Xây dựng gia đình hạnh phúc để có một xã hội phồn vinh
Trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua mỗi thời kỳ, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc xây dựng gia đình. Bởi gia đình là 'tế bào' của xã hội, có vai trò hết sức quan trọng đối với xã hội.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2013, quy định lấy ngày 28/6 hàng năm tổ chức kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam và ban hành Quyết định số 2238, ngày 30/12/2021, về việc phê duyệt chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội đối với nhiệm vụ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững (gọi tắt là xây dựng gia đình). Tuy vậy chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dù có hoàn thiện đến đâu thì vấn đề phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đứng đầu là cấp ủy Đảng cùng với chính quyền các cấp địa phương và trách nhiệm của từng gia đình là nhân tố tác động trực tiếp, thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng gia đình hiện nay.
Ở Bình Thuận, cùng với những thành tựu chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới, mở cửa, hội nhập, bên cạnh thành tựu phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội, thì trên lĩnh vực HN&GĐ cũng có những chuyển biến tích cực như: Ý thức xây dựng gia đình được nâng cao, các chức năng gia đình (sinh đẻ, giáo dục, kinh tế) được thực hiện ngày càng đầy đủ; đời sống vật chất và tinh thần của gia đình được cải thiện rõ rệt, trong đó có một bộ phận không ít gia đình trở nên khá giả; quyền trẻ em, quyền tự do và bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình được tôn trọng. Tuy vậy, vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục, đó là: Mặt trái của cơ chế thị trường đã và đang tác động tiêu cực đến các mặt cuộc sống gia đình, những tệ nạn xã hội gây ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, đến việc hình thành nhân cách của con người trong gia đình. Những thay đổi của xã hội thời kỳ chuyển đổi đã kéo theo sự thay đổi trong quan hệ gia đình, khiến cho các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam có xu hướng bị phai nhạt; nhiều gia đình cha mẹ tập trung đầu tư vào kinh tế, ít có sự quan tâm giáo dục con, dẫn đến con bị hư hỏng, sa vào tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến tương lai của con em mình.
Từ những bất cập nêu trên, đặt ra nhiệm vụ xây dựng gia đình ở địa phương Bình Thuận hiện nay với những giải pháp có tính đồng bộ. Trước hết là đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quan tâm đến phát triển kinh tế gia đình, nhất là chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế cho các gia đình chính sách, gia đình vùng thuần đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. Tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận được kiến thức pháp luật, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật và phúc lợi xã hội. Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam…
Cùng với các giải pháp nêu trên, điều cốt yếu nhất là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chỉ đạo của chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể ở các cấp địa phương đối với công tác gia đình. Phải xác định xây dựng gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cần xây dựng một hệ giá trị đồng bộ các mặt đời sống gia đình, bao gồm: Về điều kiện vật chất, gia đình có thu nhập ổn định, các thành viên đến tuổi lao động có việc làm, đảm bảo cuộc sống, có nơi ở ổn định và các tiện nghi sinh hoạt thiết yếu. Về tinh thần, các thành viên thực hiện sự tôn trọng, bình đẳng, thương yêu, quan tâm, chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau, cùng có trách nhiệm vun đắp cho hạnh phúc, thực hiện nếp sống văn hóa mới, có mối quan hệ họ hàng, láng giềng và cộng đồng tốt. Về giáo dục, luôn đề cao việc học hành, con, em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, nâng cao hiểu biết kiến thức cuộc sống của các thành viên…