Xây dựng giải pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu chính sách ưu đãi đầu tư mới để áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp trong bối cảnh mới và trước mắt là phù hợp, tương thích với thuế tối thiểu toàn cầu.

Ngày 27/8/2020, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) đã đóng lô gạo đầu tiên xuất khẩu vào Liên minh châu Âu với thuế suất 0%. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 27/8/2020, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) đã đóng lô gạo đầu tiên xuất khẩu vào Liên minh châu Âu với thuế suất 0%. Ảnh: TTXVN phát

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng các giải pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Từ cuối năm 2021, trong Tuyên bố về giải pháp hai trụ cột để giải quyết những thách thức về thuế phát sinh từ nền kinh tế số, các nước G20 thông qua Quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu và Việt Nam là một trong các quốc gia đã tham gia Quy tắc này.

Ngày 4/8/2022, Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD theo Quyết định số 55/QĐ-TTg; trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng Tổ công tác. Tổ phó Tổ công tác gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt Tổ công tác đặc biệt tập trung nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD; tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việt Nam đã mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài được 35 năm và một trong những chính sách thu hút đầu tư. Đó là, dùng các biện pháp ưu đãi mà trong trường hợp này đó là ưu đãi dựa trên thu nhập doanh nghiệp.

“Đây là biện pháp quan trọng, tuy nhiên bài toán đặt ra là điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư này như thế nào để đảm bảo tương thích với thuế tối thiểu toàn cầu nhưng ít tác động nhất đối với các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam; đảm bảo nhất quán chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết và khẳng định, trong thời gian tới Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài và các chính sách thu hút có sự thay đổi.

Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 với quan điểm tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn khu vực, thị trường, đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực; tái định vị dòng vốn đầu tư, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường nhiều rủi ro và tiềm ẩn xảy ra tranh chấp.

Cùng với đó, chiến lược ưu tiên việc kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ, phương pháp quản lý, quản trị tiên tiến; bảo đảm cân đối lợi ích của các bên đầu tư với lợi ích của nhà nước và nhân dân trong hoạt động hợp tác đầu tư nước ngoài trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro…

Xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư FDI vào công nghệ chíp. Ảnh minh họa: TTXVN

Xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư FDI vào công nghệ chíp. Ảnh minh họa: TTXVN

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu chính sách ưu đãi đầu tư mới để áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp trong bối cảnh mới và trước mắt là phù hợp, tương thích với thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo đó, một số nội dung về cách tiếp cận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong xây dựng các giải pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; về đánh giá tác động trong việc áp dụng chính sách; đối tượng được hưởng ưu đãi, đảm bảo tính bình đẳng, cạnh tranh, phù hợp với định hướng đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Những định hướng này được quy định tại các văn bản như: Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW;…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành trong việc xây dựng tiêu chí, điều kiện phù hợp với định hướng của Việt Nam trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cho tất cả các doanh nghiệp trong bối cảnh mới và trước mắt là phù hợp, tương thích với thuế tối thiểu toàn cầu./.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xay-dung-giai-phap-uu-dai-ho-tro-dau-tu-moi-khi-ap-dung-thue-toi-thieu-toan-cau/292387.html