Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Góp phần xóa điểm đen tai nạn
Dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km qua tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận là dự án đặc biệt trong việc kết nối giao thông cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Quan trọng hơn, tuyến đường này sẽ giảm tải áp lực về giao thông trên QL1 qua 2 tỉnh này, nơi mà nhiều năm qua đã trở thành 'điểm đen' về an toàn giao thông.
Để đảm bảo thực hiện dự án, tỉnh Đồng Nai phải thu hồi khoảng 412ha đất trên địa bàn các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP Long Khánh. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn 3 địa phương gồm huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ và TP Long Khánh đã cơ bản hoàn thành. Các cơ quan chức năng đang thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Trước ngày khởi công dự án, tỉnh Đồng Nai bàn giao 95% mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.
Ông Lê Khắc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, hiện nay, địa phương đã phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với 723 trường hợp, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 531/723 trường hợp và đang tiếp tục chi trả cho 192 trường hợp còn lại. Nếu kinh phí đền bù bố trí kịp, thì huyện Xuân Lộc sẽ giao đủ mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 11.
Là người dân có đất nằm trong phạm vi dự án đường cao tốc, ông Vi Văn Đức, nhà ở xã Xuân Phú cho biết: “Tôi cũng như nhiều người dân ở địa phương đồng ý với chủ trương làm đường của Nhà nước và đã chấp hành tháo dỡ công trình, bàn giao đất”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, với yêu cầu về tiến độ từ chủ đầu tư, các địa phương đã đẩy nhanh GPMB. "Trước đó, chúng tôi tăng cường vận động người dân bàn giao mặt bằng cho dự án, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT giải quyết nhanh vướng mắc trong GPMB", ông Hùng nói và cho biết thêm, Đồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 khu tái định cư tại huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc.
Trong khi đó, Dự án cao tốc Dầu Giây, Bình Thuận đoạn qua tỉnh Bình Thuận dài gần 50km cũng đã được tỉnh này đáp ứng tiến độ bàn giao toàn bộ mặt bằng trên 98% để triển khai khởi công xây dựng. Đối với việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, cấp nước, viễn thông), tỉnh này cũng yêu cầu UBND các huyện xây dựng kế hoạch, tiến độ di dời cụ thể cho từng công trình hạ tầng kỹ thuật.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng, dự án Phan Thiết - Dầu Giây là đoạn cuối vào cửa ngõ TPHCM, được xác định là đoạn tuyến quan trọng, có lưu lượng lớn nên được Chính phủ lựa chọn triển khai thí điểm đầu tư cao tốc theo phương thức PPP từ năm 2008. Hiện nay, đoạn tuyến này chỉ có 2 làn xe, mỗi hướng chỉ có 1 làn xe cơ giới trong khi lưu lượng trên QL1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai là trên 30.500 xe /ngày đêm nhưng hạ tầng chỉ đáp ứng được 30% lưu lượng xe; do đó dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên, kéo dài; đặc biệt là tình hình TNGT diễn biến rất phức tạp, số người chết tăng.
"Bất cập trên QL1A là rào cản lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế địa phương", ông Hải nhìn nhận và cho biết, khởi công dự án cao tốc qua Bình Thuận là niềm mơ ước của nhân dân tỉnh Bình Thuận nhiều năm qua, vì vậy, tỉnh đã dồn sức chỉ đạo và cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng. Dự án hoàn thành sẽ sớm giải quyết những vấn đề bức xúc về ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông; đồng thời tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế cho các tỉnh Nam Trung bộ, trong đó có Bình Thuận.