách đủ đầy và quyết tâm gìn giữ? Trong thực tế, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc là việc phải làm và ở một mức độ nào đó, một bộ phận người dân hiểu được vai trò của mình. Bởi vậy mà trong vài năm trở lại đây, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa, hàng chục lễ hội truyền thống, phong tục, tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề thủ công, trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ... đã được phục dựng, bảo tồn và phát triển. Qua đó, góp phần tạo dựng nên môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ của đồng bào.
Mặc dù vậy, từ việc nhận thức về vai trò của bản sắc văn hóa đối với sự phát triển nói chung, đến hành động gìn giữ và nuôi dưỡng các giá trị ấy trong đời sống, đang còn một khoảng cách. Bởi, có lúc có nơi, người ta vẫn đang băn khoăn với câu hỏi là làm thế nào để gìn giữ, phát huy được cái vốn truyền thống, nhưng đồng thời cũng phá vỡ cái lạc hậu để vươn lên. Muốn trả lời được câu hỏi này, thiết nghĩ, trước hết phải “gạn đục khơi trong” để giữ lại cái phần tinh hoa và bỏ đi những phần không còn phù hợp. Đồng thời, cần phải làm nhiều cuộc cách mạng trong cả tư duy lẫn hành động. Ví như sự thay đổi hủ tục tang ma của người Mông. Đó thực sự là một cuộc cách mạng, cần rất nhiều quyết tâm, nhiều tâm huyết mới có thể vượt qua những lằn ranh vô hình vô cùng bền chặt.
Bấy nay, việc xây dựng đời sống văn hóa dựa trên nhiều cơ sở. Đó là các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa; thực hiện các tiêu chí văn hóa trong nông thôn mới... Tuy nhiên, sẽ là phiến diện nếu lấy số lượng các thiết chế văn hóa, các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao làm thước đo chất lượng đời sống văn hóa. Bởi, văn hóa là khái niệm rộng và do đó, xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, không thể không song hành giữa việc gìn giữ, trân trọng các giá trị truyền thống, với việc gây dựng, vun đắp các giá trị mới, phù hợp. Đó cũng chính là sự hài hòa giữa cái cũ – cái mới, để những giá trị tốt đẹp trở thành nhân tố hạt nhân của nền văn hóa mới mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng.