Xây dựng được Bộ quy trình kỹ thuật thực hành CSA cho các đối tượng cây trồng chính
Dự án 'Cải thiện nông nghiệp có tưới' (WB7) với mục tiêu cải thiện tính bền vững của hệ thống sản xuất nông nghiệp được triển khai thực hiện tại Quảng Trị hơn 3 năm qua, đến nay sắp kết thúc. Để rõ hơn hiệu quả của dự án này, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn bà NGUYỄN HỒNG PHƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị.
- Thưa bà! Đề nghị bà cho biết Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” (WB7) được triển khai tại tỉnh Quảng Trị thời gian qua có những nội dung, mục đích như thế nào?
- Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” (WB7) được triển khai tại tỉnh Quảng Trị với mục đích cải thiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng, bền vững của nông nghiệp và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở cải thiện hệ thống tưới tiêu và thể chế, chính sách quản lý thủy lợi, theo định hướng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Dự án có 4 hợp phần với những nội dung cơ bản sau: Hợp phần 1 là hỗ trợ cải thiện quản lý tưới. Mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả của các hệ thống tưới thông qua cải thiện năng lực thể chế và chính sách trong quản lý hệ thống, cung cấp dịch vụ tưới tiêu hiện đại theo hướng thị trường. Kết quả của hợp phần đã hỗ trợ tỉnh Quảng Trị đánh giá hiện trạng phân cấp quản lý tưới; hỗ trợ xây dựng Kế hoạch hiện đại hóa thủy lợi 5 năm đã được UBND tỉnh phê duyệt tại văn bản số 2662/QĐUBND ngày 2/10/2017. Thành lập 1 tổ chức dùng nước (TCDN) ở HTX Nhĩ Trung, xã Gio Thành và củng cố 4 TCDN gồm HTX Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy; HTX Lâm Cao, xã Vĩnh Lâm; HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ; HTX Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang. Nâng cao năng lực quản lý khai thác công trình thủy lợi cho Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị (IMC) và các TCDN; đầu tư hệ thống quản lý, vận hành tự động (SCADA) cho công trình các hồ: Trúc Kinh, Hà Thượng, La Ngà và đập dâng Sa Lung...
Hợp phần 2 là nâng cấp cơ sở hạ tầng hệ thống tưới tiêu với mục tiêu đảm bảo công suất phục vụ của các hệ thống tưới tiêu chưa hoàn chỉnh được lựa chọn của tỉnh, đảm bảo bền vững công trình trước rủi ro bão lũ, giảm chi phí vận hành, bảo dưỡng.
Hợp phần 3 là hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA). Hợp phần này triển khai trên cơ sở hạ tầng thủy lợi được cải thiện trong hợp phần 2 để nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu ích sử dụng nước, tăng thu nhập cho nông dân và giảm tính dễ tổn thương với các tác động bất lợi của thiên tai, đồng thời giảm phát thải gây tác động tiêu cực môi trường từ sản xuất nông nghiệp, từ đó đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng trên toàn tỉnh.
Hợp phần 3 dự án của tỉnh Quảng Trị tập trung vào các nội dung hỗ trợ xây dựng 15 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các thực hành CSA bao gồm: 6 mô hình “Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích”; 6 mô hình “Sản xuất cây trồng cạn (lạc, ngô) áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng hàng hóa; 1 mô hình “Sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm” tại phường Đông Thanh, TP. Đông Hà; 2 mô hình “Sản xuất tiêu an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm”.
Tăng cường năng lực cung cấp các dịch vụ nông nghiệp nhằm thúc đẩy việc nhân rộng các thực hành và các hệ thống CSA. Phổ biến kiến thức về CSA, đào tạo các thực hành và hỗ trợ mở rộng ứng dụng các thực hành CSA bền vững. Thực hiện điều tra cơ bản khi bắt đầu triển khai và kết thúc dự án để đánh giá các kết quả đầu ra của dự án trong tỉnh (so sánh các chỉ số trước và sau dự án). Tổ chức hội thảo để các bên liên quan thảo luận, đánh giá các hệ thống CSA và các hoạt động, rút bài học kinh nghiệm và đề xuất kiến nghị phục vụ phát triển CSA.
- Kết quả người dân được hưởng lợi từ các mô hình hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) như thế nào, thưa bà?
- Có thể khẳng định, việc triển khai các mô hình CSA đến nay đã thành công, được chính quyền cơ sở, hợp tác xã, người nông dân đồng tình, ủng hộ và chủ động nhân rộng. Thông qua các mô hình CSA, người dân được hưởng lợi trên cả 3 mặt về kinh tếxã hội-môi trường. Về kinh tế người dân được hỗ trợ một phần các vật tư thiết yếu như: Giống lúa, công cụ gieo cấy, phân bón, chế phẩm Trichoderma... Khi áp dụng thực hành các kỹ thuật quản lý tổng hợp dinh dưỡng và dịch hại cây trồng (ICM) thích ứng với biến đổi khí hậu trên cây lúa thì người dân được thực hành gieo cấy bằng công cụ sạ hàng, sử dụng các giống lúa mới, ngắn ngày, chất lượng cao, đảm bảo phẩm cấp; được hỗ trợ áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); hỗ trợ áp dụng quy trình tưới nông-lộ- phơi... Qua đó, đã giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật từ 2-3 lần/vụ so với trước đây; giảm lượng phân đạm Urê từ 30-36kg/ha/vụ; tiết kiệm được 30 kg giống/ha, giảm công chăm sóc và hạn chế sâu bệnh gây hại. Mặc dù tiết kiệm rất nhiều các loại vật tư nông nghiệp, tiết kiệm nước nhưng năng suất lúa bình quân trên diện tích áp dụng CSA vẫn cao hơn ruộng đối chứng đại trà từ 5-6 tạ/ha/vụ. Qua đánh giá nhiều vụ cho thấy lợi nhuận bình quân ở các mô hình CSA cao hơn đại trà từ 5-7 triệu đồng/ha/vụ.
Về xã hội, dự án góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất. Các tổ chức xã hội (hội phụ nữ, hội nông dân) đã tham gia quản lý sản xuất và góp phần vào việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ sản xuất mới. Cán bộ địa phương và người dân đã thấy được những hiệu ích thiết thực mang lại từ mô hình như: làm chủ được quy trình kỹ thuật chuyển giao, thực hành đồng bộ, thay đổi phương thức tổ chức sản xuất trên cánh đồng lớn, cơ giới hóa thuận lợi và tưới tiêu hợp lý, khoa học. Từ đó người dân, HTX chủ động nhân rộng thực hành CSA cho các vùng lân cận và các vùng sản xuất khác ở địa phương.
Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, xã hội, hiệu quả về môi trường cũng thể hiện rõ rệt thông qua kết quả đo lượng phát thải khí nhà kính (CH4, N2O và CO2) ở mô hình CSA tại thôn Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh vụ hè thu năm 2018 cho thấy khi áp dụng các biện pháp canh tác theo mô hình CSA thì tổng phát thải giảm từ 1,56 kg CO2/kg thóc (ở ruộng đại trà) xuống còn 0,9 kg CO2/kg thóc ở ruộng mô hình.
Đối với các mô hình CSA trên cây rau, màu người dân được sử dụng công cụ gieo hạt thay thế phương pháp gieo thủ công giúp tiết kiệm công và đảm bảo mật độ gieo. Sử dụng giống lạc L14 đã giảm được tỉ lệ bệnh hại, đặc biệt là bệnh héo vàng do nấm và héo xanh do vi khuẩn. Sử dụng biện pháp che phủ ni lông giúp điều hòa vi khí hậu trong đất ở giai đoạn đầu vụ khi nhiệt độ xuống thấp, giữ kết cấu đất tơi xốp, hạn chế bốc thoát hơi nước và dinh dưỡng, hạn chế cỏ dại…Từ đó đã giảm được phân bón, công lao động, lượng nước tưới, cây sinh trưởng tốt. Nhờ áp dụng IPM nên đã kiểm soát tốt các đối tượng dịch hại, giảm được số lần phun thuốc so với đại trà; nâng cao được nhận thức của cán bộ địa phương và người dân về ICM, CSA.
- Hiệu quả của mô hình CSA đã rõ, vậy lời khuyên của bà với người dân sau khi kết thúc dự án này là gì?
- Tính đến nay qua 3 năm triển khai, diện tích được hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 5.600 ha. Trong đó diện tích thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu” 188,9 ha, diện tích CSA nhân rộng chính 3.527,3 ha, diện tích CSA nhân rộng đại trà 1.888 ha. Ngoài ra, nhiều HTX mặc dù chỉ được hỗ trợ thực hành CSA trong 1 vụ nhưng nhận thấy được hiệu quả của mô hình nên đã tiếp tục duy trì, mở rộng, phát triển trên diện rộng, điển hình như HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ; HTX Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy; HTX Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang…
Kết quả đó là bằng chứng rõ ràng về hiệu quả, tính lan tỏa của dự án đến người dân, HTX. Người dân thấy rằng việc áp dụng các quy trình kỹ thuật thực hành CSA khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả thiết thực. Dự án đã xây dựng được Bộ quy trình kỹ thuật thực hành CSA cho các đối tượng cây trồng chính (lúa, lạc, ngô, rau màu, hồ tiêu); đồng thời xây dựng được các bộ phim hướng dẫn kỹ thuật thực hành CSA, các tờ rơi, áp phích tuyên truyền về kỹ thuật. Những tài liệu này sẽ được cung cấp đến tận các HTX và người dân để phổ biến thực hành CSA trên diện rộng. Ngoài ra, dự án cũng đã xây dựng được Bộ tiêu chí nhân rộng đại trà và nhân rộng chính, đây là cẩm nang cho cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở để quy hoạch vùng, lựa chọn vùng tập trung để phổ biến thực hiện CSA.
Cùng với kết quả của Dự án WB7 và các chính sách hiện hành của tỉnh Quảng Trị như: Chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, khuyến khích hợp tác liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi hy vọng rằng người nông dân, HTX trên toàn tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng thực hành CSA trên quy mô lớn. Mỗi hành động với thay đổi nhỏ trong quy trình sản xuất của người nông dân có thể tạo nên sự thay đổi lớn cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đưa nông nghiệp tỉnh Quảng Trị tăng trưởng bền vững.
- Xin cảm ơn bà!
Tú Linh (thực hiện)
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147538