Xây dựng gia đình hòa thuận

Xây dựng gia đình văn hóa tạo nên những tế bào lành mạnh cho xã hội (Ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát tại Phú Yên). Ảnh: THIÊN LÝ

Trong tâm thức của người Việt, gia đình là cái nôi sinh thành, để lại dấu ấn dưỡng dục không thể phai mờ trong suốt cuộc đời. Vì vậy, việc xây dựng gia đình hòa thuận, giữ gìn văn hóa truyền thống không chỉ là xây dựng tổ ấm của mỗi người với những giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp mà còn tạo nên những tế bào lành mạnh cho xã hội.

Nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp bị mờ nhạt, mất dần đi, dễ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến gia đình, xã hội và sự phát triển chung. Đứng trước nguy cơ này, việc xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) đòi hỏi không ngừng nâng cao chất lượng.

Giữ gìn giá trị truyền thống

Gia đình bà Nguyễn Thị Hải ở phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa) luôn đi đầu trong việc chấp hành các hương ước, quy ước cộng đồng, thực hiện nếp sống văn minh trong các đám, tiệc tại gia. Bên cạnh đó, gia đình bà còn chủ động tham gia các phong trào trong khu dân cư, giữ gìn tình cảm tốt đẹp với mọi người xung quanh, láng giềng. Giữ vững danh hiệu GĐVH trong nhiều năm liền, gia đình bà Hải là một trong những gia đình tiêu biểu về gìn giữ nếp sống gia đình hòa thuận, vui vẻ, “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”.

Bà Hải quan niệm: “Việc giáo dục con cháu là trách nhiệm của ông bà, cha mẹ, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách cho mỗi thành viên trong gia đình. Do đó, trong cư xử và sinh hoạt hàng ngày, tôi luôn sống chan hòa, mẫu mực, làm tấm gương cho con cháu noi theo. Giờ đây, niềm hạnh phúc tuổi già của tôi là nhìn con cháu trưởng thành, sống yêu thương, hòa thuận với nhau”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Chánh (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) có 3 thế hệ cùng chung sống trong một nhà. Việc duy trì nếp sống văn hóa của gia đình ông Chánh trong thời gian qua luôn được bà con hàng xóm ngưỡng mộ, noi theo. “Tất cả thành viên trong gia đình tôi luôn ý thức trong việc sống nề nếp, tôn trọng lẫn nhau, cùng giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cháu mạnh khỏe, ngoan ngoãn. Đặc biệt, khi gia đình có mâu thuẫn thì vợ chồng nhường nhịn, cùng nhau nói chuyện để giải quyết vấn đề. Chuyện lớn được hóa nhỏ, rồi chuyện nhỏ hóa không”, ông Chánh chia sẻ.

Đảm bảo chất lượng từ cơ sở

Việc bình xét danh hiệu GĐVH hàng năm tại các địa phương được thực hiện theo hình thức họp công khai trong từng thôn, khu phố dựa trên các tiêu chí đã quy định. Công tác bình xét được thực hiện khá nghiêm túc, dựa trên ý kiến thống nhất của cả tập thể. Theo đó, những gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa phải đảm bảo tất cả tiêu chí như: thực hiện tốt quy định nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang; gia đình không có người mắc tệ nạn xã hội như: mại dâm, ma túy, cờ bạc… Nếu thiếu hoặc thực hiện không đúng tiêu chí thì không được công nhận.

Bà Lê Thị Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa), cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn xã, nhiều gia đình có nếp sống lành mạnh, văn minh, ứng xử có văn hóa trong gia đình, cộng đồng và xã hội; tương trợ, giúp đỡ mọi người khi khó khăn, hoạn nạn, sống có uy tín trong cộng đồng dân cư, được địa phương công nhận là gia đình văn hóa trong nhiều năm liền. Bên cạnh đó, ở một số gia đình, các cháu thanh thiếu niên còn vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm về an toàn giao thông; một số hộ còn tranh chấp đất đai, đường đi… dẫn đến việc chưa đạt danh hiệu GĐVH”.

Để các danh hiệu văn hóa không ngừng nâng cao chất lượng, Sở VH-TT-DL đã có văn bản đề nghị phòng VH-TT các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng bình xét các danh hiệu GĐVH, thôn/buôn/khu phố văn hóa bảo đảm theo quy định tại Nghị định 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, lãnh đạo, đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp đóng vai trò quan trọng trong việc tiến hành công tác thanh kiểm tra việc xét, công nhận các danh hiệu văn hóa; làm việc không đại khái, qua loa, không đúng quy trình và chạy theo thành tích. Khi biểu dương phải đúng đối tượng, gương điển hình tiên tiến… nhằm nhân rộng nếp sống văn hóa từ gia đình cho đến khu dân cư, xã hội, một cách hiệu quả và thiết thực nhất.

Theo ThS Nguyễn Thị Phượng, Trường đại học Phú Yên, xây dựng mô hình GĐVH đã và đang vẫn là xu thế cần được gìn giữ. Nó không chỉ mang lại những giá trị đích thực về đời sống tinh thần và nâng cao giá trị cuộc sống trong mỗi gia đình, mỗi thành viên; mà nhìn về giá trị thực đó, con người còn hướng đến những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống, giảm đi và thậm chí là đi sâu vào nhận thức không nên có những hành xử thô bạo, kém văn minh trong gia đình, trong cộng đồng. “Có thể thấy những giá trị văn hóa truyền thống rất Phú Yên ấy đã tạo nên cốt cách, bản tính của con người đất Phú. Tác động tích cực từ giá trị văn hóa truyền thống mang lại đã đẩy lùi những hành vi có tính bạo lực trong từng gia đình, góp phần xây dựng một nền văn hóa tiên tiến trong sự phát triển chung của nước nhà. Để gia đình thực sự trở thành tổ ấm, đảm bảo an toàn cho sự phát triển tình cảm, trí tuệ, đạo đức, thể lực của các thành viên thì quan hệ ứng xử, sinh hoạt giữa các thành viên phải trở thành sự chuẩn mực, văn minh”, ThS Nguyễn Thị Phượng nhìn nhận.

Xây dựng mô hình GĐVH đã và đang vẫn là xu thế cần được gìn giữ. Nó không chỉ mang lại những giá trị đích thực về đời sống tinh thần và nâng cao giá trị cuộc sống trong mỗi gia đình, mỗi thành viên; mà nhìn về giá trị thực đó, con người còn hướng đến những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống, giảm đi và thậm chí là đi sâu vào nhận thức không nên có những hành xử thô bạo, kém văn minh trong gia đình, trong cộng đồng…

ThS Nguyễn Thị Phượng, Trường đại học Phú Yên

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/268393/xay-dung-gia-dinh-hoa-thuan.html