Xây dựng gia đình văn hóa thực chất, không chạy theo thành tích

PGS.TS ĐẶNG THỊ HOA, Viện trưởng Viện Tâm lý học, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, trong bối cảnh đời sống hiện đại, định hướng xây dựng gia đình văn hóa có những điểm phải thay đổi, cập nhật. Các gia đình văn hóa được công nhận và vinh danh phải là những gia đình thực sự tiêu biểu.

- Từng có nhiều công trình nghiên cứu về xây dựng văn hóa gia đình, xin bà cho biết, trong thời điểm hiện nay, những giá trị của gia đình văn hóa Việt Nam cần được điều chỉnh, cập nhật như thế nào cho phù hợp?

- Trong các kết quả nghiên cứu của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có rất nhiều nghiên cứu về gia đình. Các công trình cũng tập trung nghiên cứu về tiêu chí và định hướng xây dựng gia đình văn hóa trong bối cảnh mới. Các định hướng của Đảng, Nhà nước cũng đã thể hiện trong các văn kiện đại hội, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI… Từ định hướng đó, giá trị cốt lõi của gia đình văn hóa đã đạt được, đó là ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, và gần đây nhất, chỉ đạo của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng tập trung vào các giá trị cốt lõi này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đời sống hiện đại, định hướng xây dựng gia đình văn hóa có những điểm phải thay đổi do không còn phù hợp, phải cập nhật một số điểm mới. Ví dụ, những phong tục, tập quán, nghi lễ rườm rà, hủ tục, định kiến, bạo lực trong gia đình cần được loại bỏ. Nhưng muốn loại bỏ không thể một sớm một chiều, ngay lập tức, mà phải dần dần, bằng các chính sách, chương trình, đề án Chính phủ đã giao Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tổ chức như Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... thực hiện. Cho đến nay, các tổ chức, đoàn thể đã làm được rất nhiều việc, thay đổi khá nhiều nhận thức của người dân, nhận thức của xã hội về gia đình văn hóa.

 Gia đình phải thực sự là tổ ấm để trẻ em được phát triển, người già được chăm sóc, nuôi dưỡng. Nguồn: baodantoc.vn

Gia đình phải thực sự là tổ ấm để trẻ em được phát triển, người già được chăm sóc, nuôi dưỡng. Nguồn: baodantoc.vn

- Được biết, Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã và đang xây dựng 3 bộ tiêu chí gồm: Bộ tiêu chí về ứng xử trong gia đình, Bộ tiêu chí về gia đình văn hóa và Bộ tiêu chí về gia đình hạnh phúc. Bà nghĩ sao về 3 bộ tiêu chí này?

- Chúng ta cần xem xét lại tiêu chí cụ thể về gia đình văn hóa. Theo tôi, để đạt được gia đình văn hóa thì cả 3 tiêu chí đều phải có. Dưới góc độ nghiên cứu của chúng tôi, trước hết phải có bộ tiêu chí đầy đủ về gia đình văn hóa, hoặc bộ tiêu chí lớn hơn về Hệ giá trị gia đình. Trong Hệ giá trị gia đình có những quy định về văn hóa, về kinh tế, về sự phát triển của gia đình. Vai trò của các bộ, ngành cũng rất quan trọng, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó Vụ Gia đình là cơ quan chủ trì, chủ lực cho xây dựng bộ tiêu chí này.

Thứ hai, công tác truyền thông về gia đình văn hóa hiện đã làm rất tốt nhưng cần có hướng dẫn chi tiết cho cán bộ làm văn hóa ở cơ sở.

Thứ ba, việc thực hiện gia đình văn hóa không nằm ở biển hiệu. Nó phải là những gì thực chất, qua các biểu hiện cụ thể của gia đình, như: không có bạo lực; các chức năng của gia đình phải được thực hiện một cách cơ bản, trong đó có chức năng về kinh tế; mối quan hệ trong gia đình phải ấm áp, yên ổn, bình an; gia đình phải thực sự là tổ ấm, là nơi trẻ em được phát triển, người già được chăm sóc, nuôi dưỡng.

- Vậy, theo bà danh hiệu gia đình văn hóa cần được hiểu đúng như thế nào?

- Theo tôi, nếu chỉ nhìn vào các biểu hiện bên ngoài như tờ đăng ký gia đình văn hóa thì đó đơn thuần chỉ là một tờ giấy, không khẳng định đó là một gia đình văn hóa. Cũng không nên chạy theo thành tích, như có đến 98 - 99%, thậm chí 100% gia đình trong một tổ dân phố đạt gia đình văn hóa. Bởi khi đó, danh hiệu sẽ không còn ý nghĩa, không là động cơ hay động lực để các gia đình cố gắng phấn đấu, trở nên nhàm chán, có thể đưa đến những hệ lụy xấu. Ví dụ, gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực nhưng vẫn được công nhận là gia đình văn hóa. Hay gia đình có tệ nạn xã hội, mặc dù đã có cam kết, hứa phấn đấu nhưng cuối cùng tệ nạn vẫn xảy ra. Rồi có tình huống bỏ mặc người cao tuổi, bỏ mặc trẻ em, bạo hành với người cao tuổi và trẻ em…

Các gia đình văn hóa được công nhận và vinh danh phải là những gia đình thực sự tiêu biểu.

- Để phong trào xây dựng gia đình văn hóa ý nghĩa và hiệu quả, chúng ta cần làm gì?

- Các phong trào của chúng ta đã làm rất tốt, song khi đưa ra những chương trình, đề án cần phải nghiên cứu kỹ. Ví dụ, việc gắn biển gia đình văn hóa ngoài cửa các gia đình là không cần thiết, đem đến cái nhìn không khách quan, gây hiện tượng so bì trong cộng đồng. Đây là một điểm rất bất cập. Cho nên, công tác nghiên cứu và đề xuất cần thận trọng, các tiêu chí phải rõ ràng để khi đưa xuống địa phương, cơ sở, những người thực hiện có căn cứ đánh giá dễ dàng hơn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... dựa vào nghiên cứu, tư vấn của các nhà khoa học để xây dựng một bộ tiêu chí và sổ tay hướng dẫn chi tiết, để đồng loạt áp dụng thống nhất và dễ dàng.

- Xin cảm ơn bà!

(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Hương Sen thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/xay-dung-gia-dinh-van-hoa-thuc-chat-khong-chay-theo-thanh-tich-post399242.html