Xây dựng giá trị văn hóa với ca cao

Hãy tưởng tượng trong cái se se lạnh, mình ngồi xuống, cùng nhau uống một tách ca cao nóng ấm, thưởng thức một miếng chocolate thanh ngọt, thấy rằng chẳng còn gì mong chờ hơn ở thành phố vốn nổi tiếng mộng mơ này.

Những hình ảnh nhận diện về Ca Cao Ơi do chính tay chàng kiến trúc sư Lê Viết Thanh Huy thiết kế. Ảnh: H.T

Những hình ảnh nhận diện về Ca Cao Ơi do chính tay chàng kiến trúc sư Lê Viết Thanh Huy thiết kế. Ảnh: H.T

Gây dựng “Ca Cao Ơi” từ nền tảng của Thông Đà Lạt - một trong những quán cà phê nổi tiếng đối với giới trẻ khi đến Đà Lạt, hai anh em Lê Viết Thanh Huy và Lê Thùy Bảo Trâm (TP Đà Lạt) đang mong muốn góp sức mình tìm lại chỗ đứng cho hạt ca cao trong lòng người Việt.

“Mình rất thích việc làm chocolate thủ công. Việc của mình là biến tấu những thỏi chocolate trở thành những sản phẩm khác biệt hơn, mang một chút hồn của núi đồi Tây Nguyên. Dùng chocolate làm ngôn ngữ sáng tạo dựa trên những giá trị văn hóa sẵn có kết hợp với thiết kế bao bì, góp phần tạo nên một niềm hy vọng mới cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam”, Lê Viết Thanh Huy chia sẻ.

Nhiều tâm tư, tình cảm được Thanh Huy đặt lên cái tên Ca Cao Ơi - cái tên thuần Việt nghe thân thương đến lạ. Có những hình ảnh ở những sản phẩm của hệ thống Ca Cao Ơi khiến mọi người nhắc nhớ về Đà Lạt. Đó là Nhà thờ Con Gà, Ga Đà Lạt, Quảng trường Lâm Viên... được vẽ trên vỏ thanh chocolate, chiếc ly giấy, miếng lót ly... do chính tay Lê Viết Thanh Huy thiết kế. Bởi anh vốn là một kiến trúc sư, và muốn vẽ cả Đà Lạt của mình lên đó.

Thanh Huy thấy rằng ca cao là một nông sản đặc sản của Việt Nam được đánh giá khá cao trên thế giới. Nó cũng mang đầy giá trị như cà phê, nhưng dường như lâu nay bị bỏ lỡ. Minh chứng rõ nhất chính là việc những thương hiệu chocolate hàng đầu thế giới đều ít nhiều có vùng nguyên liệu ở dải đất hình chữ S này. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của ca cao lại khá thấp nên Huy mong muốn góp một phần công sức vào quá trình chế biến, đưa sản phẩm ca cao đến gần hơn với người tiêu dùng.

Câu chuyện của Thanh Huy làm chúng tôi nhớ đến lão nông Nguyễn Văn Đoài ở xã Hà Lâm (huyện Đạ Huoai). Hạt ca cao của ông được Maru Chocolate - một trong những thương hiệu chocolate hàng đầu thế giới lựa chọn làm nguyên liệu. Dẫu vẫn đang ấp ủ một giấc mơ về việc tự làm ra thanh chocolate “made in Việt Nam” thế nhưng nhiều năm nay, ông Đoài vẫn chỉ cung cấp hạt ca cao thô. Bởi ông Đoài cho biết, để có thể tiến hành chế biến sâu ca cao rất phức tạp và cần rất nhiều yếu tố, từ nhân lực, tài chính, công nghệ... mà chỉ một người nông dân như ông chẳng thể đủ sức gánh gồng.

“Thành phẩm về socola ở Việt Nam khá nhiều, rất ngon. Mình không phải là đơn vị chuyên như những người nghiên cứu chuyên nghiệp hay được đào tạo bài bản. Cái mà mình có là đang tận dụng những lợi thế từ nông sản đặc trưng của địa phương và viết nó thành câu chuyện của mình theo một cách rất riêng”, Thanh Huy nói. Chính vì vậy mà Thanh Huy cũng lựa chọn kết hợp chocolate với các loại nông sản sẵn có ở địa phương như xoài, dâu tây, cam... để làm ra dòng sản phẩm chocolate trái cây của riêng mình để khách hàng thưởng thức cũng như một món quà nhỏ để nhắc về Đà Lạt. Thanh Huy cho biết, hiện đang sử dụng ca cao của 3 vùng nguyên liệu nổi tiếng là Đăk Lăk, Đồng Nai và Bến Tre. Bởi mỗi vùng lại cho mùi vị khác nhau đặc trưng cũng như cách những người nông dân, nhà sản xuất tạo ra giá trị riêng bằng phương pháp, công nghệ của mình. Một trong những điều khiến Thanh Huy trăn trở đó chính là việc chưa thể tìm được nguồn cung cấp ca cao từ chính mảnh đất quê hương Lâm Đồng.

“Người nông dân hiện giờ chỉ đang mong muốn làm sao bán được sản phẩm chứ chưa thực sự quan tâm đến chất lượng hay nắm bắt được chính xác nhu cầu của khách hàng. Đó là cái hạn chế lớn nhất. Vậy nên mình đang cùng với những người khác thuyết phục cho nông dân hiểu cái giá trị họ đang làm”, Lê Viết Thanh Huy chia sẻ.

Dưới cái nhìn của tuổi trẻ, Thanh Huy thấy rằng những người góp phần làm ra sản phẩm là thanh chocolate hay tách ca cao cũng đều tâm huyết. Nhưng suy cho cùng, nông dân chỉ là người sản xuất, người sản xuất thì cốt làm sao sản phẩm của mình thật ngon, thật ấn tượng chứ họ không phải là một nhà kinh doanh. Hay những người thợ làm chocolate lúc nào cũng đặt hết tình cảm của mình vào từng công đoạn - bởi đó là việc họ làm giỏi nhất. Huy xác định việc mình làm Ca Cao Ơi là để kết nối được các bộ phận, công đoạn này với nhau.

Hiện đã có 3 cửa hàng nhưng chắc chắn chàng kiến trúc sư trẻ chẳng mong dừng lại ở đó. “Một tách ca cao nóng thưởng thức giữa Đà Lạt. Hòa quyện lại một chút văn hóa đặc trưng giữa tiết trời se lạnh nhưng cảm giác lại vô cùng ấm cúng. Quan trọng là cảm xúc của mỗi người khi thưởng thức ca cao hay chocolate ngay tại Đà Lạt. Nó còn là ngôn ngữ thể hiện giá trị văn hóa của người Đà Lạt”, Thanh Huy chia sẻ.

Câu chuyện về Ca Cao Ơi nằm trong chuỗi giá trị được xây dựng bởi góc nhìn của một người trẻ, là ngôn ngữ thể hiện cho tình yêu Đà Lạt của những người con sinh ra trên mảnh đất này. Mà theo sau nó là mong muốn làm được gì đó cho Đà Lạt, cho nông sản của Việt Nam.

HỒNG THẮM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201908/xay-dung-gia-tri-van-hoa-voi-ca-cao-2961403/